Công tác xã hội trường học, tư vấn tâm lý cho học sinh là nội dung quan trọng góp phần vào mục tiêu “xây dựng trường học hạnh phúc” (Happy School) được UNESCO đề xướng.
Tọa đàm đánh giá triển khai hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học tại Lâm Đồng |
•
CHĂM LO HỌC SINH LÀ MỐI QUAN TÂM ĐẶC BIỆT
Trong thực tế, cùng với sự phát triển kinh tế, nhiều vấn đề xã hội nảy sinh, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, cần sự can thiệp hỗ trợ của công tác xã hội (CTXH). Năm 2010, Thủ tướng ký quyết định phê duyệt Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020, mục tiêu phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam và nâng cao nhận thức toàn xã hội về nghề CTXH. Năm 2021, Thủ tướng ký ban hành Chương trình Phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030, cùng với đó, ban hành 2 Quyết định 23 và 1895 liên quan đến công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cũng ban hành nhiều văn bản liên quan. Năm 2011, 2018 có Thông tư 31 và 33 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và hướng dẫn CTXH trong trường học. Ngày 1/6/2022, Bộ có Quyết định 1442 “Ban hành Chương trình Giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022-2025 của ngành Giáo dục”. Hằng năm, Bộ GDĐT phối hợp với Bộ LĐTB-XH, Trung ương Đoàn, các bộ, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam triển khai CTXH trong trường học.
Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ GDĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện CTXH trường học thu hút hơn 10 ngàn người tham gia. Sau 4 năm thực hiện 2 Thông tư trên cho thấy, ngoài mặt tích cực, nhiều yêu cầu chưa đáp ứng được như hoạt động thiếu chiều sâu; trong trường học không có vị trí việc làm dành cho CTXH; kiến thức đội ngũ làm CTXH chưa được trang bị bài bản... Và ngay đầu năm học 2022-2023, Bộ trưởng Bộ GDĐT ký ban hành Văn bản 4252 về tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông gửi đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Văn bản cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện tại nhiều địa phương chưa được quan tâm, chú trọng; hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng, xã hội về sức khỏe tinh thần và tâm lý học đường chưa phong phú, đa dạng và hiệu quả; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường để thực hiện tư vấn còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ; công tác tư vấn tâm lý học đường tại nhiều cơ sở giáo dục thực hiện còn lúng túng, chưa đúng quy trình, chưa bảo đảm đúng yêu cầu… Đặc biệt, sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều học sinh phổ thông đã gặp các vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm, tự tử...
•
NHIỀU Ý KIẾN PHẢN HỒI TỪ LÂM ĐỒNG
Thực hiện 2 Thông tư nêu trên, ông Trần Đức Lợi - Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng cho biết đã đạt khá nhiều kết quả như: phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh (Phụ nữ, Công an, Tư pháp, LĐTB-XH, Đoàn Thanh niên…) tổ chức các đợt tập huấn; thành lập các tổ CTXH trường học, tổ tư vấn tâm lý học đường; tích hợp, lồng ghép các nội dung giáo dục với các hoạt động… Tuy nhiên, Lâm Đồng cũng như các địa phương cần khắc phục hạn chế các mặt: nâng cao nhận thức về CTXH của đội ngũ giáo dục; hiệu quả phối hợp giữa nhà trường và gia đình, giữa tổ Tư vấn tâm lý với giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn; cần có cán bộ chuyên trách về CTXH, công tác tư vấn tâm lý và cơ sở vật chất, kinh phí để hoạt động…
Ngày 26/8, sau khi đoàn của Bộ GDĐT khảo sát 2 ngày tại một số cơ sở giáo dục ở Đức Trọng, Lâm Hà, Đà Lạt, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) và Sở GDĐT Lâm Đồng tổ chức tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo vụ, 3 Sở (GDĐT, Y tế, LĐTB-XH), các phòng GDĐT, trường học của Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng. Rất nhiều ý kiến trao đổi về kinh nghiệm và nêu những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện cụ thể.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đạ Nhim Nguyễn Trọng Bảy, số giáo viên được tập huấn hầu hết đã chuyển công tác, không còn làm nhiệm vụ tư vấn nữa; khó khăn trong thu phí dịch vụ; nhận thức của người dân trong quá trình hợp tác hỗ trợ tâm lý cho học sinh; nghiệp vụ của giáo viên hạn chế nên không kịp thời trong quá trình tìm hiểu tâm lý học sinh. Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú Trương Thị Ánh Hồng chia sẻ: Hàng năm, ban giám hiệu và các tổ chức trong trường cùng ngành Công an trao đổi chuyên đề. Để nâng trình độ, năng lực và kỹ năng tư vấn cho đội ngũ, rất cần Bộ GDĐT biên soạn tài liệu, bồi dưỡng; cùng với đó là phối hợp chặt chẽ giữa ngành GDĐT với các ngành liên quan. Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Đà Lạt) Nguyễn Thị Hoa chia sẻ một số giải pháp của trường như thành lập tổ; mời chuyên gia, nhà khoa học bổ trợ kiến thức. “Giáo viên chủ nhiệm là nhà tư vấn đầu tiên và xuyên suốt đối với học sinh”, cô Hoa nhấn mạnh.
Với Trường Tiểu học Thạnh Mỹ (Đơn Dương), Phó Hiệu trưởng Lê Thị Thanh Đào chia sẻ kinh nghiệm là tập trung giải quyết những khó khăn trong học tập, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số bị bạn xấu rủ rê bỏ học. Quá trình thực hiện là xác minh thông tin, tổ CTXH can thiệp, tư vấn tiếp cận phụ huynh, tổ dân phố, các đoàn thể địa phương cùng giúp học sinh hoàn thành chương trình tiểu học… Còn Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (Đức Trọng) Nguyễn Thị Huệ cho biết, trường gần trục giao thông chính nên phối hợp với Công an và lồng ghép dạy học/hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông cũng như phòng, tránh bạo lực học đường… Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Trưởng Phòng GDĐT Lâm Hà cũng nêu những hạn chế của các trường học là: chưa thực hiện hiệu quả Thông tư 31, 33 của Bộ GDĐT do thiếu đội ngũ chuyên trách; trách nhiệm kiểm tra của hiệu trưởng chưa phát huy…
MINH ĐẠO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin