Việc trang bị tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trước khi trẻ đến trường mầm non không những làm tăng độ chuẩn xác trong phát âm, nâng cao vốn từ vựng, còn giúp trẻ mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp và đạt các mục tiêu giáo dục về sau.
Việc trang bị tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) trước khi trẻ đến trường mầm non không những làm tăng độ chuẩn xác trong phát âm, nâng cao vốn từ vựng, còn giúp trẻ mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp và đạt các mục tiêu giáo dục về sau.
|
Nhờ được tăng cường tiếng Việt, trẻ đã tự tin bước vào các cấp học |
Cô giáo Ka Jung Hin, giáo viên Trường Mẫu giáo Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh), chia sẻ: “Có một thực tế là phần đa giáo viên ở các trường mầm non đều sử dụng tiếng phổ thông để dạy trẻ. Trong khi trước đó, các em chỉ sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để giao tiếp với cha mẹ và những người xung quanh. Thành ra trẻ không hiểu giáo viên nói gì”. Một khi không hiểu, các em trở nên thụ động, tự ti, ngại giao tiếp, khiến việc dạy và học gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, một số trẻ còn phản ứng thái quá, la hét hoặc khóc nhè trong lúc giáo viên giảng dạy. “Từ thực tế đó, chúng tôi nhận thấy, cần thiết phải tăng cường nói và dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS, để trẻ có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, giúp giáo viên và học sinh cùng vượt qua rào cản bất đồng ngôn ngữ, bằng mô hình Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Di Linh Hà Thị Thùy Linh cho hay.
Theo bà Linh, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Di Linh đã chọn Thôn 1 (xã Đinh Trang Thượng) để triển khai mô hình điểm. Mới đầu, năm 2014, mô hình này có 30 mẹ tham gia. “Nhận thấy mô hình Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ tại Thôn 1 mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Phụ huynh thì ý thức hơn trong việc tăng cường nói, dạy tiếng Việt cho con. Trẻ cũng từng bước đọc, nói bằng tiếng Việt rõ hơn, tự tin tiếp thu kiến thức trong các hoạt động giáo dục của nhà trường. Từ mô hình điểm ở Thôn 1, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Di Linh đã nhân rộng mô hình Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ tại Thôn 4. Hiện, tổng số mẹ trẻ tham gia mô hình này là 130 người”, bà Linh nói thêm.
Cũng theo bà Linh, toàn huyện Di Linh hiện vẫn duy trì 37 mô hình Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ tại các xã có đông người DTTS sinh sống gồm Tân Nghĩa, Tân Lâm, Tân Thượng, Đinh Trang Thượng, Đinh Trang Hòa, Liên Đầm, Gung Ré, Bảo Thuận, Sơn Điền và thị trấn Di Linh. Bé Liêng Njrang, một học sinh mầm non, nói đại ý rằng, nhờ được thường xuyên sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày với mẹ mà khả năng hiểu và nói tiếng Việt của bé Liêng Njrang ngày càng tăng. Cô giáo Ka Nhụy, giáo viên Trường Mẫu giáo Đinh Trang Thượng, cũng đánh giá rất cao mô hình Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Di Linh, khi bày tỏ: “Trước đây, với một số giáo viên người Kinh, vì gặp trở ngại về ngôn ngữ nên việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non còn nhiều lúng túng. Bây giờ, việc giao tiếp giữa giáo viên và học sinh đã dễ dàng hơn rất nhiều vì khả năng nghe, nói tiếng Việt của trẻ DTTS tăng đáng kể. Nhờ đó, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh trở nên thân thiết hơn, gắn kết hơn”. Theo cô giáo Nhụy, việc cho trẻ DTTS tiếp xúc sớm với tiếng Việt ngay từ giai đoạn tập nói mang lại rất nhiều lợi ích: tăng khả năng nghe, nói, tiếp thu kiến thức từ giáo viên, tự tin tham gia các hoạt động giáo dục tại trường... Ngoài ra, việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS còn tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, nhất là trẻ sẽ tránh được việc phát âm sai, hoặc phát âm thiếu thanh điệu dẫn đến viết sai chính tả tiếng Việt.
Ông Trần Đức Công, Chủ tịch UBND huyện Di Linh, thông tin: “Theo số liệu thống kê năm 2020, dân số của huyện Di Linh hơn 164.900 người. Trong đó, người DTTS chiếm tỷ lệ 41%, phân bố tại 85/183 thôn, tổ dân phố, tạo nên một bản sắc văn hóa đa dạng và phong phú”. Nói về mô hình Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Di Linh, ông Nguyễn Phước Bảo Cường, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Di Linh, ghi nhận tính tích cực của mô hình. Ông Cường cho rằng, mô hình đã cải thiện đáng kể việc dạy và học tiếng Việt ở các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn huyện Di Linh. Qua mô hình, khả năng sử dụng tiếng Việt của trẻ DTTS tốt hơn, tiếp thu kiến thức nhanh hơn, phát âm chuẩn hơn. Do đó, chất lượng giáo dục mầm non cũng tốt hơn.
TRIỀU KA