(LĐ online) - Sáng 14/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 18 - năm 2022.
|
Lễ trao giải diễn ra trang trọng tại Trường Đại học Đà Lạt |
Sau thời gian phát động, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ IX - năm 2022 đã nhận 141 giải pháp của 266 tác giả là học sinh 87 trường học thuộc 12/12 huyện thành toàn tỉnh tham dự cuộc thi. Các giải pháp thuộc 5 lĩnh vực, gồm: Đồ dùng dành cho học tập (13 giải pháp), phần mềm Tin học (18 giải pháp); sản phẩm thân thiện với môi trường (45 giải pháp); các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em (23 giải pháp); các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế (43 giải pháp).
Hội đồng Giám khảo gồm 30 chuyên gia là nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo có uy tín nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao trên các lĩnh vực chuyên ngành đã làm việc độc lập, thận trọng, minh bạch, công tâm. Dựa trên các tiêu chí được định lượng như tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng, hiệu quả ứng dụng trong thực tiễn, Hội đồng Giám khảo cuộc thi đã thẩm định, chấm điểm và quyết định trao giải thưởng cho 57 giải pháp trong đó có 3 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba và 29 giải khuyến khích.
|
Trao giải nhất cho các tác giả có giải pháp đạt giải |
Ban tổ chức cuộc thi đã lựa chọn 21 giải pháp được đánh giá cao gửi dự thi Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18 - năm 2022, tại Hà Nội.
Phát biểu tổng kết, ông Thái Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm Đồng cho biết: Các giải pháp tham dự trong năm 2022 khá đa dạng và phong phú, thể hiện được tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng, giá trị mang lại về hiệu quả, kinh tế, xã hội và nhất là có khả năng giải quyết được các yêu cầu trong thực tiễn.
Một số giải pháp có hàm lượng khoa học cao, một số giải pháp có sự đầu tư thích đáng về kinh phí và công sức. Thể hiện sự vận dụng sáng tạo kiến thức đã học vào thực tiễn, khả năng tư duy tìm tòi sáng tạo, những vấn đề xuất phát từ thực tiễn cuộc sống.
|
Trao giải nhì cho các tác giả có giải pháp đạt giải |
Kết quả cuộc thi lần này đã phản ánh tiềm năng và chất lượng phong trào sáng tạo của học sinh tỉnh nhà. Các em đã dành nhiều thời gian, công sức và sự say mê cho nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, đem lại những ý tưởng, mô hình, giải pháp thiết thực trong học tập, sản xuất và thực tiễn đời sống.
Phát động cuộc thi năm 2023, ông Phan Văn Phấn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm Đồng nhấn mạnh: Để Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 19 - năm 2023 thực sự là sân chơi thiết thực, có hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều các ý tưởng sáng tạo của thanh thiếu nhi, mong rằng các cấp chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học trong tỉnh và Ban tổ chức cuộc thi đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo, tạo điều kiện cho học sinh nghiên cứu và thực hiện các sáng kiến, giải pháp có giá trị cao, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật, giúp các em thực hiện ước mơ trở thành nhà sáng chế tương lai.
Tại lễ tổng kết và trao giải, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 26 tác giả của 13 giải pháp đoạt giải nhất, giải nhì và 11 tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, vận động cuộc thi; Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cũng tặng bằng khen cho 5 tập thể; Sở Giáo dục Đào tạo tặng giấy khen cho 17 tập thể có thành tích trong công tác vận động, tuyên truyền, tổ chức cuộc thi.
|
Trao giải ba cho các tác giả có giải pháp đạt giải |
|
Trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, vận động cuộc thi |
3 giải pháp đạt giải nhất
-
Thiết bị tập phục hồi chức năng cho người bị liệt ngón tay (Hoàng Nam Khánh – Huỳnh Đức Minh, 12 Lý, Trường THPT Chuyên Thăng Long, Đà Lạt)
-
Huyền thoại đường Trường Sơn (Nguyễn Ngọc Đăng – Nguyễn Thiện Toàn, 12 Tin, Trường THPT Chuyên Thăng Long, Đà Lạt)
-
Robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ quản lý nề nếp trong nhà trường và trợ lý ảo tương tác với học sinh (Vũ Bình Duy – Phạm Trần Tiểu Long – Trần Ngô Anh Quân, Trường THCS Lam Sơn, Đà Lạt)
|
10 giải pháp đạt giải nhì
-
Thiết kế hệ thống xử lý bụi trong máy tách vỏ cà phê (Phan Đình Trọng – Trương Thị Ngọc Khánh, Trường THCS Phi Liêng, Đam Rông)
-
Ứng dụng thị giác máy tính hỗ trợ giảng dạy môn thể dục trực tuyến (Đào Anh Việt – Hoàng Thị Quỳnh Anh – Nguyễn Văn Quốc Anh, Trường THCS Nguyễn Du, Đà Lạt)
-
- Hệ thống cảnh báo người dân từ vùng dịch về huyện Cát Tiên qua đường mòn, lối mở (Nguyễn Hoàng Việt – Phạm Thị Hiền Hòa, Trường THCS Đức Phổ, Cát Tiên)
-
Chế tạo giấy quỳ tím từ cây lá cẩm (Nìm Nhật Phượng Quỳnh – Gím Nguyễn Kiều My, Trường THCS Tân Châu, Di Linh)
-
Hệ thống khóa chống trộm ở cửa cuốn (Nguyễn Thanh Hùng – Nguyễn Ngọc Thùy Châu, Trường THCS Quang Trung, Bảo Lâm)
-
Sản xuất nhựa sinh học từ nguồn nguyên liệu địa phương (Phùng Nguyễn Uyên Chi – Nguyễn Thị Minh Nhật, Trường THPT Lê Hồng Phong, Di Linh)
-
Nghiên cứu sử dụng chất thải (rác thải nhựa, vỏ trấu) để sản xuất gạch lát vỉa hè (Nguyễn Tân Thịnh, Trường THPT Nguyễn Tri Phương, Bảo Lộc)
-
Smart arm – Cánh tay Robot thông minh cho người khuyết tật dựa trên nền tảng AI (Vũ Bình Duy – Phạm Trần Tiểu Long – Nguyễn Đức Quy Long, Trường THCS Lam Sơn, Đà Lạt)
-
Imas – Người bạn của bác sĩ (Nguyễn Thái Thủy Tiên – Thân Thành Lợi, Trường THPT Lộc An, Bảo Lâm)
-
Máy xử lý rác thải hữu cơ gia đình (Đinh Phạm Cao Nguyên – Jơnưng Sang Nai Kim Cúc, Trường THCS Châu Sơn, Đơn Dương)
|
QUỲNH UYỂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin