Bảo tàng cá nhân sống động về Đà Lạt

06:02, 26/02/2020

Với tình cảm yêu quê hương Ðà Lạt, ông Nguyễn Văn Tuấn đã dành toàn bộ tâm huyết, đam mê, sưu tầm đồ cổ liên quan đến lịch sử văn hóa Ðà Lạt. Và anh muốn nơi đây trở thành "trường học" trực quan sinh động mang chủ đề "Ðà Lạt xưa".

Với tình cảm yêu quê hương Ðà Lạt, ông Nguyễn Văn Tuấn đã dành toàn bộ tâm huyết, đam mê, sưu tầm đồ cổ liên quan đến lịch sử văn hóa Ðà Lạt. Và anh muốn nơi đây trở thành "trường học" trực quan sinh động mang chủ đề "Ðà Lạt xưa".
 
Anh Tuấn nâng niu những món đồ cổ như là cách để “trả nợ” cho đời, cho quê hương Đà Lạt
Anh Tuấn nâng niu những món đồ cổ như là cách để “trả nợ” cho đời, cho quê hương Đà Lạt
 
Mọi người đã từng biết đến những cái tên “Tuấn khùng” “Tuấn ghi ta” “Tuấn ve chai” “Tuấn đồ cổ” “Tuấn thầy giáo”... chứ ít người biết đến anh với cái tên đúng nghĩa nghệ nhân Nguyễn Văn Tuấn. 
 
Từ đam mê lịch sử, cơ duyên đến với anh khi những lần đi học Đại học Đà Lạt anh đi bộ và thấy thi thoảng có những di vật của tổ tiên ông bà để lại bị vứt bừa bãi nơi thùng rác mà mọi người không biết được về ý nghĩa và giá trị nó mang trong mình. Nó có thể là những món đồ cổ cũ kỹ bị gia chủ bỏ đi như những chiếc “lư đồng”, những miếng gỗ có in chữ hán nôm có giá trị văn hóa vùng miền, của rất nhiều giai đoạn lịch sử, ghi dấu từng thời kỳ của những vùng miền văn hóa sống cộng cư tại Đà Lạt. 
 
Vậy là những ngày đầu dù nghèo khó, nhưng anh Tuấn tích cóp từng đồng, thậm chí xin mua “thiếu nợ” cả năm mới trả hết một món đồ cổ. Cứ thế, từ hàng chục, hàng trăm và rồi hàng ngàn món hiện vật cổ đó đã biến “Tuấn khùng” thành nợ nần, nghèo khó để rồi cho đến nay xây dựng một “bảo tàng sống” với 70 ngàn cổ vật quý. Anh cũng thật may mắn khi có gia đình, có người vợ hiểu, đồng cảm và chia sẻ với anh để anh thực hiện điều mình tâm huyết. 
 
Và ít ai biết được rằng, vợ con anh đã phải đi thuê phòng trọ (5 triệu đồng/tháng) để nhường không gian căn nhà nhỏ ở đường Phan Đình Phùng cho anh khai trương “Bảo tàng sống cá nhân” trong dịp lễ hội Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 8, năm 2019 vừa qua. 
Những người yêu thích văn hóa lịch sử khắp nơi, thậm chí rất nhiều người nước ngoài đã đến xem, trải nghiệm như được trở về quá khứ của Đà Lạt tại “Bảo tàng sống cá nhân” của anh. 
 
Trong giới chơi đồ cổ, nhiều người sưu tầm đồ cổ để bán kiếm lời, nhưng với anh Nguyễn Văn Tuấn - một người cán bộ văn hóa nhiều chục năm lại yêu thích và dành toàn bộ tâm huyết đam mê sưu tầm đồ cổ liên quan đến lịch sử Đà Lạt - anh coi đó như là cách để trả nợ cho vùng đất nơi mình sinh ra, lớn lên và sống, làm việc. Anh cứ lặng lẽ tự động viên cá nhân mình lưu giữ để suốt 28 năm qua anh giữ được di sản quý báu cho Đà Lạt, có ích trong việc tìm hiểu văn hóa lịch sử Đà Lạt.
 
Anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ với chúng tôi: Mình muốn đây là một “trường học” nhằm giáo dục trực quan đối với các em học sinh nhiều thế hệ đến tìm hiểu, tham quan và hiểu về lịch sử một thời của Đà Lạt như thế nào. Từ đó, các em sẽ hiểu được Đà Lạt hơn, biết trân trọng, giữ gìn cổ vật quý của gia đình, dòng họ mình. Không có một trường giáo cụ trực quan nào sống động như vậy hết.
 
Anh Tuấn còn kể thêm, có chị có bố là người Hà Đông, đi khai hoang, lập nghiệp tại ấp Hà Đông - thành phố Đà Lạt từ những năm 1938 và có mang theo một ít đồ đến nay gần 100 năm tuổi mà chị may mắn sở hữu. Chị biết anh Tuấn là người có tâm huyết với đồ cổ nên chị muốn trao tặng những món cổ vật đó cho anh để lưu giữ cho muôn đời sau. Khi trao tặng, lúc ra khỏi cửa chị khóc, có lẽ vì hiện vật của bố nay không còn ở trong nhà nên chị bồi hồi, xúc động. Nhưng chị đã gửi niềm tin, sự lưu giữ những giá trị thời gian cho một người có tâm như anh Tuấn. 
 
Đây được ví như một “Bảo tàng tư nhân” đầu tiên của Đà Lạt được trưng bày 70 ngàn cổ vật là 70 ngàn câu chuyện khác nhau. Anh Tuấn nói mỗi một món hiện vật là một câu chuyện khác nhau kể về người dân, đời sống Đà Lạt cho các cháu học sinh và du khách nghe. Người dân đến và sẽ được chìm đắm trong những câu chuyện văn hóa xa xưa của mình. 
 
Có một thứ văn hóa chết không thể mang đi, mà chết để lại cho đời và tôi để lại cho Đà Lạt một bộ sưu tầm đặc sắc về quá khứ của Đà Lạt. Anh Tuấn cho biết thêm, với tôi đời sống tinh thần rất quan trọng. Có thể trong năm 2020 này, tôi sẽ đưa câu chuyện này bằng cách kể của mình thông qua một nhà văn cũng rất tâm đắc với những câu chuyện kể của tôi. Và chúng ta hãy cùng chờ nhé...! 
 
NGUYỆT THU