Người ''thuyền trưởng'' hết lòng vì công việc

05:05, 22/05/2020

Tốt nghiệp ngành sư phạm Văn, rồi kinh qua nhiều ngành nghề, chức vụ khác nhau, từ thầy giáo dạy Văn cấp III, cán bộ Đoàn, rồi làm việc với những người cơ nhỡ...

Tốt nghiệp ngành sư phạm Văn, rồi kinh qua nhiều ngành nghề, chức vụ khác nhau, từ thầy giáo dạy Văn cấp III, cán bộ Đoàn, rồi làm việc với những người cơ nhỡ và gắn bó nhiều năm với Cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) Lâm Đồng, ở nhiệm vụ nào ông Dương Đức Thành - Giám đốc CSCNMT Lâm Đồng, cũng luôn hết mình vì công việc.
 
Ông Dương Đức Thành - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Lâm Đồng, đang trao đổi công việc với Ban điều hành tự quản của học viên
Ông Dương Đức Thành - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Lâm Đồng, đang trao đổi công việc với Ban điều hành tự quản của học viên
 
Chúng tôi hẹn gặp ông Dương Đức Thành vào một ngày giữa tháng 5, khi ông vừa vinh dự là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được đón nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người. Kể câu chuyện về cuộc đời mình, ông cho biết, sau khi tốt nghiệp ngành Ngữ văn - Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ông trở thành giáo viên dạy Văn cấp III tại huyện Di Linh trong vòng 6 năm. Rồi sau đó, chuyển sang công tác Đoàn, và từ năm 1994 đến nay, ông lần lượt là Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội và lâu nhất là hơn 4 nhiệm kỳ gắn bó với CSCNMT Lâm Đồng - trên cương vị là Giám đốc. “Những ngày đầu tiên về với cơ sở cai nghiện này - trước đây là Trung tâm 05 - 06, là những ngày khó khăn, đã có lúc tôi tính bỏ việc. Nhưng rồi tôi quyết tâm phải hoàn thành thật tốt nhiệm vụ mà cấp trên đã tin tưởng giao phó” - ông Thành chia sẻ.
 
Trước đây, cũng như các cơ sở cai nghiện khác trong cả nước, hoạt động của CSCNMT Lâm Đồng luôn gắn liền với các nguy cơ học viên bỏ trốn, hành hung, chống đối, vi phạm pháp luật, đã có 7 lượt viên chức và người lao động bị phơi nhiễm HIV/AIDS do phải tham gia can thiệp các xung đột trong nội bộ học viên... Cũng chính trong lúc này, ông Thành và lãnh đạo nhận ra rằng, cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ và quyết liệt.Và khoảng thời gian sau đó là mạnh dạn chuyển đổi từ cơ sở cai nghiện bắt buộc sang cơ sở đa chức năng, từ phương thức tổ chức cai nghiện bắt buộc sang phương thức cai tự nguyện là chủ yếu, mô hình cai nghiện chuyển mạnh sang mô hình cung cấp dịch vụ, trọng tâm là đáp ứng nhu cầu chính đáng của cộng đồng và bản thân người nghiện.
 
Năm 2002, ngay năm đầu tiên CSCNMT được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận ban hành Quy chế tạm thời tiếp nhận người cai nghiện tự nguyện, 18 người đến cai tự nguyện cùng với hơn 70 người cai bắt buộc. Những năm tiếp theo, số cai nghiện tự nguyện cũng tăng dần lên. Năm 2007, UBND tỉnh phê duyệt cho phép cơ sở là một trong những đơn vị sự nghiệp công lập đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ, một hành trình mới bắt đầu - hành trình cung cấp dịch vụ. Và từ năm 2015 - 2019, dù công suất tiếp nhận thường xuyên tối đa chỉ 180 người, nhưng cơ sở đã tổ chức cai nghiện, chữa bệnh cho 1.647 người nghiện, bao gồm 1.291 lượt người cai nghiện tự nguyện và 256 người cai nghiện bắt buộc. CSCNMT Lâm Đồng cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong cả nước thực hiện được chỉ tiêu về cai nghiện tự nguyện theo Nghị quyết 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ. Trong quá trình cai cắt cơn không để xảy ra tình trạng tai biến; thường xuyên áp dụng các liệu pháp vật lý trị liệu, các thủ pháp y học dân tộc trong cắt cơn và phục hồi. 
 
