Đừng sợ… nếu phải cách ly (bài 2)

05:06, 16/06/2021

Sau khi hoàn thành cách ly 21 ngày và có kết quả 3 lần âm tính, những người cách ly sẽ được trở về đoàn tụ với gia đình và cuộc sống thường nhật…

[links()]
 
Bài 2: Tận tâm và trách nhiệm
 
Sau khi hoàn thành cách ly 21 ngày và có kết quả 3 lần âm tính, những người cách ly sẽ được trở về đoàn tụ với gia đình và cuộc sống thường nhật… Nhưng đối với những cán bộ, chiến sĩ chốt trực tại khu cách ly, họ vẫn còn đó một “cuộc chiến” dài phía trước với COVID-19. Họ không thể về nhà trong suốt nhiều tháng nếu như dịch bệnh chưa dứt hẳn bởi họ là những cán bộ, y bác sỹ Bệnh xá H32 - vẫn luôn bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch. 
 
Từ sáng sớm, các chiến sĩ ở đây đã đi chợ, nấu ăn để chuẩn bị các bữa ăn cho những người cách ly
Từ sáng sớm, các chiến sĩ ở đây đã đi chợ, nấu ăn để chuẩn bị các bữa ăn cho những người cách ly
 
“Trực chiến” giữa thời bình 
 
Luôn đồng hành cùng với những trường hợp cách ly tại Bệnh xá H32 là 14 chiến sĩ, cán bộ ngày đêm túc trực chăm sóc, phục vụ tận tình. Tuy không “kín cổng cao tường” nhưng khu cách ly lại là nơi rất đặc biệt với nguyên tắc vàng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trừ khi là người đang thực hiện nhiệm vụ mới được ra vào, nhằm phòng, chống lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. 
 
Để quản lý, chăm sóc, phục vụ ăn uống và theo dõi y tế cho những người cách ly trong suốt một thời gian dài, nhất là trong môi trường làm việc có thể bị lây nhiễm bệnh, những cán bộ, chiến sĩ ở đây không chỉ cần có sự rắn rỏi, ý chí mạnh mẽ, sức khỏe bền bỉ của người lính mà còn có sự tận tâm và lòng yêu thương đồng bào. 
 
Trung tá, bác sĩ Trần Văn Lao - Bệnh xá trưởng Bệnh xá H32, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Từ ngày 27/2/2020 đến 30/4/2021, Bệnh xá tiếp nhận 255 trường hợp cách ly. Trong đợt dịch lần thứ 4 này, Bệnh xá H32 có 47 trường hợp là F1 và đến ngày 13/6, 27 trường hợp đã hoàn thành cách ly. Khu cách ly Bệnh xá H32, với lợi thế được trưng dụng từ Nhà khách nghỉ dưỡng của bệnh xá với 17 phòng, 34 giường, điều kiện cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ. Mỗi trường hợp cách ly ở đây được ở một phòng riêng biệt, điều này giúp tránh được tình trạng lây nhiễm chéo. 
 
Chia sẻ về những trường hợp cách ly ở đây, Trung tá Trần Văn Lao nói: Những đợt đầu, hai từ “cách ly” phần nào vẫn còn lạ lẫm và đáng sợ đối với nhiều người. Thời gian ấy, phần lớn họ đều thấy bí bách, lo sợ, thế nên có nhiều câu chuyện oái ăm khiến chúng tôi khó mà quên được. 
 
Như câu chuyện của người cha mang theo đứa con nhỏ nhất quyết chỉ ngồi bên ngoài không chịu vào phòng cách ly, mọi người phải nhờ đến công an phường vào động viên, phải mất một thời gian khuyên nhủ, đến khuya anh mới chịu vào phòng ăn cơm và cách ly. Thấy đứa nhỏ chỉ có hai bộ quần áo, hai cha con cũng không có điều kiện, các cán bộ ở đây vội ra ngoài mua cho cháu nhỏ thêm vài bộ quần áo và ít vật dụng cá nhân. Sau đó, người cha cũng dần hiểu ra trách nhiệm của mình mà nghiêm túc thực hiện cách ly.
 
Còn có câu chuyện về người phụ nữ đòi tuyệt thực vì muốn được ra ngoài sớm hơn thời hạn hay những hành động chống đối cách ly của một số người khiến cán bộ trực phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả. Tuy vậy, mọi thứ không thể làm chùn bước những “chiến binh” nơi tuyến đầu chống dịch. Với tất cả trách nhiệm, sự kiên nhẫn và những lời động viên chân thành, các cán bộ ở đây đã giúp mọi người bình tâm trở lại và cố gắng vượt qua vì sự an toàn của cộng đồng trước cơn đại dịch. 
 
