Đam Rông - sắc màu ngày mới

05:04, 08/04/2021

Với những nơi khác, Đam Rông còn ở phía sau. Nhưng Đam Rông hôm nay so với chính mảnh đất này của hơn 15 năm trước có lẽ là bước đầu của giấc mơ đã bắt đầu nên dáng nên hình.

Với những nơi khác, Đam Rông còn ở phía sau. Nhưng Đam Rông hôm nay so với chính mảnh đất này của hơn 15 năm trước có lẽ là bước đầu của giấc mơ đã bắt đầu nên dáng nên hình.
 
Sau 16 năm Đam Rông đã có nhiều đổi thay
Sau 16 năm Đam Rông đã có nhiều đổi thay
 
Đổi thay
 
Trong số những người trẻ vào với Đam Rông từ những ngày đầu thành lập huyện, chúng tôi đã gặp Hồng Thuyên, người nhiều năm làm Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội rồi mới đây đảm nhiệm cương vị mới: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện.
 
Trong ký ức của Hồng Thuyên, Đoàn trí thức trẻ tình nguyện Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ngày ấy vào nhận nhiệm vụ tại các xã vùng sâu ở Bắc Lâm Hà cũ, theo dự án của Tỉnh Đoàn. Vào đến đèo Chuối, Thuyên chẳng thể nào cắn chặt môi để gắng được nữa mà bật khóc thành tiếng bởi bốn bề rừng núi. Nhận nhiệm vụ và nghĩ rằng “2 năm thôi rồi sẽ trở về”. Nhưng khi huyện Đam Rông có quyết định thành lập, đội ngũ trí thức trẻ là lực lượng được đề xuất giữ lại làm cán bộ bước đầu. Cái duyên bền lâu với Đam Rông cũng bắt đầu từ đó.
 
Cô sinh viên sư phạm đưa chân vào vùng rừng thiêng nước độc ngày ấy luồn rừng, lội suối vào tận các buôn làng vận động xóa bỏ hủ tục, sinh đẻ có kế hoạch và phát triển kinh tế hộ gia đình. Chỉ có thực sự nhiệt tâm mới được bà con mở lòng đón nhận và làm tốt công tác tuyên truyền. Từ công tác Đoàn, việc tiếp xúc với dân nhiều là tiền đề để Thuyên chuyển nhiệm vụ qua công tác chính sách và  thực hiện nhiệm vụ trọng tâm: giảm nghèo. 
 
11 năm gắn bó với công tác chính sách, chị Hồng Thuyên bảo rằng trước đây thấy hoàn cảnh bà con nghèo khó, suy nghĩ trước hết là xin hỗ trợ để có lương thực cứu đói, có nhà tình thương để che mưa, che nắng… Nhưng khi nhận ra là sức ỳ, sự ỷ lại trong chính người dân vẫn còn quá lớn, 11 năm cho sự trưởng thành cảm xúc được thấy rõ trong thực hiện công tác chính sách là cho cần câu, không cho con cá, là hỗ trợ có chọn lọc, có điều kiện… Tất cả để người dân tự lực vươn lên. 11 năm đủ dài để người làm công tác chính sách như chị Hồng Thuyên đủ hiểu được đặc tính từng cộng đồng, bức tranh kinh tế - xã hội ở từng địa phương để có chính sách phù hợp. Đó là những giải pháp mà trước nay người dân các buôn làng chưa từng nghĩ  tới. Không gói tầm nhìn sau những cây rừng, không gói ước mơ trong những tập tục, người Đầm Ròn nay đã tham gia xuất khẩu lao động ra thị trường nước ngoài. Mức thu nhập hàng tháng có khi lên đến 20 - 30 triệu đồng, con số mà trước đây với họ chỉ là giấc mơ. Đối với việc thực hiện giảm nghèo, điều kiện để xét hỗ trợ  là chính các đối tượng phải đăng ký giảm nghèo. Việc hỗ trợ đúng nhu cầu cho thấy hiệu quả vượt trội hơn rất nhiều so với hỗ trợ ồ ạt và chia đều như trước. Cô đã đủ hiểu về vùng đất này để tự tin khi vừa mới đây đảm nhận nhiệm vụ mới - Chủ tịch Hội LHPN trên mảnh đất mà phần đông là bà con DTTS gốc Tây Nguyên với truyền thống mẫu hệ. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định trong nhiều vấn đề. Tất cả những kinh nghiệm đã có được trong suốt những năm qua là cơ sở vững chắc để nữ cán bộ thực hiện nhiệm vụ trên cương vị mới.
 
