Với những tín hiệu khả quan thu về từ mô hình trồng các loại bí dưới 3.000 m2 nhà kính, đến nay, mô hình của chàng trai Lò Hồng Phi Toàn là đoàn viên Đoàn xã Phi Tô, huyện Lâm Hà bước đầu trở thành mô hình kinh tế điển hình được nhiều bạn trẻ tại địa phương biết đến và học hỏi.
Bí sợi mì là loại bí thu nhập chính được anh Toàn (bên trái) trồng trên diện tích rộng |
Chúng tôi vào thăm vườn của anh Toàn trong một buổi chiều mưa tháng 10. Mời những vị khách lạ uống nước, anh giới thiệu cho chúng tôi các loại bí với nhiều hình thù khác nhau: “Ở vùng quê này, chắc hẳn mọi người sẽ hiếm khi nhìn thấy vườn bí Halloween. Tiếc quá! Cách đây ít hôm, thương lái đã vào thu mua mất rồi” - anh Toàn mở đầu câu chuyện.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Toàn bảo rằng, trước khi trồng các loại bí, vườn của anh cũng đã trồng rất nhiều loại cây như cà phê và dâu để nuôi tằm. Đến năm 2021, anh được ba mẹ hỗ trợ một phần chi phí để đầu tư hệ thống nhà kính trồng ớt chuông, nhưng đến cuối năm 2022, trong một lần tình cờ, anh vào mạng xã hội youtube và thấy có giống bí kéo ra được những sợi như sợi mì, bí Halloween, bí giọt nước… anh Toàn quyết định mang một số giống bí mua tại Đà Lạt về Phi Tô để trồng thử nghiệm với 3.000 m2 nhà kính vào đầu năm 2023.
So với trước đây khi còn trồng ớt chuông, các loại bí hiện nay trong vườn của anh Toàn ít bị nhiễm bệnh hơn, và nếu có nhiễm cũng chỉ bị nhẹ. Về những rủi ro do dịch bệnh, anh Toàn cho biết, bí thường xuyên xuất hiện bệnh phấn trắng. Tuy nhiên, dịch bệnh này ít ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nên không đáng lo ngại. “Có thể nhìn bằng mắt thường trên bề mặt lá, xuất hiện những bệnh như bệnh phấn trắng. Song, chúng tôi vẫn không phun thuốc, không sử dụng phân bón hóa học để đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường là sạch. Dù chỉ mới bước đầu nhưng mình thấy mô hình này khá ổn định. Việc phát triển mô hình trồng bí trong nhà kính ban đầu tốn kém phần đầu tư hệ thống nhà kính, tưới tự động… nhưng khi đưa vào sử dụng nó giảm thiểu được rất nhiều các tác động, ảnh hưởng bên ngoài như khí hậu hay sâu bệnh” - anh Toàn nói.
Đối với bí sợi mì được ươm giống khoảng 20 ngày đã có thể đưa ra trồng và sau 2,5 tháng sẽ cho thu hoạch. Bí sợi mì cho thu liên tiếp trong 3 tháng nên anh sử dụng 2.000 m2 để trồng. Riêng bí Halloween chỉ trồng 1 vụ bắt đầu từ tháng 6 và thu vào tháng 10 dịp Halloween.
Mỗi loại bí sẽ có tên gọi khác nhau dựa trên hình thù của nó. Ví dụ như bí mì sợi có lớp vỏ thô cứng, màu xanh nhạt. Thoạt nhìn, loại quả này không có gì đặc biệt, với vẻ ngoài gần giống với các loại dưa quen thuộc. Tuy nhiên, bất ngờ lại nằm bên trong, khi được nấu chín, chúng có phần ruột đặc biệt, cấu tạo bởi rất nhiều sợi dài, mỏng giống như những sợi mì. Sợi bí có thể dùng để chế biến rất nhiều món ăn khác nhau. Hay bí giọt nước được nông dân gọi với cái tên như vậy do hình thù trái bí giống như một giọt nước khổng lồ. Khi trái còn non có màu vàng nhạt, càng phát triển trái chuyển màu đến khi chín có màu đỏ cam rực rỡ. Còn bí Thiên Nga là một loại bí ngô truyền thống của Ý được trồng nhiều để trang trí và trưng trong các ngày diễn ra festival hay lễ Halloween…
Để trồng các loại bí mang lại hiệu quả, năng suất cao, anh Toàn đã tiến hành trồng theo luống dài với hệ thống giàn lưới vuông góc với nền vườn và làm giàn, sử dụng dây treo thân bí lên cao. Đối với các loại giống bí đang trồng tại vườn, khi cây ra hoa, anh mất khá nhiều thời gian vì phải tự thụ phấn cho số cây còn lại.
Hiện, diện tích vườn của anh Toàn rộng 3.000 m2 nhà kính dùng để trồng các loại bí: Thiên Nga, mini Nhật, giọt nước, sợi mì, Halloween với khoảng trên dưới 6.000 gốc các loại. Vì gia đình mới trồng, nên số lượng bí thu năm đầu tiên sẽ được nơi cung ứng giống tại Đà Lạt thu mua tận vườn với giá bán là 30.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Ngọc Liên - Bí thư Đoàn xã Phi Tô cho biết: Xác định đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn, thời gian qua, Đoàn xã cũng đã triển khai đồng bộ Phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” trong đoàn viên, thanh niên. Qua phong trào, xuất hiện nhiều mô hình lập nghiệp mới, hiệu quả, khẳng định vai trò xung kích của tuổi trẻ trên mặt trận phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Một trong số đó là đoàn viên Lò Hồng Phi Toàn đang tham gia mô hình tổ hợp tác rau, củ, quả Phi Tô.
“Mô hình trồng các loại bí như trên là mô hình mới và có nhiều triển vọng tại địa phương. Từ cách làm hay và ham học hỏi của anh Toàn, hy vọng thời gian tới, đây sẽ là một trong những mô hình tiêu biểu của tuổi trẻ Phi Tô nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương nói chung và của bản thân đoàn viên nói riêng” - anh Liên kỳ vọng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin