Để thực hiện được các mục tiêu quốc gia trên địa bàn Lâm Đồng, thời gian qua, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo và quyết liệt trong điều hành...
Để thực hiện được các mục tiêu quốc gia trên địa bàn Lâm Đồng, thời gian qua, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo và quyết liệt trong điều hành. Toàn hệ thống chính trị, các địa phương, ban, ngành đã nỗ lực thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra. Qua đó, tạo nên một diện mạo nông thôn mới hoàn toàn khởi sắc với khí thế thi đua sôi nổi, tinh thần tích cực, sáng tạo lao động, sản xuất, vượt khó vươn lên làm giàu và cùng chung sức xây dựng một Lâm Đồng giàu mạnh hơn.
Bài 1: Dấu ấn trong công tác giảm nghèo
Để tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện, những năm qua, công tác tuyên truyền về các chính sách, định hướng xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững được đổi mới, triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, vai trò chủ lực chính là các ngành, các cấp, cơ quan chủ trì các chương trình mục tiêu quốc gia đã tích cực chủ động thực hiện công tác này. Trong đó, phải kể đến việc tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, đào tạo chuyên đề cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đó, tạo nên nguồn nhân lực có chất lượng khi nhận thức và năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở được nâng lên. Vì thế, việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ngày càng bám sát mục tiêu và nhiệm vụ theo yêu cầu. Một trong số đó phải kể tới vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí đã kịp thời cập nhật, thông tin, phản ánh đa dạng, phong phú về các chính sách giảm nghèo, các mô hình hay, cách làm mới, những gương điển hình tiên tiến, những sáng kiến, kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
|
Sản xuất hiệu quả là cách giúp hộ nghèo giảm nghèo bền vững nhất |
Lâm Đồng đã thực hiện rất nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo phù hợp với thực tế địa phương như: hỗ trợ bảo hiểm y tế, tín dụng, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất, trồng rừng, chăm sóc rừng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, và thực hiện hỗ trợ đưa người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài... Số liệu tính đến đầu năm 2021, toàn tỉnh đã cấp 336.703 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thụ hưởng, doanh số cho các hộ nghèo vay vốn đạt 389.178 triệu đồng.
Về Chương trình 30a, thực hiện tại huyện Đam Rông với tổng nguồn vốn 57.717 triệu đồng. Đã triển khai đầu tư xây dựng được 27 công trình, dự án. Tính đến đầu năm 2021 đã hỗ trợ cây giống, phân bón, vật tư thiết bị với tổng kinh phí được phân bổ là 7.650 triệu đồng. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn hỗ trợ hộ nghèo tại xã Đạ K’Nàng về cây trồng, vật nuôi để thúc đẩy phát triển sản xuất có trị giá 363 triệu đồng. Ngoài ra, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam hỗ trợ 3.000 triệu đồng để xây dựng 3 công trình trường học trên địa bàn tỉnh và đã giải ngân đạt 100%.
Về Chương trình 135 đã thực hiện với tổng kinh phí 41.260 triệu đồng. Đầu tư cơ sở hạ tầng theo kế hoạch là 14.368 triệu đồng cho 6 xã, 51 thôn đặc biệt khó khăn. Đã thực hiện xây dựng 62 công trình đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, công trình nước sinh hoạt, thủy lợi, điện... Qua đó, góp phần tạo nên diện mạo nông thôn thực sự khang trang cho khu vực nông thôn được thụ hưởng. Đến nay, đã có 5 xã, 59 thôn được công nhận hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 1747 năm 2019 của Chính phủ.
Với nguồn kinh phí phân bổ hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, ngoài Chương trình 30a và 135 thì thực hiện giải ngân được 4.015 triệu đồng, đạt 100% so với kế hoạch.
Những quyết tâm, đổi mới trong chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tại Lâm Đồng đã góp phần thiết thực tạo chuyển biến rõ nét về giảm nghèo. Đến đầu năm 2021, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 4.488 hộ, chiếm 1,32% số hộ toàn tỉnh, trong đó: riêng hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 2.793 hộ, chiếm 3,58% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tuyên truyền, vận động, lồng ghép các chương trình, dự án, xây dựng các mô hình giảm nghèo; triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho biết: Để tiếp tục thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo. Khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo. Tôn vinh doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực và cách làm hiệu quả trong giảm nghèo bền vững. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Bên cạnh việc tăng định mức, mở rộng đối tượng thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản thì giải pháp căn cơ bền vững nhất của Lâm Đồng đã và đang quyết tâm thực hiện, đó vẫn là chuyển đổi hình thức hỗ trợ phát triển sản xuất mang tính dàn trải sang tập trung hỗ trợ cho các mô hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh có hiệu quả để nhân rộng. Từng bước chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp cho hộ nghèo thông qua đào tạo nghề, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã để nâng cao năng lực và tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Mặt khác, tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Tiếp tục tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và nguồn huy động đóng góp từ doanh nghiệp, vốn đối ứng, sự tham gia đóng góp của người dân và chính đối tượng thụ hưởng để tạo nên diện mạo mới, dấu ấn mới trong giảm nghèo một cách thực sự bền vững.
(CÒN NỮA)
NGUYỆT THU