Người đi về cõi Mang Lung

05:07, 02/07/2020

Em gái đồng nghiệp nhắn tin: "Anh ơi, tổng già làng Điểu Đoi vừa mất! Em thấy nhiều bài viết của anh nhắc đến tên cụ, nên báo cho anh biết…". Nhận tin nhắn của em, tôi lặng người chốc lát...

Em gái đồng nghiệp nhắn tin: “Anh ơi, tổng già làng Điểu Đoi vừa mất! Em thấy nhiều bài viết của anh nhắc đến tên cụ, nên báo cho anh biết…”. Nhận tin nhắn của em, tôi lặng người chốc lát. Hơn tháng trước, về với Đồng Nai Thượng dịp kỷ niệm ngày nước nhà thống nhất, tôi còn được ngồi hỏi chuyện người chỉ huy du kích năm xưa, cựu chiến binh đi qua hai cuộc chiến, bậc trưởng lão cao niên nhất của tất cả các làng buôn ở xứ thượng nguồn dòng sông lớn Đồng Nai. Vậy mà giờ đây ông đã mãi mãi yên nghỉ giữa núi đồi Bờxa Luxiêng, như cách nói của đồng bào, người già ấy đã đi về với cõi Mang Lung,... 
 
Tổng già làng Điểu Đoi gần 30 năm trước
Tổng già làng Điểu Đoi gần 30 năm trước
 
Gần ba mươi năm trước, lần đầu về Cát Tiên, tôi đã có một cuộc hành trình gian nan để đến với buôn làng ở nơi sâu xa nhất vùng Nam Tây Nguyên và được gặp những cựu chiến binh quả cảm người Mạ, người S’Tiêng, những người con núi rừng từng trải qua hàng ngàn ngày lửa đạn. Tổng già làng Điểu Đoi, cây đại thụ tinh thần của tất cả năm buôn: Bù Gia Rá, Bi Nao, Đạ Cọ, Bù Sa, Bê Đê của xứ Đồng Nai Thượng hồi đó đã bước sang tuổi tám tư mà vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Cụ cùng những đồng đội của mình như Điểu Thị Lôi, Điểu Thị Hơn, Điểu K’Băm, Điểu K’Lộc… đã kể tôi nghe những câu chuyện về một thời hào hùng. Vị tổng già làng cũng đã dắt tay tôi đến thăm những ngôi nhà sàn như những tổ chim treo bên thung lũng và trò chuyện với những người dân xứ thượng chân chất, hiền lành. Ấn tượng của tôi ngày đó là trên vách nứa của nhiều căn nhà nghèo khổ nơi này treo kín huân, huy chương, bằng khen, giấy khen ghi nhận chiến công. Những tấm bằng “Tổ quốc Ghi công” được không ít gia đình đặt ở nơi trang trọng nhất. Từ đó, tôi bắt đầu hình dung dần về vùng đất nhỏ bé lọt thỏm giữa rừng già mà trong kháng chiến chống Pháp đã có một đội du kích hàng chục tay súng do Điểu Đoi chỉ huy và thời chống Mỹ có hơn một trăm chiến binh từng được biên chế trong các đơn vị bộ đội. Lịch sử đã lựa chọn những buôn làng bên dòng Đồng Nai để trao những trách nhiệm nặng nề. Chiến tranh đã biến những con người đôn hậu chỉ quen với công việc gieo hạt trên rẫy, săn thú ngoài rừng như Điểu Đoi trở thành chiến binh dạn dày qua hai cuộc chiến... 
 
Tháng tư vừa rồi về lại Đồng Nai Thượng, tôi lại được cùng tổng già làng Điểu Đoi ngồi giữa vườn cây xanh mát mà đếm bước đi chậm chạp của thời gian. Bao mùa chinh chiến, bao năm tháng cuộc đời đã qua, tóc bạc, da mồi, hơi thở khó nhọc nhưng ánh mắt lão ông vẫn sáng lên khi nhắc lại một thời đã qua. Từ ánh mắt ấy, tôi cảm nhận được dòng ký ức đang hiện hữu trong trái tim ông, những ngày nếm mật nằm gai, đói cơm lạt muối, không tiếc máu xương cho hòa bình về trên quê hương. Tôi cùng ông ngắm làng buôn bình yên mà nhớ nơi này từng là vùng đứng chân của Khu ủy Khu 6 trong kháng chiến nên địch luôn càn quét, hòng tiêu diệt. Chúng lập sân bay dã chiến, dùng trực thăng vận mang khí tài, chiến xa lên đánh phá căn cứ, lùng bắt cán bộ. Trong thời kỳ triển khai Chiến lược chiến tranh cục bộ, địch điều lên đây hơn 40 tên lính Mỹ và lính đánh thuê đặt chốt án ngữ ngay đầu dốc Bờxa Luxiêng. Một đêm, nắm được tin có cán bộ ta vào buôn móc nối với đồng bào, chúng vây ráp với âm mưu thảm sát cả buôn làng. Trước tình hình hiểm nguy, cán bộ kháng chiến và đội du kích đã mai phục đánh chặn hậu cho bà con tản vào rừng lánh nạn. Địch xua quân truy kích nhưng không bắt được người nào, khoảng một giờ sau, chúng quay lại bắn vào đàn gia súc. Tiếc tài sản của dân, chỉ huy du kích Điểu Đoi và Điểu Thị Lôi đã quay lại nã súng vào đội hình địch và xua đàn trâu, bò chạy vào rừng sâu. “Tôi và bác Điểu Đoi chỉ có hai khẩu súng trường nhưng vẫn thay nhau nhả đạn và luồn lắt léo trong rừng để dụ địch sa xuống hầm chông. Trận ấy mười tên đã bị tiêu diệt!”, cựu Dũng sĩ diệt Mỹ Điểu Thị Lôi, nói.
 
Chiến công và những năm tháng cũ thì không thể nào phai, nhưng giờ đây, cây đại thụ ấy đã ra đi và mang về cõi Yàng ký ức của 112 tuổi đời và 57 năm tuổi Đảng của mình. Tập tục S’Tiêng viếng người tạ thế không bằng nhang khói, tôi tưởng niệm người già Điểu Đoi bằng việc mở máy tính ra ngắm lại những bức ảnh mà tôi đã từng chụp cùng vị tổng già làng trong những lần gặp gỡ và viết vài dòng như một cách để tiễn đưa ông…
 
UÔNG THÁI BIỂU