Đam Rông tất nhiên vẫn là huyện nghèo của tỉnh, của cả nước nhưng nơi này thực sự đã có những đổi thay. Sự thay đổi ấy được chính những người con sinh ra trên mảnh đất này  công nhận. Với chị Đa Cát Ka Hương - Phó Bí thư Huyện ủy Đam Rông, một người con gái đầy thành công và uy tín của mảnh đất Đầm Ròn, cuộc sống hôm nay chính là giấc mơ của người dân nơi này hơn 16 năm về trước. Bởi trước đó, Đầm Ròn luôn chìm trong ảm đạm của những tháng ngày quẩn quanh với ruộng, rẫy và cái đói giáp hạt đầy ám ảnh. Tất cả đều trông cậy vào rừng. Rừng cho thức ăn, nước uống, củi đốt, gỗ làm nhà và cả thuốc chữa bệnh... Ngày ấy điện, đường, trường, trạm đều thiếu thốn, cuộc sống chỉ tự cung, tự cấp nên ước mơ của mỗi người vẫn chỉ là ăn đủ no, mặc đủ ấm. Cũng bởi thế mà chuyện cho con cái học hành đối với nhiều gia đình là quá xa xỉ. Cứ bố mẹ sinh con, đứa lớn trông đứa nhỏ, lớn thêm tí thì đi bắt chồng, lấy vợ, tục lấy người họ hàng, thách cưới… còn rất nặng nề. 
 
Ka Hương may mắn hơn những người khác khi có mẹ làm cách mạng. Chị được học hành, rồi làm cán bộ xã, lãnh đạo xã Đạ M’Rông và nay là Phó Bí thư Huyện ủy Đam Rông - niềm tự hào của cả Đầm Ròn. Cứ cuối tuần chị lại từ huyện về nhà, chạy xe trên con đường băng băng mà chị nhớ cảnh lội suối, băng rừng đi bộ từ huyện vào Đầm Ròn ngày trước, để rồi chị khẳng định trong hạnh phúc rằng: quê hương nay thực sự đã đổi thay quá nhiều.
 
Lớp sau tiếp lớp trước
 
Còn nhớ, chúng tôi có mặt tại phòng làm việc của ông Bùi Văn Hởi, nguyên Chủ tịch UBND huyện vào những ngày gần cuối năm 2020 khi đang hoàn thành những ngày làm việc cuối cùng trước lúc nhận quyết định nghỉ hưu. Cuộc gặp gỡ ấy làm vị nguyên Chủ tịch UBND huyện có phần bất ngờ bởi sực nhớ ra mình là người cuối cùng nằm trong Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông khóa đầu tiên về hưu.
 
