Lan tỏa sống xanh ở Litterless

10:06, 27/06/2020

(LĐ online) - Đã xuất hiện có một số cửa hàng refill ở Sài Gòn, Hội An. Nhưng Litterless là cửa hàng đầu tiên phục vụ nhu cầu sống xanh ở Đà Lạt.

(LĐ online) - Đã xuất hiện có một số cửa hàng refill ở Sài Gòn, Hội An. Nhưng Litterless là cửa hàng đầu tiên phục vụ nhu cầu sống xanh ở Đà Lạt.
 
Chinh (bìa trái) chiết các sản phẩm ở cửa hàng ra hũ thủy tinh nhỏ để hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa của khách hàng. Ảnh: H.Thắm
Chinh (bìa trái) chiết các sản phẩm ở cửa hàng ra hũ thủy tinh nhỏ để hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa của khách hàng. Ảnh: H.Thắm
 
Đó là cửa hàng của Uyên và Chinh. Uyên là cô gái Sài Gòn với chuyên ngành về nông nghiệp, còn Chinh sinh ra ở Quảng Nam, làm việc chuyên về ngành du lịch ở Đà Nẵng. Nhưng Đà Lạt là nơi họ chọn để sống, gắn bó và thực hiện lối sống xanh. Cũng bởi sống xanh nên hai cô gái 29 tuổi đời ấy đã không chọn cơ hội ở các công ty của nước ngoài mà chọn làm nông nghiệp, sản xuất nông sản hữu cơ. Giờ đây, họ tiếp tục kinh doanh với mô hình cửa hàng refill - mô hình cửa hàng làm đầy, nơi mà người mua có thể mang hộp, chai, lọ... để nạp thêm sản phẩm từ các bình chiết, thùng chứa lớn.
 
Cửa hàng mang tên Litterless nằm nép mình ở cuối đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đúng như cái tên Litterless – không xả rác, ở đây đa phần các vật dụng đều được tái sử dụng từ đồ cũ. Cửa hàng bán nhiều loại sản phẩm cá nhân phục vụ nhu cầu sống xanh như: Ống hút tre, bàn chải thân tre, bình đựng nước cá nhân, các loại bình thủy tinh, túi vải, xơ mướp, hộp bã mía, bát gáo dừa, các loại thìa, đũa gỗ… và những nông sản có nguồn gốc được sản xuất hữu cơ. 
 
Các nông sản hữu cơ được đựng trong túi vải ở Litterless. Ảnh: H.Thắm
Các nông sản hữu cơ được đựng trong túi vải ở Litterless. Ảnh: H.Thắm
 
Tại cửa hàng này, các mặt hàng cũng được bày bán khác hẳn những cửa hàng truyền thống. Nếu như các loại gạo, đậu, bột nghệ, tiêu... để trong các túi vải, thùng lớn thì những loại chất lỏng như dầu ô liu, mật ong… được đựng trong bình lớn và chiết ra các chai, lọ mà khách hàng tự mang theo bằng cách vặn vòi. Ở cửa hàng không xả rác này, khách hàng "đi chợ" theo kiểu self - service (tự phục vụ). Nghĩa là khách hàng được khuyến khích mang theo túi, hộp đựng, lọ đựng, tự rót, đong rồi cân bằng một cái cân điện tử, ghi lại khối lượng lên nhãn để nhân viên tính tiền. Khi muốn dùng tiếp, khách sẽ quay lại, mang theo đồ để đựng và “làm đầy” để không sử dụng bao bì ni lông. Nếu ai đến lần đầu sẽ được cửa hàng đựng sản phẩm trong các túi giấy, hũ thủy tinh để giảm dần thói quen sử dụng túi ni lông của khách hàng.
 
Chinh chia sẻ: “Sống xanh, giảm tối đa việc xả rác thải nhựa ra môi trường không phải do sự tác động từ ngoài vào mà xuất phát từ nhu cầu và thói quen vốn có trong cuộc sống. Khi nhận thấy dần có nhiều bạn bè cũng có quan niệm sống như vậy họ giảm rác thải nhựa và sử dụng thực phẩm oganic nên ý tưởng mở cửa hàng ra đời để phục vụ nhu cầu sống xanh của mình và mọi người”.
 
Chị Leoni Hapunkt, một người Đức sống ở Đà Lạt, cho rằng giảm rác thải từ nhựa và ni lông – vấn đề vô cùng nghiêm trọng về môi trường hiện nay. Mô hình cửa hàng như thế này đã xuất hiện nhiều khi cô trải nghiệm mua sắm tại Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, Australia… Ở Việt Nam thì chưa có nhiều, riêng ở Đà Lạt đây hiện là cửa hàng duy nhất. Sẽ rất tuyệt nếu có nhiều cửa hàng đi theo hướng này, như vậy sẽ góp phần giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường rất nhiều.
 
 Kinh doanh đã là thử thách, lại kinh doanh về các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường lại càng nhiều chông gai hơn. Bởi hiện nay thói quen của người tiêu dùng vẫn là các sản phẩm nhựa vì sự tiện dụng và giá thành rẻ. Lối tiêu dùng xanh hiện nay chưa thể dành cho số đông mà dành cho những người sẵn sàng chịu một mức chi phí lớn hơn mức thông thường để có thể đem lại điều tốt hơn cho sức khỏe, môi trường sống. 
 
Litterless khuyến khích khách hàng đựng sản phẩm trong hũ thủy tinh và có thể đem đến đổi hũ tại cửa hàng khi không có nhu cầu sử dụng.  Ảnh: H.Thắm
Litterless khuyến khích khách hàng đựng sản phẩm trong hũ thủy tinh và có thể đem đến đổi hũ tại cửa hàng khi không có nhu cầu sử dụng. Ảnh: H.Thắm
 
Chinh và Uyên đều xác định rõ việc cửa hàng sẽ bán chậm bởi họ không phát triển sản phẩm để tăng lượng mua mà điều họ cần là khuyến khích các sản phẩm có thể dùng nhiều lần và lối mua sắm một cách bền vững. Tuy nhiên, họ vẫn đang phát triển cửa hàng ngày một tốt hơn thông qua việc bán nhiều mặt hàng thực phẩm sạch, đa dạng các sản phẩm phục vụ sống xanh đẩy mạnh bán hàng trực tiếp và online. 
 
Chị Nguyễn Giang, người dân sống tại Phường 7, Đà Lạt chia sẻ: “Mình quan tâm nhiều tới các sản phẩm tiêu dùng có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, từ khi mang bầu, vấn đề này càng được mình chú trọng hơn. Mọi nhu cầu của mình được giải quyết ở cửa hàng Litterless. Mình chọn các sản phẩm ở cửa hàng này để phục vụ nhu cầu bản thân và dần hình thành thói quen giảm rác thải nhựa, sống xanh bảo vệ môi trường”. 
 
Kinh doanh nhưng lợi nhuận không phải là tất cả ở Litterless, bởi với Uyên và Chinh, trong những mục tiêu họ hướng tới còn là lan tỏa tinh thần sống xanh trong cộng đồng. 
 
HOÀNG MY