Đạ Huoai - miền trái ngọt

08:06, 24/06/2020

(LĐ online) - Vào hạ, trời nóng như đổ lửa. Gặp và trò chuyện với lãnh đạo huyện Đạ Huoai cũng như các xã, chúng tôi cảm nhận tiếp nhận nguồn gió mát lành lan tỏa trên vùng kinh tế mới năm xưa nay khoác tấm áo xanh bạt ngàn cây trái tốt tươi đã mang lại thương hiệu "Sầu riêng Đạ Huoai" hấp dẫn thị trường trong nước và nước ngoài...

(LĐ online) - Vào hạ, trời nóng như đổ lửa. Gặp và trò chuyện với lãnh đạo huyện Đạ Huoai cũng như các xã, chúng tôi cảm nhận tiếp nhận nguồn gió mát lành lan tỏa trên vùng kinh tế mới năm xưa nay khoác tấm áo xanh bạt ngàn cây trái tốt tươi đã mang lại thương hiệu "Sầu riêng Đạ Huoai" hấp dẫn thị trường trong nước và nước ngoài. "Ôn cố tri tân", từ vùng sơn nguyên mang tên "vùng Ba" rừng thiêng nước độc thuộc huyện Bảo Lộc sau năm 1975, ngày 14/3/1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 116 chia huyện Bảo Lộc thành hai huyện lấy tên Bảo Lộc và Đạ Huoai. Đến 6/6/1986, Quyết định số 68 của Hội đồng Bộ trưởng chia tách Đạ Huoai thành 3 huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Trải qua 34 năm hình thành và phát triển, đến nay, Đạ Huoai có 9 đơn vị hành chính gồm 2 thị trấn: Mađaguôi, Đạ M'ri và 7 xã: Đạ Ploa, Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ Oai, Đạ Tồn, Đoàn Kết và Đạ M'ri. Trước khi trở lại lần này, tôi được biết: Những năm gần đây, công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị của Đạ Huoai có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2019, Đảng bộ huyện có 20% tổ chức cơ sở (TCCS) Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 74,59% TCCS Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ; 5,41% TCCS Đảng hoàn thành nhiệm vụ, không có TCCS Đảng không hoàn thành nhiệm vụ. Toàn Đảng bộ có 9,2% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 83,78% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hoạt động của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể có nhiều đổi mới, trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên rõ nét... 
 
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quý Mỵ (thứ nhất, bên trái). Ảnh: Khánh Phúc
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quý Mỵ (thứ nhất, bên trái). Ảnh: Khánh Phúc
 
Thời gian tựa thoi đưa, mới đó mà đã bước vào tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện Đạ Huoai lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025) với phương châm hành động "Đoàn kết - Kỷ cương - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển". Gặp lại, đồng chí Nguyễn Quý Mỵ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy ấp ủ nhiều chuyện tâm đắc để giãi bày nhưng vẫn say sưa câu chuyện cùng song hành với quá trình đổi mới đất nước là cuộc vượt khó để "thay da đổi thịt" phát triển kinh tế trên vùng đất này. Bí thư cho biết: Trong 5 năm qua, việc đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với tập trung thực hiện 2 khâu đột phá của huyện đã thúc đẩy nền kinh tế Đạ Huoai tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Các chỉ tiêu KTXH đạt và vượt Nghị quyết Đại hội đề ra. Đơn cử: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng bình quân 11%/năm (Chỉ tiêu NQ 11-12%/năm). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 549 tỷ đồng (NQ 350-355 tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu người 43,5 triệu đồng/năm. 100% xã hoàn thành và huyện cơ bản đạt các tiêu chí huyện Nông thôn mới (NTM). Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,9% (NQ dưới 1,5%). Trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) dưới 2,7% (NQ dưới 2,7%)... 
 
- Vừa qua, Đạ Huoai đã tập trung phát triển kinh tế theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương? Vậy Bí thư cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
 
Trước câu hỏi của tôi, Bí thư trả lời rành rọt những con số đã ăn sâu tâm trí người con sinh trưởng quê lúa  đồng bằng Bắc Bộ am hiểu tính nết thổ nhưỡng, khí hậu, cây trái miền sơn nguyên như thể tình yêu đất đã thấm vào từng mạch máu: 
 
- Nhiệm kỳ qua, trong lĩnh vực nông nghiệp, Đạ Huoai đã tập trung chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu ngành. Huyện ủy lãnh đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững và từng bước hiện đại. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển các cây trồng chủ lực. Hiện tổng diện tích cây trồng có 15.395 ha; đã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao được 2.720 ha. 
 
Ngưng lời rồi Bí thư Huyện ủy cất giọng sôi nổi, nhấn mạnh: - Đạ Huoai vốn có thế mạnh về cây điều, thời gian qua, cây sầu riêng đã lên ngôi. Tiếp tục khẳng định và giữ vững được cơ cấu cây trồng chủ lực song phát huy lợi thế phát triển cây ăn trái chất lượng cao, huyện xác định và từng bước đầu tư xây dựng vùng sản xuất Sầu riêng ứng dụng công nghệ cao (CNC) tại xã Hà Lâm với diện tích 300 ha. Đồng thời hình thành các vùng sản xuất tập trung đối với các nhóm cây chủ lực như: cây điều 7.810 ha; cây sầu riêng 3.711 ha (xã Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ Ploa, Đạ Oai, thị trấn Đạ M’ri); cây dâu tằm 244 ha. Đã tập trung vận động, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi trên 2.720 ha diện tích cây điều già cỗi, sầu riêng hạt, mía,… năng suất thấp. Các hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất được đẩy mạnh thực hiện sáng tạo, mang lại hiệu quả cao. Trình độ, nhận thức về sản xuất nâng lên rõ rệt. Nhiều hộ dân mạnh dạn ứng dụng KHKT đầu tư thâm canh cho thu nhập cao. Có khoảng 800 ha cây sầu riêng đạt giá trị sản xuất 600-700 triệu đồng/ha, nhiều hộ đạt trên 1 tỷ đồng/ha. Giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích đã tăng vượt trội, đạt 83 triệu đồng/ha, tăng 47,5 triệu đồng so với năm 2015 và vượt 11,6% chỉ tiêu Nghị quyết. Ước đến cuối năm 2020, toàn huyện có khoảng trên 3.120 ha cây trồng các loại áp dụng kỹ thuật thâm canh và ứng dụng KHKT vào sản xuất, chiếm 22,8% tổng diện tích đất nông nghiệp. Huyện đã chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đối với cây chè, cây sầu riêng, trồng dâu nuôi tằm…
 
Thông tin khái quát của Bí thư Huyện ủy củng cố thêm sức sống sinh động ở các xã mà chúng tôi vừa đi thực tế. Ông Đinh Công Định - Phó Chủ tịch xã Đạ Ploa, từng 30 năm gắn bó với "một trong ba xã nghèo" của huyện, trong câu chuyện cũng vương lắm nỗi ưu tư. Bởi địa phương chiếm tới 60% là đồng bào các DTTS Tây Nguyên, trình độ phát triển KT-XH còn nhiều hạn chế, bình quân thu nhập đầu người mới trên 38 triệu đồng/năm, chưa cắt được 9 hộ nghèo và 34 hộ cận nghèo... Thế nhưng Phó Chủ tịch xã vẫn lạc quan: "Đạ Ploa có trên 2.000 ha điều. Mấy năm qua, bà con dần xóa bỏ tập quán canh tác xưa cũ đến nỗi đi thu hoạch điều, sầu riêng cũng phải chọn ngày tốt và giờ lành. Hiện xã xây dựng 2 THT: THT Trái cây Nam Trịa ở thôn 2, THT sơ chế hạt điều thôn 5 và mới thành lập HTX sản xuất dịch vụ Nông nghiệp với 28 thành viên. Đạ Ploa phấn đấu cuối năm nay sẽ cán đích xã NTM". 
 