Từ sáng sớm, các chiến sĩ ở đây đã đi chợ, nấu ăn để chuẩn bị các bữa ăn cho những người cách ly
Từ sáng sớm, các chiến sĩ ở đây đã đi chợ, nấu ăn để chuẩn bị các bữa ăn cho những người cách ly
 
“Nếu như những đợt cách ly trước có một số trường hợp không hợp tác thì trong đợt này các trường hợp F1 đều chủ động khai báo, cung cấp thông tin những người liên quan và nghiêm túc thực hiện cách ly. Mọi người đều chỉ sinh hoạt trong phòng, hạn chế ra ngoài. Lần này, họ đều nhận thức rất rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh”, Trung tá Trần Văn Lao nói. 
 
Điều lo lắng nhất của mỗi cán bộ, chiến sĩ Bệnh xá H32 trực khu cách ly là khi có trường hợp ho, sốt, có biểu hiện giống với những triệu chứng của COVID-19. Khi đó, Bệnh xá trưởng sẽ liên hệ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để lấy mẫu xét nghiệm. Khi có kết quả âm tính, sẽ phát thuốc, chăm lo cho người cách ly đến lúc ổn thỏa, mọi người mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
 
Bốn đợt nhận các trường hợp cách ly, cũng đồng nghĩa với nhiều tháng các chiến sĩ ở đây không về nhà, kể cả dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Trung tá Lao chia sẻ: “Trừ khi có việc khẩn cấp, anh chị em mới xin nghỉ phép ra ngoài. Trước khi về phép tất cả phải xét nghiệm âm tính. Nhưng hầu như không ai về nhà trong thời điểm này”. Tôi hỏi, công việc áp lực quá, nhiều tháng không về nhà, anh có lúc nào mệt mỏi, nhớ nhà lắm không? Với khí chất của một quân nhân, anh khẳng khái đáp: “Quân đội sẵn sàng đi đầu chống dịch! Tôi thấy đó là trách nhiệm, chúng tôi ngại khó, ngại khổ thì ai làm những việc này. Chúng tôi cũng nhớ nhà, nhớ con lắm chứ, nhưng chúng tôi chọn không về để bảo vệ gia đình và cộng đồng”. 
 
Còn với Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đào Duy Bình, gắn bó với khu bếp cách ly ngay từ những ngày đầu tiên thành lập khi dịch COVID-19 bùng phát, anh được giao nhiệm vụ chế biến, bảo đảm các bữa ăn trong ngày cho công dân thực hiện cách ly. Mỗi ngày, anh cố gắng nấu các món ăn đa dạng để mọi người có những bữa ăn ngon miệng.
 
Nhìn động tác chế biến món ăn nhịp nhàng, thoăn thoắt và sự tận tâm, chu đáo của anh mới cảm nhận được hết những tình cảm, trách nhiệm của những đầu bếp ở đây. Trung úy Bình chia sẻ: “Dù rất nhớ gia đình, nhất là 2 con còn nhỏ, tôi vẫn luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao bởi gia đình luôn là “hậu phương vững chắc”. Chỉ mong vợ và các con ở nhà giữ gìn sức khỏe để mình có thể yên tâm công tác”.
 
Một ngày với 3 lần giao cơm và 2 lần đo thân nhiệt cho những người cách ly
Một ngày với 3 lần giao cơm và 2 lần đo thân nhiệt cho những người cách ly
 
Tình cảm còn ở lại 
 
Mỗi người một nhiệm vụ, nhưng là công việc nào đi chăng nữa, 14 cán bộ, chiến sĩ ở Bệnh xá H32 luôn trong tư thế sẵn sàng, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà chỉ huy giao, nhất là trong thời điểm hiện tại, việc chăm sóc tốt và đảm bảo sức khỏe, an toàn cho những người cách ly được đặt lên hàng đầu. 
 
Bám trụ lại khu cách ly, nam quân nhân khó năm thì nữ quân nhân lại khó mười. Và đấy chính là Thiếu tá Đỗ Thị Bích Thủy - Y sĩ hành chính Bệnh xá H32 - bóng hồng duy nhất của khu quân đội “trực chiến” tại Bệnh xá H32. Từ chị toát ra sự rắn rỏi được rèn luyện trong quân đội, nhưng đâu đó, trong lời tâm sự và cả trong ánh mắt vẫn có những phút nghẹn ngào. “Chồng mình cũng làm ngành y, nên việc chăm sóc con cái trong thời điểm dịch bệnh bùng phát là rất khó khăn. Để bám trụ lại trực lo cho mọi người ở khu cách ly, hơn 1 tháng nay mình không về nhà, chồng cũng bận rộn vì công việc, nên có nhiều hôm phải gửi con cho người cô ruột chăm sóc giúp”, chị Thủy tâm sự. 
 