Ông Thành cũng cho biết thêm, trong số những người đã được cai nghiện và chữa trị có nhiều người nghiện từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tin tưởng chọn CSCNMT Lâm Đồng để điều trị. Để làm được điều này, là cả một quá trình thay đổi từ quan điểm, đến nhận thức của cả cán bộ và nhân viên, trong đó quan trọng nhất là đã chuyển hóa từ quan điểm “Cai quản” người nghiện ma túy sang quan điểm “Phục vụ” bệnh nhân, đồng thời hình thành phương châm làm việc “Thân thiện và phục vụ”. Mặt khác, với nhận thức không thể đạt hiệu quả nếu chỉ điều hành áp đặt từ một phía, những năm qua, cơ sở đã tạo ra sự cộng tác trong các quy trình điều trị. Sự cộng tác không chỉ giữa nhân viên xã hội với học viên, mà còn giữa đơn vị với các nguồn lực khác trong cộng đồng. Các hoạt động chủ yếu tạo ra sự cộng tác, gồm: cộng tác trong cơ sở qua sự gắn bó mật thiết với Ban điều hành tự quản của học viên - như là hệ thống điều hành thứ hai bên cạnh hệ thống viên chức. Tự quản không chỉ về an ninh trật tự, mà tự quản gần như toàn bộ quy trình: hậu cần, thi đua, đánh giá kết quả, văn hóa, thể thao, sinh hoạt chi hội, chào cờ đầu tuần... “May mắn của bản thân tôi được đào tạo chính quy ngành sư phạm, đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác giáo dục học sinh - nhất là học sinh cá biệt. Thêm một may mắn nữa, đó là đội ngũ viên chức, nhân viên được đào tạo chính quy, làm việc đúng ngành nghề, ngày càng thạo việc, đáp ứng ngày càng cao của nhiệm vụ được giao” - ông Thành nói thêm.
 
Trong những năm qua, bên cạnh việc tổ chức tốt công tác cắt cơn, cai nghiện; chữa bệnh cho học viên; quản lý tốt trật tự trị an, thì công tác chuẩn bị hòa nhập cho học viên cũng đạt kết quả cao. Cụ thể, cơ sở đã tổ chức đồng bộ các biện pháp như: Giáo dục pháp luật, đạo đức, nhân cách, rèn luyện thói quen tốt; tổ chức các hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa mới, tăng cường giao lưu với bên ngoài. Đồng thời, cơ sở cũng tổ chức hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ. 5 năm gần đây, cơ sở đã phối hợp với các đơn vị dạy nghề tổ chức được 17 lớp nghề...
 
Với những nỗ lực không mệt mỏi của “thuyền trưởng” Dương Đức Thành và đội ngũ viên chức, nhân viên, từ một đơn vị yếu kém của những ngày đầu tiếp quản, nhiều năm qua, CSCNMT Lâm Đồng luôn là đơn vị dẫn đầu về mô hình, kết quả hoạt động trong hệ thống CSCNMT công lập trong cả nước. 
 
Cơ sở được công nhận là Tập thể Lao động xuất sắc nhiều năm liền, được nhận Bằng khen, Cờ thi đua của UBND tỉnh; Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đặc biệt đây cũng là đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đầu tiên vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước năm 2014... Và những thành tích này luôn mang đậm dấu ấn của vị Giám đốc luôn hết mình với công việc: Dương Đức Thành. Trong vai trò của mình, ông đã luôn cố gắng hoàn thành bộ máy nhân sự để nâng cao chất lượng công tác. Đồng thời, luôn tạo lập và giữ gìn được sự đoàn kết trong lãnh đạo và công chức, viên chức cơ quan. Xây dựng và giữ gìn được sự đồng thuận trong hầu hết các chủ trương, biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Nhiều năm qua, ông liên tục được công nhận là Chiến sĩ thi đua cơ sở; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp, các ngành, trong đó có Bằng khen của Chính phủ (năm 2012) và được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2014). “Những thành quả đạt được là sự cố gắng, nỗ lực của cả một tập thể tạo nên, vì vậy, sau khi về hưu, tôi luôn mong muốn lớp lãnh đạo kế cận sẽ tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa những kết quả đã đạt được” - ông Thành nói.
 
THY VŨ