Chuyện - như thước phim quay chậm đưa vị lãnh đạo huyện quay về hơn 16 năm trước. Những kỷ niệm về một thời gian khó từ nhiệm vụ chuyên môn cho tới chuyện sinh hoạt, ăn ở của cán bộ ngày ấy ùa về rõ mồn một. “Những ngày đầu cán bộ vào thành lập huyện có khi ở nhờ nhà dân, có khi anh em cán bộ dựng lều, cả chục người nằm trên tấm ván. Căn lều ngăn vách bằng tre nứa để chia ra nam một bên, nữ một bên. Xuất thân là cán bộ lâm nghiệp nên việc luồn rừng cũng không còn xa lạ, nhờ vậy mà có chút kinh nghiệm để đặt chân vào Đam Rông. Còn lớp trẻ lần đầu vào nhìn thấy mọi thứ đàn ông cũng khóc. Ngày ấy vợ vào thăm chồng, cũng không chịu nổi, cũng khóc lóc mà đi về. Những cán bộ đi cùng thời ngày ấy đều đinh ninh rằng chỉ đi 3 năm rồi sẽ trở về công tác ở huyện Lạc Dương. Nhưng cơ duyên ấy đã kéo dài đến tận hôm nay. 
 
Mấy chục năm mà ngỡ như hôm qua. Ngày vào tóc còn xanh mà nay tóc đã bạc đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, ông Hởi không giấu nổi tự hào mà đảm bảo rằng bà con Đam Rông không còn đói giáp hạt, điện, đường, trường, trạm được trang bị đầy đủ ở các xã, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm và đời sống bà con được nâng lên. Ông minh chứng cho điều này bằng việc phấn khởi chia sẻ rằng Đam Rông kinh tế đã dần phát triển. Toàn huyện nay được chia làm 3 tiểu khu, khu vực Phi Liêng, Đạ K’Nàng chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; khu vực Rô Men, Liêng Sronh và Đạ Rsal chú trọng phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái và khu vực ba xã Đầm Ròn chuyển đổi từ trồng lúa nương sang lúa nước và trồng dâu nuôi tằm. Đội ngũ cán bộ thời điểm bắt đầu thiếu và yếu, nhưng hiện nay, bộ máy từ xã đến huyện đã cơ bản đạt chuẩn. Cơ sở hạ tầng của địa phương dần được đầu tư đồng bộ. Địa phương phấn đấu  từ nay đến năm 2023 có thể về đích nông thôn mới (NTM). Nghĩ đến đó thấy thực sự quá mừng. Bởi ai chứng kiến vùng đất khô cằn bốn bề rừng núi thâm u ngày ấy sẽ chẳng dám mơ đến ngày hôm nay. Vậy mà giờ đây, Đam Rông sắp thoát khỏi huyện nghèo và gần chạm tới đích NTM. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt, song ông vẫn trăn trở bởi tư tưởng ỉ lại vẫn còn nặng nề trong người dân. Đó chính là mấu chốt khiến nơi đây vẫn còn nghèo. Thế hệ cán bộ thứ nhất của Đam Rông đã rất cố gắng. Nhưng nhiệm vụ nặng nề đang đặt trên vai thế hệ thứ hai, những người được chính địa phương tạo điều kiện để được học hành đầy đủ và trở về tiếp tục nhiệm vụ xây dựng Đam Rông. Dẫu còn điều buồn điều vui, có tiếng chê, lời khen, nhưng người cuối cùng trong Ban Thường vụ Huyện ủy trước lúc trở về khi hoàn thành nhiệm vụ đã chia sẻ với chúng tôi, rằng “Nhìn lại Đam Rông hôm nay, những người làm cán bộ như chúng tôi thực sự tự hào rằng nơi này chưa thể so sánh với những địa phương  khác trong tỉnh, nhưng so với chính Đam Rông của ngày xưa đã thay đổi quá nhiều. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ ở nơi này và thế hệ tiếp nối sẽ tiếp nối  bức tranh đổi thay của Đam Rông trong ngày mới”.
 
Những kế hoạch với tầm nhìn dài hạn đã được vạch ra. Đam Rông đã xác định cho mình con đường đi cụ thể. Những người trẻ đã không còn coi Đam Rông như một bến dừng chân. Họ đã chọn nơi này để gắn bó, để dựng xây cho một Đam Rông đẹp tươi trong ngày mới.
 
NGỌC NGÀ