(LĐ online) - Ngày 30/12, UBND huyện Đức Trọng tổ chức hội nghị đánh giá việc triển khai thí điểm thực hiện điều trị F0 tại nhà trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Văn Cường – Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, chủ trì hội nghị.
(LĐ online) - Ngày 30/12, UBND huyện Đức Trọng tổ chức hội nghị đánh giá việc triển khai thí điểm thực hiện điều trị F0 tại nhà trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Văn Cường – Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, chủ trì hội nghị.
|
Đồng chí Nguyễn Văn Cường – Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Theo báo cáo của UBND huyện Đức Trọng, đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 2.200 ca nhiễm Covid-19; trong đó, có 8 ca tử vong.
Từ ngày 10 - 28/12, huyện Đức Trọng thực hiện thí điểm quản lý, chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà trên địa bàn các xã: Ninh Gia, Hiệp Thạnh, Phú Hội và thị trấn Liên Nghĩa, với 323 trường hợp. Trong đó, có 114 trường hợp điều trị tại nhà khỏi bệnh và đã được cấp giấy xác nhận hoàn thành điều trị; 2 trường hợp chuyển biến nặng đưa đi điều trị tại Bệnh viện Nhi Lâm Đồng; hiện đang điều trị tại nhà là 209 trường hợp.
Người được quản lý, chăm sóc tại nhà là các trường hợp nhiễm Covid-19, không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ. Trong đó, ưu tiên áp dụng cho các trường hợp có hoàn cảnh phù hợp: F0 có nhu cầu, điều kiện để quản lý, chăm sóc tại nhà hoặc cả gia đình đều là F0...
Việc triển khai điều trị F0 tại nhà thời gian qua đã góp phần giảm tải áp lực cho các cơ sở điều trị Covid-19 cho tuyến trên. Những bệnh nhân không có triệu chứng và mức độ nhẹ khi chăm sóc và điều trị tại nhà có điều kiện sinh hoạt thuận lợi, tâm lý thoải mái, ít áp lực hơn so với điều trị tập trung.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn gặp một số khó khăn như: Lực lượng y tế mỏng và quá tải trên các mặt trận truy vết, khảo sát điều kiện điều trị F0 tại nhà và điều trị người nhiễm Covid-19... Lực lượng của trạm y tế lưu động cũng là nhân viên trạm y tế các xã, thị trấn kiêm nhiệm kết hợp với nhân lực của các đoàn thể trên địa bàn. Do đó, nhân viên trạm y tế không đảm bảo để thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn trong công tác chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Nhiều trường hợp F0 không đảm bảo cơ sở vật chất. Chưa tổ chức thu gom, xử lý chất thải lây nhiễm từ các gia đình có người nhiễm Covid-19 và các trường hợp F1 cách ly tại nhà. Các thành viên tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19, tổ Covid cộng đồng, thành viên khác của trạm y tế lưu động hoạt động không thường xuyên do không hưởng lương từ ngân sách, không được hỗ trợ kinh phí như xăng xe, tiền điện thoại...
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Cường cho rằng trong thời gian tới, cần tận dụng các nguồn lực để điều trị F0 tại nhà, tiếp tục nhân rộng mô hình điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà trên địa bàn toàn huyện. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền phương pháp, cách thức điều trị tại nhà cho người dân; các xã, thị trấn cần thành lập 1 cơ sở thu dung để điều trị F0. Mặt khác, yêu cầu nhân viên y tế học đường, vận động nhân viên y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng chống dịch nói chung và công tác tiêm chủng nói riêng nhằm giảm tải áp lực cho đội ngũ y tế. Sau khi thành lập các trạm y tế lưu động, phải có cơ số thuốc điều trị F0 tại nhà; người dân khi test nhanh phát hiện nhiễm Covid-19 phải phát thuốc điều trị ngay; Trung tâm Y tế huyện cần thành lập đường dây nóng để phản ánh công tác điều trị F0 tại nhà...
N.MINH