Dành yêu thương cho trẻ vùng khó khăn

05:11, 22/11/2021

"Vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi" là một đề án thực hiện trong giai đoạn 2019-2025...

“Vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi” là một đề án thực hiện trong giai đoạn 2019-2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17/5/2019, tại Quyết định số 588/QĐ-TTg. Lâm Đồng là tỉnh miền núi và không chỉ có một huyện nghèo mà còn hàng chục xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, do vậy, nhiều năm nay, tỉnh đã nỗ lực mạnh sự hỗ trợ, dành yêu thương cho trẻ những vùng này.
 
Lớp học của học sinh dân tộc Mạ và cô giáo Ka Rêu tại Phân hiệu Trường Tiểu học Quốc Oai (Đạ Tẻh)
Lớp học của học sinh dân tộc Mạ và cô giáo Ka Rêu tại Phân hiệu Trường Tiểu học Quốc Oai (Đạ Tẻh)
 
•  TUYÊN TRUYỀN SÂU RỘNG 
 
Để triển khai quyết định của Thủ tướng, ngay cuối tháng 7/2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 4711, qua đó 100% các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai trên địa bàn, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo đến các xã, phường, thị trấn để triển khai kế hoạch của tỉnh. 
 
Để vận động nguồn lực, các ngành, địa phương đã tích cực công tác truyền thông nhân Tháng hành động vì trẻ em, các lớp tập huấn nâng cao năng lực về Quyền trẻ em bằng nhiều hình thức và đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với tổng tổng kinh phí 150 triệu đồng. Đối với ngành Giáo dục, công tác này lan tỏa toàn hệ thống trường học và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng mọi tầng lớp nhân dân. Đồng hành là các tổ chức đoàn thể bằng những hoạt động lồng ghép trong kế hoạch, chương trình; các huyện, thành phố, thường xuyên tổ chức truyền thông vận động nhằm kịp thời hỗ trợ trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi có nhu cầu hỗ trợ khám chữa bệnh và dinh dưỡng; hỗ trợ thiết bị vui chơi giải trí và đồ ấm cho trẻ em... Công tác truyền thông với nội dung phù hợp với đặc điểm từng huyện, thành phố, x ã, phường và từng nhóm đối tượng. Cùng đó là giáo dục, truyền thông, tư vấn thay đổi hành vi cho học sinh và cha mẹ học sinh về nhu cầu dinh dưỡng, dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động thể lực. Tổ chức các buổi thảo luận nhóm, thực hành dinh dưỡng tại xã/phường, thôn/bản cho bà mẹ đang mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ, thăm hộ gia đình tư vấn về dinh dưỡng. Thời gian qua, Lâm Đồng đã tổ chức được 791 buổi tọa đàm, tư vấn trực tiếp về dinh dưỡng chăm sóc trong và sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung hợp lý; phát thông điệp về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày trên loa truyền thanh cấp xã với 186 lần; treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về dinh dưỡng 454 cái. 
 
•  CÁC NGÀNH CÙNG ĐẾN VỚI TRẺ 
 
Thông tin từ ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2019-2021, ngành đã cấp học bổng cho 1.641 trẻ em với tổng kinh phí 1.957 triệu đồng; tặng quà, hỗ trợ khẩu phần ăn cho 4.496 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân Tháng hành động vì trẻ em, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán với tổng kinh phí 834 triệu đồng. Ngành còn triển khai hỗ trợ dinh dưỡng, cấp phát sữa Vinamilk cho 2.673 trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội, lớp học chuyên biệt với tổng kinh phí 1.743 triệu đồng. 
 
Đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đó là việc đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, giữ gìn văn hóa, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân nói chung và trẻ em nói riêng; nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở; chỉ đạo các địa phương dành quỹ đất để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, điểm vui giải trí chơi cho trẻ em; đồng thời tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ văn hoá cấp xã, ban chủ nhiệm nhà văn hóa... Toàn tỉnh có 139/142 thiết chế văn hóa xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 97,88%; tổng quỹ đất xây dựng trên 53.000 m2. Hiện, 1.321/1.376 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng, đạt tỷ lệ 96%; trên 1.143 sân tập thể thao, 12 thư viện huyện, 28 thư viện xã và trên 500 tủ sách nông thôn với gần 500 nghìn đầu sách; 788 đội văn nghệ quần chúng, trong đó có 239 đội cồng chiêng. Tỷ lệ các xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi dành cho trẻ em do cấp xã, phường, thị trấn quản lý là 41/142, chiếm tỉ lệ 28,8%....
 
Với ngành Giáo dục, hiện thực hóa công tác hỗ trợ trẻ em là thực hiện tốt nuôi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tế. Theo đó, quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn tại trường/lớp đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo đảm cân đối, hợp lý về dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và phù hợp với trẻ. Theo bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, công tác chăm sóc sức khỏe, triển khai khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sức khỏe trẻ về chỉ số cân nặng và chiều cao, đồng thời kiểm soát tốt tỷ lệ suy dinh dưỡng đạt 100% trẻ đến trường. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi đều giảm so với đầu mỗi năm học, và giảm còn ở mức dưới 5% đối với năm học 2019-2020. 
 
Đồng hành với các ngành, ngành Y tế thực hiện mỗi năm 2 đợt cấp Vitamin A thông qua hoạt động dinh dưỡng. Riêng huyện Đam Rông, các trẻ được bổ sung đa vi chất. Mặt khác, ngành Y tế tập trung triển khai toàn diện các can thiệp về dinh dưỡng như chăm sóc 1.000 ngày đầu đời, bao gồm chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi; thực hiện theo dõi tăng trưởng và phát triển cho trẻ; đảm bảo nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Đến nay, Lâm Đồng đã có 112.947 trẻ dưới 5 tuổi được cân, đo (đạt tỷ lệ 98,48%); tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi đạt tỷ lệ 10,83%; tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi đạt 15,95%; trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là 2.926 trẻ, tỷ lệ 28,56%; có 62.468 trẻ từ 6-36 tháng được uống Vitamin A, đạt 98,2% (vượt kế hoạch 3%); có 8.863 bà mẹ sau sinh được uống Vitamin A, đạt 98,9% (kế hoạch trên 96%)...
 
•  CÁC TỔ CHỨC ĐOÀN THỂ VÀ ĐỊA PHƯƠNG ĐẾN VỚI TRẺ
 
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã vận động, trao học bổng cho 1.557 trẻ em (trong đó có 627 học sinh DTTS), trị giá trên 188 triệu đồng; tặng 248 áo ấm cho học sinh là con em của hội viên phụ nữ DTTS có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo huyện Đơn Dương và Lạc Dương; vận động hỗ trợ xây dựng 21 Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ và trẻ em DTTS có hoàn cảnh khó khăn. Hội Phụ nữ cơ sở đã tặng 671 phần quà với 1.342 hộp sữa, 84 suất quà sữa dinh dưỡng cho trẻ em vùng đồng bào DTTS, trị giá trên 427 triệu đồng...
 
Đối với các tổ chức hội, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã vận động cấp học bổng, hỗ trợ dụng cụ học tập cho trên 10.000 học sinh, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập, tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Cùng đó, tổ chức khám sàng lọc một số bệnh và tư vấn sức khỏe dinh dưỡng cho trên 5.500 trẻ em ở các xã vùng sâu, vùng xa, các địa bàn có đông đồng bào DTTS.
 
Để tiếp tục thực hiện Đề án đến năm 2025 hiệu quả hơn, dĩ nhiên còn khắc phục những tồn tại, khó khăn. Đó là nhận thức, sự quan tâm của một số gia đình và người lớn đối với trẻ; cơ sở vật chất và hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu của trẻ... Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang tác động toàn xã hội, công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động dành cho trẻ em gặp nhiều khó khăn; thực hiện đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ luôn cần lời giải tối ưu. Mặt khác, đời sống một bộ phận gia đình trong đó có trẻ em vùng DTTS có nơi còn nhiều khó khăn, nguồn lực vận động hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu để triển khai, thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án...
 
ĐẠO PHAN