Hội thảo tham vấn thành lập nhóm cộng đồng bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Cát Tiên

08:12, 21/12/2021

(LĐ online) - Ngày 21/12, tại Vườn Quốc gia  Cát Tiên, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã tổ chức hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm chia sẻ kết quả đánh giá mô hình bảo tồn dựa vào cộng đồng và thành lập nhóm bảo tồn cộng đồng. 

(LĐ online) - Ngày 21/12, tại Vườn Quốc gia  Cát Tiên, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã tổ chức hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm chia sẻ kết quả đánh giá mô hình bảo tồn dựa vào cộng đồng và thành lập nhóm bảo tồn cộng đồng. 
 
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo
 
Tham dự hội thảo có các đại biểu đại diện Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Cát Tiên, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, đại diện Hạt Kiểm lâm, Công an 2 huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), Tân Phú (Đồng Nai), đại diện chính quyền các xã Đắc Lua, Tà Lài (Tân Phú, Đồng Nai), Phước Cát II, Tiên Hoàng, Gia Viễn, Đồng Nai Thượng (Cát Tiên, Lâm Đồng), các trạm kiểm lâm, tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, tổ chức phát triển Hà Lan SNV. 
 
Dự án VFBC do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai trong thời gian từ 2021 – 2025; trong đó, Lâm Đồng tham gia thực hiện hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học với mục tiêu tăng cường chất lượng rừng, bảo vệ và giữ ổn định số lượng quần thể các loài hoang dã ở các Vườn Quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam.
 
Nhằm bảo tồn các loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng và bảo tồn sinh cảnh một hiệu quả, dự án hướng đến các mô hình quản lý rừng và bảo vệ động vật hoang dã có sự tham gia của người dân, sự chung tay của cộng đồng, tăng cường tuyên truyền thay đổi hành vi, tuần tra tố giác hành động vi phạm, thực thi pháp luật để ngăn chặn săn, bắt, bẫy, bắn thú rừng, tiêu thụ động vật hoang dã. 
 
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tham vấn tích cực của các đại biểu
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tham vấn tích cực của các đại biểu
 
Bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã không chỉ là trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội. Tại hội thảo, sau khi nghe điều phối viên của Dự án Trường Sơn Xanh (cũng do USAID tài trợ) chia sẻ kinh nghiệm và kết quả đạt được của mô hình bảo tồn dựa vào cộng đồng tại các tỉnh thành Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề về cơ cấu tổ chức, thành phần tham gia nhóm, cơ chế hoạt động nhóm, vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong nhóm, kế hoạch thành lập, ra mắt nhóm, phương thức duy trì hoạt động nhóm bảo tồn cộng đồng hiệu quả, bền vững sau khi dự án kết thúc. 
 
Theo đó, tùy thuộc vào điều kiện từng địa phương, nhóm cộng đồng bảo tồn có các thành phần tham gia phù hợp, nhưng lực lượng nòng cốt vẫn là chủ rừng, các trạm kiểm lâm, tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, các đoàn thể chính trị xã hội, những người có uy tín, có tâm huyết nhiệt tình, các nhóm bạn trẻ tích cực hành động bảo vệ thiên nhiên, ứng dụng mạng xã hội lan truyền hành động đẹp. 
 
Kết luận hội thảo, ông Phạm Hữu Khánh – đại diện Vườn Quốc gia Cát Tiên nhấn mạnh: Từ những bài học kinh nghiệm từ mô hình bảo tồn dựa vào cộng đồng của các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Vườn Quốc gia Cát Tiên sẽ triển khai mô hình mới là nhóm bảo tồn cộng đồng có sự tham gia của người dân địa phương. Mong rằng UBND các xã giữ vai trò chủ động tích cực hơn trong việc thành lập các nhóm bảo tồn cộng đồng. Bởi dự án có hạn chỉ 5 năm, nên ngay từ bây giờ cần có kế hoạch dài hơi, kế hoạch ngắn hạn thực hiện những việc làm cụ thể, để chậm nhất là đến tháng 5/2022 các nhóm bảo tồn cộng đồng được thành lập, ra mắt, đi vào hoạt động có chiều sâu, gắn với thực tiễn mang lại hiệu quả lâu dài. 
 
QUỲNH UYỂN