Đến với xã Hà Lâm - thủ phủ sầu riêng không chỉ của huyện mà còn xứng tầm của Việt Nam. Vào khoảng năm 1930, người Pháp đã lập vườn cây Nam Nhi trồng sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, thanh long ruột đỏ... Nghe chuyện nơi đây thật không khỏi ngỡ ngàng bởi những con số ngoạn mục mà nhiều xã "top" khá trong tỉnh cũng phải ao ước. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thanh Nghị: Hà Lâm có 958 hộ với 3.240 khẩu. Giai đoạn 2015-2020, thu nhập bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 179,8 triệu/ha (chỉ tiêu 100 triệu), 45% diện tích đất sản xuất nông nghiệp cho thu nhập 200 triệu đồng trở lên (chỉ tiêu 35-40%), 25% diện tích cho thu nhập 250 triệu đồng (chỉ tiêu 15%). Bình quân thu nhập đầu người 76,8 triệu đồng/năm (vượt 33,3 triệu so với mức bình quân của huyện) và từ năm 2017 không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hà Lâm đang phấn đấu đến năm 2025 trở thành xã NTM kiểu mẫu về sản xuất, thu nhập và hộ nghèo. 
 
Không dấu niềm tự hào, Nguyễn Thanh Nghị phấn chấn thông tin thêm: Hà Lâm có trên 1.276 ha cây ăn quả với một số cây chủ lực như sầu riêng, chôm chôm, mít, măng cụt. Trong đó, sầu riêng trên 1.061 ha, diện tích thu hoạch 744,8 ha, năng suất bình quân 135,5 tạ/ha, sản lượng ước 11.450,5 tấn (tăng 12,6% so với 5 năm trước)... Diện tích ứng dụng KHKT có 825 ha/520 hộ. Hầu hết diện tích sầu riêng trong xã đều áp dụng công nghệ tưới tự động. Về điển hình những hộ tỷ phú từ sầu riêng ở Hà Lâm thì nhiều lắm. Nhưng đáng chú ý là các hộ: Ông Nguyễn Văn Tuyến (thôn 1), trồng 1 ha sầu riêng giống Ri6 ứng dụng CNC và thâm canh, năm 2019 đầu tư 150 triệu đồng, thu hoạch 30 tấn quả, lợi nhuận 1,050 tỷ đồng. Hoặc hộ ông Nguyễn Văn Dũng (Thôn 2) tuy mới trồng 4 sào sầu riêng Monthong và 5 sào Ri6, năm qua đầu tư chỉ 35 triệu, đạt lợi nhuận trên 272 triệu đồng... Vui chuyện làm ăn, hóa ra cán bộ xã như Phó Bí thư Phạm Hoàng Long tuổi mới ngoài 40, Chủ tịch MTTQ xã Nguyễn Xuân Điệp, Chủ tịch Hội Nông dân Vương Đình Hảo đều là những chuyên gia, những tỷ phú sầu riêng. Phó Bí thư Nguyễn Thanh Nghị trồng gần 5 ha sầu riêng, mỗi năm thu 5-6 tỷ bạc thì quả thật rất yên tâm "gánh vác việc làng"... Vào Hà Lâm năm 17 tuổi, gần 35 gắn bó và trưởng thành từ mảnh đất đầy gian khó này, Nguyễn Thanh Nghị xứng đáng thu mùa "quả ngọt". Anh cũng như bất cứ cư dân nào đến lập nghiệp trên vùng đất đã hóa thành "đất vàng" Hà Lâm, mỗi người đều không quên cái thuở ban đầu "lửa thử vàng, gian nan thử sức". Ngày ấy được tái hiện qua cảm xúc mộc mạc, chân thành, giàu ấn tượng mà ông Phạm Văn Tửu - người Hà Tây (cũ) nguyên Trưởng Công an xã viết tặng Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VIII vừa qua: "Xe đi kinh tế tới Lâm Đồng/ Rừng rậm, đồi hoang phải đây không?/ Vượn hú, voi gầm ngao ngán quá!/ Đìu hiu, hoang dã xóm làng không./ Tài sản - lưng phồng ba lô rách/ Cơ nghiệp cầm tay - cuốc xẻng cùn./ ... Mỗi hộ được chia một vạt rừng/ Vợ chồng, con cái đấu cật lưng/ Lội suối luồn rừng chân tóe máu/ Chặt cây phát bụi tay rộp phồng/... Con kéo vú da nhăn mặt vợ/ Gùi căng thớ thịt - gập lưng chồng!/ Cây đè nước cuốn may còn xác/ Trẻ bơ vơ, vợ vấn tang chồng!"... Thời Hà Lâm khởi thủy chỉ có bộ khung 11 đội sản xuất, không có tổ Đảng, chưa có tổ chức chính trị - xã hội nào... chưa hẳn là xa nhưng những người ly quê với "bàn tay ta làm nên tất cả/ có sức người sỏi đá cũng thành cơm" giờ đây đã cần cù, năng động tạo dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Họ cũng dào dạt tinh thần lạc quan tựa câu thơ của người cán bộ, đảng viên cao tuổi cảm tác: "Ba tư năm chặng đường đi chưa dài./ Đầy tin tưởng, sáng tương lai/ Vươn lên từ đất ngày nay mạnh giàu/... Xã nông thôn mới ngọn cờ đầu/ Tiến lên!".   
 
Vào mùa trái ngọt. Ảnh: Khánh Phúc
Vào mùa trái ngọt. Ảnh: Khánh Phúc
 
Chìm đắm với ăm ắp cảm xúc tốt lành ghi nhận từ điểm sáng xã tỷ phú Hà Lâm, tôi chợt nhớ ra và đặt vấn đề tìm hiểu thêm về kết quả xây dựng NTM. Các đồng chí lãnh đạo huyện cho biết: Chương trình xây dựng NTM được lãnh chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của đông đảo nhân dân và đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn huyện đã tập trung thực hiện hiệu quả các đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Môi trường, cảnh quan nông thôn được quan tâm xây dựng, bảo đảm theo hướng xanh, sạch. Phát động và duy trì “Ngày chủ nhật vì môi trường” vào cuối mỗi tháng, triển khai xây dựng tuyến đường hoa, hàng rào xanh, thu gom rác thải sinh hoạt và vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định,... Bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ nét và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. 7/7 xã đạt các tiêu chí xã NTM, huyện cơ bản đạt các tiêu chí huyện NTM. Hiện Đạ Huoai đang từng bước triển khai xây dựng xã NTM nâng cao, thực hiện thí điểm xây dựng xã NTM kiểu mẫu về tiêu chí Sản xuất - Thu nhập - Hộ nghèo ở xã Hà Lâm; về tiêu chí môi trường ở Đạ Tồn bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. 
 
 Tuy đạt nhiều kết quả quan trọng, làm nền tảng bền vững cho bước đi của những năm sau trong phát triển kinh tế, xây dựng NTM mới song Đạ Huoai vẫn còn một số hạn chế cần tập trung khắc phục. Đó là: Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế chưa chuyển mạnh, kinh tế phát triển chưa thật sự bền vững. Nguồn lực đầu tư thực hiện tái cơ cấu kinh tế còn hạn chế. Việc ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp chưa rộng khắp, sản xuất theo chuỗi giá trị chưa lan tỏa rộng. Kinh tế hợp tác chậm phát triển, tính liên kết còn thấp, hiệu quả chưa cao... 
 
Vốn nhiều suy tư về những nan giải này, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quý Mỵ như cởi tấm lòng, bộc bạch: Phát triển KT-XH huyện Đạ Huoai phải đặt trong tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh Lâm Đồng; phát huy lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tăng cường liên kết với các địa phương thu hút các nguồn lực đầu tư. Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, từng bước hiện đại, gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh; xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị cho những sản phẩm chủ lực. Đồng thời, tạo được động lực phát triển cho mối quan hệ liên ngành: du lịch hỗ trợ cho nông nghiệp; công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp và dịch vụ phát triển... Đặc biệt, phải phát huy nhân tố con người, tạo điều kiện cho mọi người phát huy năng lực bản thân. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, nhất là lao động nông thôn. 
 
Vâng, tôi thầm nghĩ với nội lực tích tụ qua 34 năm xây dựng và trưởng thành, với quyết tâm xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp và nhất là có ý thức cao trong việc phát huy nhân tố con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tương lai không xa Đạ Huoai sớm trở thành trung tâm KT, XH 3 huyện phía Nam của Lâm Đồng. Đạ Huoai sẽ là một trong những điểm sáng của tỉnh trong phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh. 
 
Bút ký: NGUYỄN THANH ĐẠM