•
Phóng viên: Năm 2022 vẫn là năm chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. TP Bảo Lộc đã, đang và sẽ triển khai những biện pháp như thế nào trong năm 2022 nhằm đảm bảo thích ứng an toàn với dịch bệnh thưa ông?
•
Ông Phan Văn Cương: Bảo Lộc xác định là trung tâm kinh tế - xã hội phía Nam của tỉnh Lâm Đồng. Vì thế, nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 luôn được địa phương quan tâm thực hiện để đảm bảo mục tiêu “kép” vừa phát triển kinh tế và phòng chống dịch hiệu quả. Năm 2022, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và gây nhiều ảnh hưởng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khiến cuộc sống người dân tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Để duy trì phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng chống dịch hiệu quả, Bảo Lộc luôn chuẩn bị sẵn sàng cho năng lực ứng phó với đại dịch, như xây dựng kịch bản đảm bảo công tác y tế theo từng cấp độ dịch để tránh lúng túng, bị động khi triển khai; tăng cường thành lập các cơ sở thu dung điều trị F0 có triệu chứng. Hiện tại, TP Bảo Lộc đang có 3 cơ sở thu dung điều trị F0 có triệu chứng, với quy mô hơn 450 giường bệnh.
Thời gian qua, công tác xét nghiệm cũng được Bảo Lộc chú trọng tặng cường và thường xuyên xét nghiệm tầm soát tại các vùng nguy cơ cao; đồng thời, xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên để kịp thời phát hiện xử lý khi phát hiện các trường hợp F0. Ngoài ra, Bảo Lộc còn tặng cường tuyên truyền, vận động để người dân tự xét nghiệm tiến tới xét nghiệm toàn dân. Khi phát hiện các trường hợp F0 sẽ căn cứ các quy đinh của Bộ Y tế để điều trị, chăm sóc phù hợp.
Bảo Lộc luôn xem tiêm vắc xin là biện pháp tối ưu nhất trong thời điểm hiện nay để phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả nhất và đây là nhiệm vụ then chốt được địa phương thực hiện theo tinh thần chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương và tỉnh Lâm Đồng.
|
Bảo Lộc phấn đấu trở thành đô thị loại II trước năm 2025 |
•
Phóng viên:
Dịch bệnh đã và đang gây ra nhiều thách thức đối với sự phát triển của địa phương, đặc biệt là gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống Nhân dân. Vậy Bảo Lộc đang làm những gì để biến những thách thức thành cơ hội nhằm tận dụng tối đã những lợi thế sẵn xây dựng địa phương phát triển nhanh và bền vững trở thành đô thị loại 2 trước năm 2025 thưa ông.
•
Ông Phan Văn Cương: Bảo Lộc quyết tâm xây dựng thành phố đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2025, có hạ tầng đồng bộ; là đô thị hạt nhân phía Nam tỉnh Lâm Đồng, trung tâm tiểu vùng III, đáp ứng các yêu cầu theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến 2035, tầm nhìn đến 2050.
Tuy nhiên, khi thành phố đang triển khai thực hiện các tiêu chí thì đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến tình hình chung của toàn cầu; trong đó, có chúng ta. Trước những ảnh hưởng đó, Bảo Lộc phải có những thay đổi, thích ứng linh hoạt trong sản xuất, phát triển kinh tế gắn với công tác phòng chống dịch.
Với quyết tâm xây dựng Bảo Lộc đạt đô thị loại 2 trước năm 2025, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch, điều chỉnh các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế bền vững; xác định những khó khăn từ bên ngoài để tạo động lực phát triển bên trong, tuyên truyền vận động Nhân dân, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội nghề nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch phát triển cho từng lĩnh vực góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Lấy lợi thế về ưu đãi thiên nhiên, khí hậu để tăng gia sản xuất nông nghiệp các sản phẩm có lợi thế, tạo nguyên liệu cho sản xuất chế biến, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị để tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng bền vững, chú trọng duy trì sản xuất nông nghiệp cung cấp nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến; khuyến khích đầu tư các loại cây trồng có giá trị cao như cây dược liệu, nấm, hoa… phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại với các loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với địa phương như bò sữa, bò thịt, gia cầm… Nâng cao hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cao phục vụ sản xuất và đời sống; phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao, quy hoạch và xây dựng các khu du lịch tổng hợp, sinh thái.
|
Bảo Lộc chú trọng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 |
Xây dựng và thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng chọn lọc, bền vững; khuyến khích phát triển các dự án công nghiệp có công nghệ sản xuất tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm có lợi thế như trà, cà phê, tơ lụa, may mặc, khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản phẩm cơ khí kỹ thuật cao. Sản xuất hàng hóa gắn với công tác phòng chống dịch Covid-19 để ổn định sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu, tăng giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương.
Từ những nội dung nêu trên là động lực để Bảo Lộc biến thách thức thành cơ hội để phát triển bền vững đạt được các tiêu chí đô thị loại 2 trước năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
•
Phóng viên:
Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hiện nay để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vậy, TP Bảo Lộc đã và đang có những giải pháp gì để thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số thưa ông?
•
Ông Phan Văn Cương: Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, tạo sự thay đổi và phát triển mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạng mẽ và sâu rộng. Việc chuyển đổi số tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân...
Chuyển đổi số cần thực hiện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, Bảo Lộc đang tập trung thúc đẩy thực hiện xây dựng chính quyền số để tạo đà và định hướng, dẫn dắt, quản lý, hỗ trợ kinh tế số và xã hội số phát triển. Chuyển đổi số để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố Bảo Lộc lần thứ VI.
|
Bảo Lộc chú trọng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 |
Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước của Bảo Lộc đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Qua đó, tạo dựng được một nền tảng cơ bản để xây dựng chính quyền điện tử TP Bảo Lộc, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đặc biệt là trong xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, đô thị thông minh và đây cũng là bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số tại địa phương.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của thành phố còn bộc lộ một số hạn chế như: Việc xây dựng nền tảng chính quyền điện tử chậm hoàn thiện; việc kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan còn hạn chế, số lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp; quản lý thông tin trên không gian mạng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Tài nguyên dữ liệu số chưa được khai thác hiệu quả, đặc biệt trong công tác phục vụ chỉ đạo, điều hành…. Bảo Lộc đang tập trung tìm ra những nguyên nhân để có giải pháp khác phục khó khăn trong thời gian tới.
Trong đó, tập trung chuyển đổi số gắn với phát triển đô thị thông minh và cải cách hành chính; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo phục vụ, mang lại tiện ích, hiệu quả cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp và chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh và công bằng xã hội.
Căn cứ vào tình hình thực tế, Bảo Lộc xác định lộ trình rõ ràng, hợp lý để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương. Hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án Xây dựng TP Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh thông qua chuyển đổi số; hoàn thiện nền tảng cơ bản xây dựng chính quyền điện tử theo kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Lâm Đồng phiên bản 2.0; hình thành nền tảng dữ liệu phục vụ công dân, doanh nghiệp, nâng cao tương tác giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp; nâng cao bảo đảm an toàn thông tin mạng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Trong đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trong tâm, thể chế và công nghệ số làm động lực; “nền tảng số” là đột phá, “an toàn, an ninh” là then chốt, “chính quyền” là tiên phong để đạt nhiều kết quả nổi bật trong chuyển đổi số.
•
Phóng viên:
Xin trân trọng cảm ơn ông!
KHÁNH PHÚC (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin