Lâm Đồng tích cực triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19

02:08, 31/08/2021

(LĐ online) - Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP Ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...

(LĐ online) - Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP Ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thực hiện chỉ đạo này trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4848/KH-UBND ngày 14/7/2021, Quyết định số 1900/QĐ-UBND ngày 20/7/2021.
 
Chi tiền hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo ảnh hưởng Covid-19 tại xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh
Chi tiền hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo ảnh hưởng Covid-19 tại xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh
 
TÍCH CỰC, CHỦ ĐỘNG TRIỂN KHAI KỊP THỜI 
 
Là cơ quan được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp và hướng dẫn thực hiện văn bản chỉ đạo của tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Lâm Đồng vừa báo cáo kết quả triển khai thực hiện đến ngày 30/8/2021. Theo số liệu tổng hợp, trên địa bàn tỉnh có 1.550 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nên phải tạm dừng hoạt động. Theo đó, có 5.056 người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng việc làm, thu nhập. Trong đó, lao động bị giãn việc/nghỉ việc luân phiên là 1.674 người; lao động bị ngừng việc tạm thời/bị giảm thời gian làm việc là 15.126 người; lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động là 738 người. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đã có biện pháp điều chỉnh các giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, động viên người lao động để vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động của đơn vị…
 
Đối với tỉnh, ngành Lao động Thương binh và Xã hội đã chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, địa phương đã chủ động triển khai kịp thời những nội dung cụ thể từng chính sách. Số liệu thống kê từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội Lâm Đồng cho biết, tính đến hết ngày 30/8/2021, đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 2.582 doanh nghiệp với tổng số lao động là 42.367 người, tổng số tiền giảm là trên 1,1 tỷ đồng. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 5 doanh nghiệp, tổng số lao động 284 người, số tiền tạm dừng trên 1,5 tỷ đồng. Vấn đề hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động chưa phát sinh. Nội dung hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 240 người với số tiền trên 991 triệu đồng (trong đó, hỗ trợ thêm cho người lao động đang mang thai 13 người và trẻ em dưới 6 tuổi 88 trẻ). Vấn đề hỗ trợ người lao động ngừng việc chưa phát sinh. Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp 5 lao động, số tiền trên 22 triệu đồng (hỗ trợ thêm cho trẻ em dưới 6 tuổi 4 trẻ).
 
Ở nội dung khác, hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế 556 người, số tiền trên 817 triệu đồng và hỗ trợ thêm cho 36 trẻ em với số tiền 36 triệu đồng. Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch 36 người, số tiền trên 133 triệu đồng. Hỗ trợ hộ kinh doanh ngừng hoạt động 309 hộ, số tiền 927 triệu đồng. Hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) 24.504 người, số tiền 36,756 tỷ đồng. Cùng đó, đối tượng đặc thù của địa phương (người có công gặp khó khăn; hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội) có 48.433 đối tượng, số tiền hỗ trợ trên 72,6 tỷ đồng. Vay vốn trả lương ngừng việc có 3 doanh nghiệp, 253 lao động, số tiền trên 991 triệu đồng. Vay vốn trả lương phục hồi sản xuất cho người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động 1 người sử dụng lao động với 8 người lao động, trên 31 triệu đồng. Vay vốn trả lương phục hồi sản xuất cho người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 1 doanh nghiệp, 407 lao động, số tiền trên 1,523 tỷ đồng. 
 
Ông Vũ Quang Huy - Phó phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Di Linh cho biết: “Huyện Di Linh cũng triển khai thực hiện nghiêm túc như tinh thần chỉ đạo của tỉnh và ngành. Đối tượng thụ hưởng được lên danh sách từ cơ sở bình xét của các hộ dân, tiếp tục xem xét và thống nhất giữa chính quyền địa phương xã, thị trấn, có tổ trưởng dân phố/thôn trưởng tham dự; sau đó danh sách chuyển lên Phòng thẩm định và tham mưu UBND huyện phê duyệt. Khi thực hiện chi trả, Phòng chuyển kinh phí về xã, thị trấn và địa phương tổ chức chi trả trực tiếp từng đối tượng”. 
 
NHỮNG TỒN TẠI, KHÓ KHĂN VƯỚNG MẮC VÀ KIẾN NGHỊ
 
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, tỉnh Lâm Đồng có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, du lịch, dịch vụ taxi… doanh thu chính phụ thuộc vào khách du lịch; một số doanh nghiệp hoạt động thuộc nhóm ngành, nghề khác phụ thuộc chủ yếu vào chuỗi cung ứng vật tư (đầu vào) và sản phẩm tiêu thụ (đầu ra) nhưng do đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nhất là TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ và miền Tây, do đó chuỗi cung ứng bị ngừng trễ, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Để được hỗ trợ cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg phải đáp ứng thêm điều kiện để tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19. Mặt khác, ở địa phương Lâm Đồng, một số nhóm ngành nghề khác như quy định nêu trên không đủ điều kiện để được hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động. Bà Lê Thị Thêu - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Lâm Đồng, cho rằng, cần bỏ quy định “phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19” và thay thế nội dung “phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19”.
 
Sở Lao động Thương binh và Xã hội Lâm Đồng cũng cho rằng có nội dung quy định trong Quyết định 23/2021/QĐ-TTg chưa phù hợp thực tế và đề xuất bổ sung hướng dẫn nội dung như “đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến cận tháng liền kề trước khi người lao động nghỉ việc” theo hướng mở cho các trường hợp không đủ điều kiện tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung thêm đối tượng được áp dụng Quyết định 23/2021/QĐ-TTg là “người lao động làm việc cho các tổ chức, cá nhân khác: Hộ kinh doanh, cá nhân, tổ chức khác sử dụng lao động theo hợp đồng lao động”…
 
Được biết, ngày 26/8/2021, UBND tỉnh có Văn bản số 6137/UBND-NC về việc hỗ trợ người dân Lâm Đồng đang sinh sống, học tập và làm việc tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh. Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Lâm Đồng Lê Thị Thêu cho biết: “Với chức năng được UBND tỉnh giao phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các UBND huyện, thành phố rà soát, tổng hợp danh sách các đối tượng bổ sung, chúng tôi triển khai ngay để có số liệu kịp thời trình UBND tỉnh theo quy định”. 
 
MINH ĐẠO