Đã lâu con gái chưa được gặp mẹ, vì quá nhớ mẹ, em gọi điện thoại vừa nói vừa khóc: “Con nhớ mẹ, mẹ về với con!”. Nhìn con khóc qua điện thoại, chị Thủy cũng xúc động khóc theo, chị đành dỗ con “Mẹ còn công việc, con phải chăm ngoan, xong việc rồi mẹ sẽ về”. Không thể cận kề bên cạnh con, mẹ con chị chỉ ngậm ngùi nhìn nhau qua điện thoại. “Nhớ con lắm em ạ!”, chị nói mà đôi mắt đỏ hoe. 
 
Là phụ nữ nhưng cũng không kém cạnh đàn ông. Với bộ bảo hộ kín mít, cơ thể như xông hơi, nhiều ngày chị lên xuống chăm lo cơm nước, đo thân nhiệt, không kể nặng nhọc, có việc cần giúp là chị Thủy có mặt ngay lập tức. “Không chỉ riêng gì chị, các cán bộ ở đây đều tận tình chăm sóc mọi người như thế em ạ! Những người cách ly đều chỉ ở, sinh hoạt trong phòng nên cũng có những bất tiện, vì vậy mà mọi người đều cố gắng chăm sóc nhau hết mức có thể”, Y sĩ Thủy bộc bạch. 
 
Một ngày với 3 lần giao cơm và 2 lần đo thân nhiệt cho những người cách ly
Một ngày với 3 lần giao cơm và 2 lần đo thân nhiệt cho những người cách ly
 
Nói vừa dứt câu, cũng là lúc đến giờ cơm trưa, chị Thủy xuống nhận cơm ở khu bếp. Xách hai làn cơm nặng trĩu đủ phần ăn cho mười mấy con người, bước lên nhiều bậc thang, chị đến từng phòng để giao cơm trưa và không quên lời chúc mọi người ăn ngon miệng.
 
Nhờ sự chăm lo tận tình, chu đáo của những cán bộ, chiến sĩ ở đây đã giúp những ngày cách ly của những công dân trở nên an tâm và ấm áp tình quân - dân hơn bao giờ hết. Để rồi khi rời khu cách ly Bệnh xá H32, được trở về với gia đình, qua cuốn sổ góp ý là những dòng lưu bút chân thành gửi gắm với tất cả lòng tri ân sâu sắc đến những cán bộ, chiến sĩ ở nơi đây.
 
Xin trích một vài dòng nhắn gửi của những công dân đã hoàn thành cách ly chứa chan tình cảm ấy: “Nhà nghỉ H.32, ngày 12/8/2020… Đáng trân trọng lắm trước hình ảnh của những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, họ luôn thức dậy từ 5 giờ sáng mỗi ngày để lo từng bữa ăn, chăm sóc sức khỏe cho chúng tôi. Họ canh gác thâu đêm cho chúng tôi giấc ngủ bình an, để xua đi những áp lực do dịch bệnh gây ra. Họ xem chúng tôi như thành viên của đại gia đình”; hay “Chúng tôi trở về với những công việc thường ngày, với bộn bề lo toan. Thế nhưng, mãi lưu lại trong chúng tôi là sự trân quý và nể phục các chiến sĩ luôn bên cạnh người dân khi hoạn nạn”. Và nữa “Lời cảm ơn... Ngày đầu vào đây chúng con cảm thấy lo lắng và sợ hãi, nhưng không, nói cách ly thế thôi nhưng thực ra rất vui. Từ anh bộ đội “béo béo” đo thân nhiệt, lo những bữa cơm hằng ngày và không quên công sức của hai anh bộ đội “shipper” đã lấy giúp đồ dùng mà người nhà gửi vào cho chúng con”… 
 
Đó là vài cảm tưởng trong số rất nhiều những lời cảm ơn, lời tri ân chân thành của những người hoàn thành cách ly trong suốt các đợt dịch COVID-19 tới nay ở H.32 trước khi về đoàn tụ gia đình. Có lẽ, trong suốt thời gian gắn bó ở khu cách ly, với sự đồng hành của những cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã tiếp thêm ý chí và sức mạnh để mọi người mạnh mẽ hoàn thành trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống dịch. 
 
Đẹp và thiêng liêng hơn cả, đó là tình quân - dân, tình đồng bào thấm đẫm trong lúc gian nan. Đừng sợ cách ly, bởi đấy cũng là một phần quan trọng trong cuộc chiến đẩy lùi COVID-19. 
 
N.QUỲNH - T.T.HIỀN