Bác sĩ chỉ cách tốt nhất phòng bệnh bạch hầu; phân biệt bệnh này với viêm họng, viêm amidan

05:06, 25/06/2020

ThS.BSCKII Trần Duy Hưng - Trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch...

ThS.BSCKII Trần Duy Hưng - Trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch. Trước bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn, cha mẹ chú ý đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, tránh nguy cơ dịch bệnh khác bùng phát trở lại.
 
Lịch tiêm chủng vắc xin SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:
 
Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
 
Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
 
Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
 
Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

 

Bệnh bạch hầu đang xảy ra ở một số xã của tỉnh Đắk Nông và đã ghi nhận ca tử vong. Các khu vực có người mắc bệnh đều có tỷ lệ tiêm chủng thấp 48-52%, các trường hợp mắc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Tình hình này gióng lên hồi chuông nhắc nhở người dân về việc tiêm chủng đầy đủ, kịp thời cho trẻ, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, có nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng.

Trước thực tế đó, ThS.BSCKII Trần Duy Hưng – Trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả là cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.
 
Theo BS. Hưng, trong nhiều năm gần đây, bệnh bạch hầu gần như vắng bóng ở khu vực miền Bắc. Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc xin phối hợp phòng bạch hầu được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh.
 
Ổ dịch bạch hầu thường chỉ xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tuy nhiên, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
 
"Căn bệnh này điều trị không quá khó, nhưng quan trọng là người dân cần chú ý các dấu hiệu sớm của bệnh để đi khám và điều trị kịp thời. Ước tính, tỉ lệ tử vong của bệnh khoảng 5-10%, tuỳ thuộc vào việc bệnh nhân được điều trị sớm hay muộn. Ở thể tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 24-48 tiếng"- chuyên gia nhiễm khuẩn tổng hợp nhấn mạnh.
 
ThS.BSCKII Trần Duy Hưng chia sẻ thông tin về bệnh bạch hầu và khuyến cáo cha mẹ nên đưa con đi tiêm vắc xin để phòng bệnh.
ThS.BSCKII Trần Duy Hưng chia sẻ thông tin về bệnh bạch hầu và khuyến cáo cha mẹ nên đưa con đi tiêm vắc xin để phòng bệnh.
 
Chú ý các dấu hiệu điển hình
 
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thuộc nhóm B trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
 
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
 
BS. Hưng tư vấn, biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có sốt nhưng không cao, giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
 
"Biến chứng đáng sợ nhất của bệnh bạch hầu là gây viêm cơ tim do độc tố của bạch hầu, dễ dẫn đến tử vong. Ngoài ra có thể có biến chứng tổn thương viêm dây thần kinh..."- BS. Hưng cho biết thêm.
 
Bạch hầu có biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong
Bạch hầu có biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong
 
Phân biệt bệnh bạch hầu với viêm họng, viêm amidan
 
Bệnh bạch hầu tuy có biểu hiện sốt nhưng thường sốt không cao, song điều này cũng dễ khiến cha mẹ nhầm lẫn với các bệnh khác, dễ có tâm lý chủ quan vì nghĩ rằng chỉ cần trẻ hạ sốt là sẽ không sao. Bên cạnh đó, một số biểu hiện ở vùng hầu họng làm cha mẹ dễ nhầm lẫn sang viêm họng, viêm amidan...
 
BS. Hưng chỉ rõ cách phân biệt như sau:
 
Lợi ích bảo vệ cả cộng đồng từ tiêm vắc xin
 
BS. Hưng nhấn mạnh, bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch. Việc tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu và các bệnh khác có vắc xin phòng bệnh là điều cần thiết. Các tai biến là rất thấp so với lợi ích mà vắc xin đem lại cho con người, chính vì thế cha mẹ hãy đưa con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để bảo vệ cả một thế hệ, cả cộng đồng.
 
"Trào lưu anti vắc xin là một sai lầm vì nếu hàng triệu trẻ không được tiêm chủng phòng bệnh sẽ rất nguy hiểm, là mối nguy ngại tiềm ẩn có thể bùng phát bất cứ lúc nào trước thực tế hiện nay các bệnh mới nổi, tái nổi luôn chực chờ. Trong đó có những bệnh tái nổi có nguyên nhân do không tiêm đầy đủ, đúng lịch, không tiêm nhắc lại...
 
Chính vì thế, cũng cần đẩy mạnh truyền thông để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, đặc biệt tuyên truyền rõ lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu bảo đảm đủ mũi và đúng lịch"- BS. Hưng phân tích rõ.
 
Nhân viên y tế tiêm vắc xin cho trẻ tại Phòng tiêm chủng vắc xin, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Nhân viên y tế tiêm vắc xin cho trẻ tại Phòng tiêm chủng vắc xin, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương
 
Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
 
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.
 
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
 
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
 
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
 
5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
 
(Theo suckhoedoisong.vn)