Xác định đến năm 2025 Lâm Đồng trở thành tỉnh khá của cả nước với những chỉ tiêu chủ yếu, xác định khâu đột phá và công trình trọng điểm rất cụ thể...
Xác định đến năm 2025 Lâm Đồng trở thành tỉnh khá của cả nước với những chỉ tiêu chủ yếu, xác định khâu đột phá và công trình trọng điểm rất cụ thể; Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ tỉnh đã phát động, vận động toàn dân tích cực thi đua lao động sản xuất, toàn hệ thống chính trị cùng vào cuộc mạnh mẽ dưới sự điều hành quyết liệt của chính quyền.
Xe tơ. Ảnh: Tư liệu |
Năm 2021 được mở đầu bằng sự kiện chính trị hết sức quan trọng của Đảng và đất nước, đó là: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; năm đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp (nhiệm kỳ 2020 - 2025); năm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định năm 2021 là “Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI”; trước tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới, đòi hỏi các cấp, các ngành và mỗi chúng ta phải quyết tâm cao hơn nữa, chủ động nắm bắt, tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi, khắc phục hạn chế, khó khăn, để tạo ra một xung lực mới cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Ngay từ những ngày đầu năm 2021, UBND tỉnh đã triển khai chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. UBND tỉnh mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, sự giám sát và ủng hộ của HĐND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh.
Tinh thần khẩn trương, tích cực ấy được Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp báo cáo ngay tại kỳ họp thứ 17 - HĐND tỉnh khóa IX: Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng đô thị, giao thông đối nội, đối ngoại thúc đẩy liên kết vùng, liên kết với các tỉnh Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Nam Trung Bộ. Khẩn trương đầu tư hoàn thành tuyến đường tránh phía Nam thành phố Bảo Lộc của Quốc lộ 20. Tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ban ngành Trung ương và đề xuất huy động nguồn vốn đầu tư để sớm thực hiện các dự án giao thông cấp thiết (như: QL.27, QL.28B, QL.55, đường Mimosa, đường ĐT.722, ĐT.727, ĐT.728, ĐT.729...) trong giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung ưu tiên đầu tư hoàn thành đường vành đai thành phố Đà Lạt để giải quyết một phần tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và đầu tư mới 9 công trình trọng điểm đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI xác định. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, tiếp tục bám sát các cơ quan, bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ khó khăn, kịp thời giải quyết những vướng mắc; bên cạnh đó, tranh thủ nhiều nguồn vốn, đẩy mạnh xã hội hóa.
Có nhiều giải pháp tích cực được UBND tỉnh nêu ra, trong đó một trong những giải pháp đó là thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm phát triển toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực văn hóa, phát huy những giá trị tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tạo mọi điều kiện để nâng cao mức hưởng thụ và tham gia hoạt động, sáng tạo văn hóa của Nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX năm 2021.
Để đạt mục tiêu xây dựng Lâm Đồng đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của cả nước; đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; tự cân đối được ngân sách và có điều tiết nộp ngân sách Trung ương; đến năm 2045 tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI đã đề ra; nhiệm vụ trọng yếu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 được đề ra với các chỉ tiêu chủ yếu. Đó là những nội dung trọng tâm như: về phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân phấn đấu đạt 7,0 - 8,0%. Trong đó, khu vực nông lâm thủy tăng từ 4,5 - 5,0%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,5% - 11%, khu vực dịch vụ tăng 8,0 - 9,0%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025, khu vực nông lâm thủy chiếm tỷ lệ 35,0 - 36,5%. GRDP bình quân đầu người đến 2025 đạt khoảng 120 - 125 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,0 - 1,5% theo chuẩn nghèo mới đa chiều của Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS giảm từ 2 - 3%. Tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 95%. 100% số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Giữ vững và nâng cao kết quả phổ cập xóa mù chữ đến năm 2025. Lâm Đồng đạt tiêu chí nông thôn mới trước 2025; trong đó, 10 - 15% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến 2025, có ít nhất 95% rác thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn. 80% hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch, 95% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
“Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, năng động sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời thường xuyên phát động và duy trì các phong trào thi đua yêu nước; kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở nghị quyết của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh, cần có giải pháp toàn diện, đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt trong điều hành, tổ chức thực thi nhiệm vụ để hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của cả nước”, đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kêu gọi.
NGUYỆT THU