Nếu như việc thực hiện nếp sống văn hóa mới ở nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa và vấn đề vận động Nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thu gom rác thải đang khá nan giải ở một số địa bàn nông thôn thì ở Đạ Huoai, vấn đề này đã được huyện "giải quyết khá triệt để"...
Nếu như việc thực hiện nếp sống văn hóa mới ở nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa và vấn đề vận động Nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thu gom rác thải đang khá nan giải ở một số địa bàn nông thôn thì ở Đạ Huoai, vấn đề này đã được huyện “giải quyết khá triệt để” và trở thành điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện nếp sống văn minh của bà con nhân dân.
|
Xã Đoàn Kết đã “thay da, đổi thịt”, khoác lên mình dáng vẻ của một vùng quê phát triển, yên bình, sạch đẹp |
Những ngày giữa tháng 6, Đạ Huoai sáng nắng, chiều mưa. Nhưng từ trung tâm huyện chúng tôi lái xe bẻ nhánh đi bất cứ xã nào trong huyện cũng thấy ấn tượng khi tuyệt nhiên từ các tuyến tỉnh lộ đi thông vào các con đường liên thôn, liên xóm, đến tận cửa nhà của các nông dân nằm sâu trong những con hẻm nhỏ đều rất sạch sẽ, thông thoáng. Đem sự thán phục này trao đổi với Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai - đồng chí Nguyễn Quý Mỵ rạng rỡ tự hào chia sẻ với chúng tôi: “Đạ Huoai có thể chưa xanh và nhiều hoa như Đà Lạt, nhưng chính quyền và Nhân dân huyện Đạ Huoai chúng tôi những năm gần đây luôn tự hào là một huyện sạch và đẹp không thua kém bất cứ nơi đâu”.
Quả thật, những ngày công tác ở Đạ Huoai đã để lại cho chúng tôi quá nhiều ấn tượng về ý thức bảo vệ môi trường cũng như thực hiện nếp sống văn minh của bà con vùng nông thôn nơi đây. Ở 2 xã vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm phần đông là xã Đạ Ploa và xã Đoàn Kết, rất nhiều hình ảnh cũng như câu chuyện của bà con khiến chúng tôi thật sự thán phục. Thán phục bởi hơn chục năm trước khi lần đầu tiên tôi có chuyến công tác đến xã Đạ Ploa, hai bên đường từ trung tâm huyện vào xã lúc ấy cây cỏ mọc um tùm, nhà cửa thưa thớt và nhếch nhác; người dân vứt rác khắp nơi; thì nay, từ Ngã ba giáp Quốc lộ 20 vào tất cả các thôn của xã, hai bên đường vô cùng sạch sẽ, thoáng đãng. Hoa bằng lăng đang vào mùa nở tím ngát cả góc trời Đạ Ploa.
Trao đổi với chúng tôi về sự chuyển biến trong nhận thức của Nhân dân xã về vấn đề môi trường và xây dựng nếp sống mới trong việc tang, việc cưới; nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đạ Ploa, ông K’ Din cho biết: “Đó là cả một quá trình rất dài dựa trên những quyết sách kịp thời và đúng đắn của BCH Đảng bộ huyện; sự đồng lòng, quyết tâm và vô cùng khéo léo trong quá trình triển khai, làm công tác dân vận, vận động người dân của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, các đảng viên và các cán bộ từ xã đến thôn”.
Điều này quả không sai vì Đạ Ploa vốn là một xã nghèo có đông đồng bào dân tộc thiểu số, xuất phát điểm thấp cả về kinh tế lẫn văn hóa. Sự đổi thay mạnh mẽ của xã có thể thấy rất rõ từ sau 5 năm trở lại đây. Kết quả đạt được phải ghi nhận sự đoàn kết, nhất trí cao của tập thể Đảng ủy, cấp ủy, các chi bộ trực thuộc và sự đồng thuận của Nhân dân thông qua công tác dân vận khéo. Các cán bộ làm công tác dân vận ở xã thật sự đã phát huy được năng lực, sở trường, nên công tác vận động quần chúng đã mang lại hiệu quả cao. Đơn cử như chuyện vận động thực hiện đám cưới, đám ma theo nếp sống mới ở Đạ Ploa. Các cán bộ làm công tác dân vận không chỉ đơn giản làm gương khi gia đình mình có việc hay đến từng nhà dân rồi trao đổi, yêu cầu; mà để việc vận động mang lại hiệu quả, tạo niềm tin cho dân làm theo và thay đổi nhận thức về lâu dài, cán bộ xã đã phối hợp với cán bộ thôn tìm hiểu mối quan hệ trong dòng tộc, gia đình từng hộ dân; sau đó tranh thủ uy tín của người trong dòng tộc, gia đình đó để trao đổi, phân tích và vận động. Khi hội đủ cả yếu tố lý lẽ và tình cảm thì người dân đã nghe theo và làm theo. Với việc áp dụng cách làm đó, ông Trần Thanh Tuyến, Chủ tịch UBND xã Đạ Ploa cho biết, hiện Đạ Ploa đã xóa bỏ được rất nhiều hủ tục trong đám cưới, đám ma. Người dân ý thức cao hơn trong việc giữ gìn môi trường, không vứt rác, vứt bỏ vỏ thuốc trừ sâu bừa bãi; trong đám tang, cũng không còn việc rải vàng mã đi “đưa ma”.
Xã Đoàn Kết cũng là một trong những xã điển hình về vấn đề này. Người dân xã Đoàn Kết không chỉ thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; nét nổi bật của xã Đoàn Kết còn là người dân cực kỳ có ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống. Từ một xã vùng dân tộc thiểu số nghèo khó, địa bàn phức tạp; đời sống tuy đang thay đổi theo chiều hướng tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thế nhưng riêng về vấn đề bảo vệ môi trường thì người dân lại nhận thức rất tốt và rất đồng thuận với cách thức tổ chức và vận động thực hiện của chính quyền. Ông Trần Văn Đông - Chủ tịch UBND xã cho biết, tính đến nay, tỷ lệ hộ dân trên địa bàn xã tự nguyện trả phí để được thu gom rác thải đạt 93,14%. Điều đó cho thấy ý thức rất cao của người dân về vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường.
Ngoài Đạ Ploa và Đoàn Kết, phong trào bảo vệ môi trường và xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn huyện Đạ Huoai còn ghi nhận nhiều cách làm hiệu quả ở các xã khác như xã Mađaguôi và thị trấn Mađaguôi. Ở tất cả các xã, người dân hầu như đã xóa bỏ hoàn toàn lệ “ăn trước” khi có đám cưới; bỏ tục rải vàng mã trên đường khi “đưa ma”. Bà con tại một số xã, sau khi được cán bộ giải thích đã hiểu và nhận thức rất tốt về vấn đề môi trường. Minh chứng đó là ở một số xã, thị trấn, người dân còn chủ động đề xuất lên chính quyền yêu cầu bố trí các thùng rác ở nơi công cộng...
Những kết quả đạt được ấy chính là “quả ngọt” của công tác dân vận khéo, là niềm tự hào của đội ngũ lãnh đạo các cấp từ huyện đến xã và minh chứng cho niềm tin, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân khi họ hiểu và nhận thấy cách làm đúng đắn của các cấp chính quyền.
NGUYỄN NGHĨA