(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Công thương tỉnh có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng là người lao động tại các cơ sở thuộc chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế và bảo vệ an sinh xã hội như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dược phẩm, hàng hóa chống dịch.
(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Công thương tỉnh có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng là người lao động tại các cơ sở thuộc chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế và bảo vệ an sinh xã hội như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dược phẩm, hàng hóa chống dịch.
Trước đó, Bộ Công thương đã đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số lao động của các địa phương đề xuất tiêm vắc xin là 154.956 người; trong đó, Lâm Đồng có 782 lao động của 4 doanh nghiệp, gồm: Tập đoàn Massan (bao gồm hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+): 294 người, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam: 270 người, Công ty Dầu Việt Nam - CTCP: 35 người và Tập đoàn Central Retail VN (hệ thống siêu thị Big C, Go! và Top market): 183 người.
Bộ Công thương chỉ đạo, Lâm Đồng tiếp nhận đăng ký tiêm phòng Covid-19 của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã… tham gia cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, trước mắt theo danh sách đề xuất tiêm vắc xin đã gởi Bộ Công thương.
|
Nhân viên Siêu thị Big C Đà Lạt thực hiện phòng chống dịch khi giao dịch với khách hàng |
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và ở địa phương, ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân, đặc biệt trong bối cảnh đáp ứng kịp thời những nhu yếu phẩm thiết yếu, cấp bách phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân trong vùng cách ly, vùng phong tỏa do dịch bệnh Covid-19. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, hợp tác xã... trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chủ động vừa xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa, bảo đảm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu khác phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng của người dân vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 như thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, thực hiện phun khử khuẩn, đeo khẩu trang, đeo mặt nạ, găng tay, màn chắn, đo thân nhiệt, người lao động cài đặt ứng dụng truy vết Bluezone, kiểm soát tất cả nhân viên từ vùng dịch về phải khai báo, tuyên truyền trên loa cho khách hàng thực hiện 5K... nên công tác phòng chống dịch Covid-19 đem lại hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cung ứng hàng hóa như siêu thị, đơn vị sản xuất, phân phối thực phẩm, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, dược phẩm... ở địa phương cho biết, hàng ngày phải tiếp xúc với hàng ngàn khách hàng đến giao dịch, mua bán hàng hóa, nhu yếu phẩm nên việc ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lao động trong chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là rất cần thiết trong việc đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu xã hội và người dân.
TIẾN DÂN