Xây dựng xã hội học tập ở Đam Rông

05:11, 23/11/2021

Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, Liêng Hót Ha Hai cho chúng tôi biết, huyện đã định ra các mục tiêu, nhiệm vụ "xã hội học tập"...

Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, Liêng Hót Ha Hai cho chúng tôi biết, huyện đã định ra các mục tiêu, nhiệm vụ “xã hội học tập” cụ thể từ nay đến năm 2030. Đây là cơ sở vừa để huyện thực hiện nghị quyết, vừa triển khai thí điểm bộ tiêu chí học tập.
 
Xây dựng một xã hội học tập mới bằng áp dụng công nghệ số
Xây dựng một xã hội học tập mới bằng áp dụng công nghệ số
 
•  BÌNH ĐẲNG VÀ GIÁO DỤC MỞ
 
Tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập (XHHT) bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ 4.0 và hội nhập quốc tế là mục tiêu chung. 
 
Để lượng hóa, đến năm 2025, Đam Rông có tỷ lệ 100% các xã đạt chuẩn xóa mù chữ (XMC) mức độ 2; hoàn thành phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ mẫu giáo; đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn PCGDTHCS mức độ 2, ít nhất 25% xã đạt chuẩn PCGDTHCS mức độ 3. Về mặt bằng dân trí, Đam Rông có 50% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin và trang bị kỹ năng sống. 40% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật; trong đó, 10% trình độ đại học trở lên. Toàn huyện có 50% cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm GDNN-GDTX triển khai quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 60% các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục. Xây dựng các mô hình học tập, có 30% công dân đạt danh hiệu công dân học tập và 20% xã được công nhận danh hiệu xã học tập.
 
Trên nền tảng đạt được, đến năm 2030, huyện Đam Rông XMC mức độ 2, hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ mẫu giáo và đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3 đối với 100% xã. Riêng phổ cập THCS mức độ 3 có 40% xã đạt chuẩn. Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân, có 60% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin và kỹ năng sống. 50% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật; trong đó, 12% trình độ đại học trở lên. Huyện Đam Rông sẽ có 70% các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm GDNN-GDTX triển khai quản lý, giảng dạy, học tập trên môi trường số. Trong đó, 80% các TTHTCĐ ứng dụng CNTT. Toàn huyện sẽ có 50% công dân đạt danh hiệu công dân học tập và 40% xã được công nhận danh hiệu xã học tập. 
 
•  CẢ HỆ THỐNG TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP 
 
Cuối tháng 10, chúng tôi tham dự buổi làm việc bàn về ký kết hợp tác đào tạo, bồi dưỡng giữa Trường Đại học Đà Lạt và Huyện ủy Đam Rông. Sự quyết tâm từ hai phía, bằng hành động cụ thể, đo đếm được, từ Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Lộc đến Hiệu trưởng Lê Minh Chiến. Vỡ vạc nhiều thông tin về nhu cầu, định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và người dân của huyện Đam Rông được đặt kế hoạch sắp tới. Những con số về nhu cầu, những khái quát về tiềm năng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội là cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp của lộ trình xây dựng XHHT. 
 
Dĩ nhiên Đam Rông cần thực hiện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Đó là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng XHHT trong điều kiện phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong phong trào khuyến học, khuyến tài... Thực hiện cơ chế, chính sách bằng triển khai tiêu chí đánh giá, quy chế kiểm tra, công nhận; cơ chế, chính sách hỗ trợ... Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong tổ chức các hoạt động là tất yếu. Cùng đó là những nhiệm vụ, giải pháp như: Đẩy mạnh hoạt động của TTHTCĐ; Tổ chức các phong trào, cuộc vận động thúc đẩy học tập suốt đời; Tăng cường hợp tác quốc tế. 
 
Quá trình tổ chức thực hiện XHHT, cơ quan chủ trì, điều phối đương nhiên là Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Đồng hành phối hợp là các phòng, ban, đoàn thể liên quan, UBND các xã. Ví dụ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai các chương trình đào tạo bổ sung, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp mới cho người lao động; hỗ trợ học tập cho người bị thiệt thòi, yếu thế trong xã hội...; Phòng Văn hóa - Thông tin có nhiệm vụ truyền thông; Trung tâm Văn hóa -Thể dục thể thao nhân rộng các mô hình; Phòng Tài chính - Kế hoạch bố trí kinh phí; Ban Chỉ huy Quân sự tham gia tuyên truyền, vận động học sinh bỏ học trở lại trường, tổ chức các lớp phổ cập cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), vận động người chưa biết chữ tham gia các lớp XMC và tham gia dạy XMC, trau dồi ngoại ngữ và tiếng DTTS cho cán bộ, sĩ quan, quân nhân; Công an huyện tổ chức các lớp XMC, PCGD, đào tạo nghề cho học viên trong các trại tạm giam; Liên đoàn Lao động đẩy mạnh các hoạt động phát triển nghề nghiệp cho người lao động,...; Phòng Dân tộc tham mưu, đề xuất thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ giáo dục, đào tạo cho người DTTS, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho trẻ em, người học vùng DTTS được tham gia học tập... Bên cạnh đó là sự phối hợp của Ban Tuyên giáo Huyện ủy; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp; UBND các xã...
 
Theo Trưởng phòng GDĐT Âu Văn Nghị, hiện Đam Rông có 23/32 trường được công nhận đạt chuẩn, tỷ lệ 71,8%. Tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cấp THCS chậm so với mặt bằng chung của tỉnh. Năm học 2020-2021, huyện có 10% học sinh lớp 9 được phân luồng học nghề. Các TTHTCĐ tại xã đã hoạt động nề nếp hơn; huyện đã xây dựng các mô hình học tập và tổ chức bình quân mỗi tháng 1 lớp học. Năm 2020, 8/8 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học đạt mức độ 3, phổ cập THCS đạt mức độ 1 và XMC đạt mức độ 2.
 
MINH ĐẠO