(LĐ online) - Sáng 24/6, Ban Quản lý Dự án Chăm sóc sức khỏe Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết dự án.
(LĐ online) - Sáng 24/6, Ban Quản lý Dự án Chăm sóc sức khỏe Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết dự án.
|
Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng tham dự hội nghị trực tuyến tổng kết Dự án Chăm sóc sức khỏe Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 |
Tham dự tại điểm cầu Sở Y tế Lâm Đồng có ông Phan Văn Đa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, BSCKII Nguyễn Đức Thuận – Giám đốc Sở Y tế tỉnh và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc ngành y tế tỉnh.
Dự án Chăm sóc sức khỏe Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 có tổng vốn là 76,6 triệu USD, thực hiện Dự án là Bộ Y tế và 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng).
Dự án Chăm sóc sức khỏe Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ được triển khai thực hiện từ ngày 23/6/2014. Sau 6 năm thực hiện, tất cả các hoạt động của Dự án đã cơ bản hoàn thành theo kế hoạch. Cụ thể: 100% các gói thầu xây dựng, với 82/83 công trình đã được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; 100% các gói thầu mua trang thiết bị được trao hợp đồng, trong đó Ban Quản lý dự án (QLDA) Trung ương trực tiếp mua và bàn giao 3.186 trang thiết bị thuộc 158 danh mục, bao gồm cả 24 xe ô tô cứu thương và 4 xe ô tô chuyên dụng; hỗ trợ kinh phí đào tạo cho 11.248 cán bộ y tế (đạt 95% kế hoạch).
Dự kiến, Dự án giải ngân được hơn 51,1 triệu USD, đạt khoảng 80% tổng vốn ODA với 21/23 chỉ số kết quả của Dự án đã đạt và vượt. Theo quy định hiện hành, Dự án sẽ triển khai các thủ tục đóng dự án trong 6 tháng tới.
Tình hình thực hiện dự án tính đến 31/5/2020, cụ thể: Xây dựng cơ bản nhằm cải thiện cơ sở vật chất của bệnh viện tuyến huyện và tuyến xã, Dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp sửa chữa 83 công trình (58 trạm y tế xã, 10 phòng khám đa khoa khu vực, 15 bệnh viện huyện) với tổng kinh phí 21,44 triệu USD, chiếm 28,21% tổng vốn Dự án (trong đó, vốn ODA đóng góp 85%, vốn đối ứng của địa phương đóng góp 15%).
Về trang thiết bị, Dự án cung cấp trang thiết bị và xe ô tô cứu thương, ô tô chuyên dụng cho 99 đơn vị, bao gồm: 3 bệnh viện tỉnh, 26 bệnh viện/trung tâm y tế huyện, 54 trạm y tế xã, 11 phòng khám đa khoa khu vực, 5 trường y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên với tổng kinh phí được phân bổ là 25,89 triệu USD, chiếm 34,06% tổng vốn Dự án.
Về đào tạo, để phát triển nguồn nhân lực y tế của 5 tỉnh Tây Nguyên, Dự án hỗ trợ đào tạo thông qua các khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn và dài hạn về chuyên môn và năng lực quản lý cho cả tuyến huyện và tuyến xã. Hoạt động đào tạo của Dự án được chia thành 25 nội dung, với tổng kinh phí khoảng 6,25 triệu USD, chiếm 8,23% tổng vốn Dự án.
Hội nghị đã đánh giá kết luận: Dự án được ADB đánh giá đạt, được thiết kế phù hợp, giải ngân đạt yêu cầu (80%), hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt (21/23 chỉ số), mang lại hiệu quả cao, khả năng duy trì tốt. Một số kiến nghị nhằm duy trì tính bền vững của Dự án: Đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các đơn vị thụ hưởng dự án: Quản lý, sử dụng trang thiết bị và công trình xây dựng cơ bản đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, sử dụng xe ô tô đúng mục đích, có kế hoạch và đảm bảo kinh phí để duy tu bảo dưỡng trang thiết bị, công trình xây dựng đầy đủ. Về đào tạo cán bộ: bố trí, sắp xếp công việc phù hợp để sử dụng tối đa nguồn nhân lực đã được Dự án đào tạo. Tiếp tục thực hiện các hoạt động đào tạo, tập huấn bổ sung để cán bộ nâng cao trình độ, sử dụng hiệu quả trang thiết bị, đặc biệt là trang thiết bị kỹ thuật cao.
AN NHIÊN