Những giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính

04:08, 30/08/2021

Nhiều giải pháp đã được UBND tỉnh đưa ra nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính của Lâm Đồng trong những tháng còn lại của năm 2021 và cho những năm đến.

Nhiều giải pháp đã được UBND tỉnh đưa ra nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của Lâm Đồng trong những tháng còn lại của năm 2021 và cho những năm đến.
 
Phấn đấu không để người dân, tổ chức phải đi lại từ 3 lần trở lên trong giải quyết hồ sơ. Trong ảnh: Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại bộ phận một cửa UBND huyện Đức Trọng.
Phấn đấu không để người dân, tổ chức phải đi lại từ 3 lần trở lên trong giải quyết hồ sơ. Trong ảnh: Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại bộ phận một cửa UBND huyện Đức Trọng.
 
Theo kết quả công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2020 của Bộ Nội vụ vừa qua, Lâm Đồng đã tăng 8 bậc trong bảng xếp hạng. Cụ thể, tổng điểm của Lâm Đồng trong năm 2020 đạt 83,93 điểm, tăng 3,27 điểm so với năm 2019, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố trong nước. Trước đó, năm 2019, Lâm Đồng đạt 80,66 điểm, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố.
 
Nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại, UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp với mục tiêu phấn đấu nâng chỉ số CCHC năm 2021 xếp hạng cao hơn năm 2020, từng bước cải thiện vị trí cho những năm đến.
 
Việc nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh cần gắn với việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch CCHC năm 2021 của tỉnh; với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). 
 
Đây cũng là nhiệm vụ chung của tất cả các cấp, các ngành, trong đó, các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì các lĩnh vực liên quan đến CCHC, liên quan đến các tiêu chí đánh giá, xác định chỉ số CCHC hàng năm của tỉnh giữ một vai trò quan trọng. Tỉnh cũng yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) không ngừng nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện công tác CCHC nói chung và nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh nói riêng.
 
NHỮNG GIẢI PHÁP CỤ THỂ
 
Nhiều giải pháp cụ thể đã được UBND tỉnh đưa ra cho từng tiêu chí trong đánh giá chỉ số CCHC. 
 
Như trong công tác chỉ đạo, điều hành, các sở, ban, ngành, địa phương cần hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ theo kế hoạch CCHC năm 2021;  đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường kiểm tra CCHC của tỉnh theo quy định, trong đó chú ý hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các cơ quan nhà nước các cấp; xử lý kịp thời các vấn đề phát hiện qua kiểm tra, giám sát. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến về công tác CCHC trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.
 
Đối với việc xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của tỉnh, phải đảm bảo toàn bộ văn bản được ban hành đúng quy định; đảm bảo mức độ phù hợp, tính khả thi, tính hiệu quả. 
 
Trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cùng với việc kiểm soát chặt chẽ nội dung TTHC, cần công bố trên cơ sở dữ liệu Cổng dịch vụ công Quốc gia, trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị; niêm yết công khai bộ TTHC tại bộ phận một cửa; xây dựng, công bố quy trình nội bộ giải quyết TTHC. Cần chú ý cập nhật mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy trình của TTHC trên hệ thống một cửa điện tử một cách kịp thời, đúng quy định; thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và luân chuyển hồ sơ TTHC trên hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Toàn bộ hồ sơ TTHC giải quyết xong được nhập dữ liệu vào hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (nhất là hồ sơ chứng thực cấp xã); phấn đấu 100% hồ sơ TTHC được giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đúng và trước hạn. 
 
Các đơn vị, địa phương cũng cần chú ý rà soát, đánh giá, xây dựng phương án đơn giản hóa TTHC phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế của địa phương, đảm bảo đúng theo quy định; triển khai các giải pháp hỗ trợ tăng số lượng hồ sơ trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính công ích, nhất là hồ sơ trong lĩnh vực đất đai; phấn đấu không để người dân, tổ chức phải đi lại từ 3 lần trở lên trong giải quyết hồ sơ; 100% hồ sơ TTHC giải quyết trễ hạn phải có văn bản xin lỗi.
 
Trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tỉnh cần thực hiện tốt việc phân cấp quản lý; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
 
Bên cạnh đó, cần hoàn tất các cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ theo kế hoạch trong năm để đánh giá chất lượng CBCCVC trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao theo năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân; tránh tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi; hạn chế vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Cần chú ý thực hiện đúng quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với CCVC theo quy định; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới đáp ứng nhiệm vụ công vụ. 
 
Với việc hiện đại hóa hành chính, các sở, ban, ngành, địa phương cần tăng cường tiếp nhận và giải quyết TTHC mức độ 3 và mức độ 4. Chỉ tiêu đặt ra phải đạt 50% số TTHC mức độ 3 và mức độ 4 có phát sinh hồ sơ; ít nhất 20% hồ sơ được giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ phát sinh của các TTHC mức độ 3 và mức độ 4; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho Bưu điện tỉnh Lâm Đồng thực hiện có hiệu quả, nâng cao số lượng hồ sơ chuyển phát TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. 
 
Các sở, ngành, đơn vị địa phương cũng cần đẩy mạnh việc xử lý hồ sơ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước), trong đó cấp tỉnh phải đạt 70% hồ sơ công việc; cấp huyện đạt 60% hồ sơ công việc và cấp xã đạt 40% hồ sơ công việc.
 
Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trong đó có các trang thành viên cần duy trì tốt hoạt động, đáp ứng yêu cầu theo Nghị định số 43 của Chính phủ và các yêu cầu liên quan đến CCHC, ICT Index, Papi Index nhằm phục vụ tốt nhất việc khai thác thông tin của người dân và doanh nghiệp. 
 
TÍCH CỰC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG 
 
UBND tỉnh cũng nhấn mạnh đến những tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 
 
Theo đó, Lâm Đồng tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh trong tỉnh, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp (DN) mới thành lập; giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho DN và người dân.
 
Các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục góp ý với các cơ quan Trung ương để đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục đăng ký DN; hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong xử lý hồ sơ đăng ký DN để tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng DN hoạt động. 
 
Tỉnh sẽ có giải pháp triển khai hiệu quả và đồng bộ hơn Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng như các chính sách hỗ trợ đã ban hành trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động của Quỹ tài chính, tín dụng hỗ trợ DN nhỏ và vừa; tạo thuận lợi tối đa cho các DN khởi nghiệp sáng tạo, phát triển thị trường; nâng cao vai trò, năng lực của các hiệp hội nhằm hỗ trợ DN, tăng cường chức năng tham vấn và phản biện xã hội; nâng cao mức độ thu hút đầu tư của tỉnh trong năm nay và những năm đến...
 
Tỉnh cũng sẽ có giải pháp thu hút đầu tư, giải ngân 100% vốn đầu tư công, đẩy mạnh xuất khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa để thúc đẩy tăng trưởng; có giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm dân sinh xã hội, ứng phó với đại dịch COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh.
 
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã không ngừng nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhằm góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức. 
 
VIẾT TRỌNG