Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong đại dịch COVID-19

07:03, 08/03/2022
Trên khắp thế giới, phụ nữ đang phải đối mặt với nhiều rủi ro do đại dịch COVID-19, nhất là những phụ nữ đang ở tuyến đầu chống dịch và phụ nữ làm việc trong các ngành nghề ít được quan tâm, hỗ trợ, những công việc lương thấp và trong lĩnh vực phi kinh tế. Những hệ lụy do dịch bệnh gây ra đã tác động không nhỏ đến việc bảo vệ sức khỏe và quyền của phụ nữ, gây thách thức cho việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.
 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
 
•  ĐẠI DỊCH COVID-19 CÀNG TĂNG THÊM ÁP LỰC LÊN PHỤ NỮ
 
Đại dịch COVID-19 khiến phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ phải đối mặt với nhiều rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe. Trước đại dịch, phụ nữ và trẻ em gái dễ dàng thực hiện các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe nhất là sức khỏe sinh sản. Khi đại dịch xảy ra, việc chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nhiều phụ nữ đã phải từ bỏ hoàn toàn nhu cầu được chăm sóc, hoặc mất quyền tiếp cận tất cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nguyên nhân chủ yếu là sợ bị lây nhiễm, hoặc bị hạn chế di chuyển do giãn cách xã hội và do hệ thống y tế đang phải gồng mình để chống chọi với đại dịch, nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản không thể tiếp tục đầy đủ cho người dân. Nhiều bệnh viện và trung tâm y tế báo cáo về sự sụt giảm số lượng phụ nữ và trẻ em gái được chăm sóc sức khỏe sinh sản. Việc thiếu hụt dịch vụ chăm sóc y tế cũng như dinh dưỡng dễ dẫn đến nguy cơ về sức khỏe đối với phụ nữ và trẻ sơ sinh đặc biệt là nhóm phụ nữ nghèo, phụ nữ lao động di cư. 
 
Đại dịch COVID-19 cũng tăng thêm gánh nặng về kinh tế khi phải nghỉ việc không lương hoặc giảm mức thu nhập hàng tháng đã gây áp lực lên mỗi gia đình, nhất là đối với người phụ nữ. Đặc biệt, lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 phụ nữ chiếm 70% số nhân viên y tế, ngoài nguy cơ cao lây nhiễm, họ còn không có thời gian để chăm lo công việc gia đình, chăm sóc con cái. Việc đóng cửa trường học do dịch cũng tác động trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các giáo viên hợp đồng tại các trường học, đặc biệt là giáo viên mầm non với phần lớn là phụ nữ, buộc họ phải tìm các công việc khác nhau để mưu sinh trong mùa dịch. Rõ ràng, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng khối lượng công việc vốn đã rất bận rộn đối với người phụ nữ. 
 
NỖ LỰC GIẢM ÁP LỰC, THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH
 
Nhằm san sẻ gánh nặng với phái yếu trong bối cảnh dịch bệnh, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã gửi thư thăm hỏi, động viên chị em phụ nữ và cán bộ Hội ở các tỉnh, thành bị dịch bùng phát mạnh; kịp thời nắm bắt tình hình phòng, chống dịch tại các địa phương, những vấn đề khó khăn, bất cập trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, việc giám sát, triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu bình đẳng giới,... Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp Hội phối hợp triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch. Nhiều hoạt động phụ nữ chung tay phòng, chống dịch COVID-19 đã được triển khai, đem lại kết quả thiết thực. 
 
Bên cạnh đó, Trung ương Hội cũng có nhiều đề xuất với Chính phủ, các cơ quan chức năng để bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em gái. Đề xuất Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 quan tâm tạo điều kiện đưa phụ nữ có thai đang ở vùng tâm dịch về địa phương, tiêm chủng và cung cấp các gói sinh đẻ an toàn. Đề xuất với Chính phủ một số giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp nữ, gia đình hội viên khó khăn vượt qua dịch bệnh; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, đồng hành cùng cán bộ Hội trong tuyên truyền, hỗ trợ hội viên phụ nữ phòng, chống dịch bệnh; quan tâm hơn nữa tới thực hiện các chính sách mang tính đặc thù về giới tại các khu cách ly, phong tỏa, các cơ sở y tế tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội; tiếp nhận, chăm sóc phụ nữ đi sinh đẻ an toàn,...
 
Những biện pháp tích cực, chủ động của Hội LHPN Việt Nam đã mang lại kết quả cụ thể, góp phần hỗ trợ và bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh dịch bệnh. Nhiều sáng kiến, cách làm hay, hiệu quả trong tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ phòng, chống dịch, thể hiện vị thế, vai trò của phụ nữ tiên phong, sáng tạo, kết nối, phát huy ảnh hưởng của Hội, thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh dịch bệnh. 
 
Vai trò của phụ nữ ngày càng được coi trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những đóng góp của phụ nữ không chỉ giúp “giữ lửa” cho mỗi gia đình, mà còn góp phần tạo dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế và sự tiến bộ, văn minh xã hội. Trong thời gian xảy ra đại dịch, vai trò của phụ nữ càng được tô đậm và lan tỏa mạnh mẽ. Điều này đặt ra nhu cầu thúc đẩy bình đẳng giới, khắc phục sự gia tăng bạo lực giới và hướng đến đảm bảo quyền lợi của phụ nữ trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, góp phần làm giảm những tác động xấu do đại dịch gây ra đối với phụ nữ. 
 
LINH NHÂN