Tận dụng lợi thế diện tích rừng lớn, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương đã chú trọng phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Từ mô hình tự phát, nhỏ lẻ, một số bạn trẻ đã đứng ra thành lập tổ hợp tác để chuyển dần sang hình thức đầu tư nuôi ong tập trung, chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Tổ hợp tác Ong PơKao ra đời với mong muốn phát triển sinh kế bền vững cho người dân tộc Cill tại địa phương |
Đưng K’nớ là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lạc Dương, nơi đây có tiềm năng phát triển kinh tế rừng và vườn đồi. Tạo hóa đã ưu ái dành tặng vùng đất nơi đây một hệ sinh thái đa dạng, quanh năm cây cối tốt tươi. Nét độc đáo đó khiến cho nghề nuôi ong lấy mật nơi đây phát triển thuận lợi và thành công hơn so với các địa phương khác.
Anh Long Đinh Ha Ônh - Tổ phó Tổ hợp tác Ong PơKao chia sẻ, hàng năm, cứ vào thời điểm từ tháng 4 - 6 âm lịch, người dân xã Đưng K’nớ lại lên đường, rong ruổi khắp các cánh rừng già nguyên sinh trên địa bàn để đi săn mật ong rừng. Mặc dù, công việc này nhiều vất vả, ẩn chứa nhiều nguy hiểm, thế nhưng đổi lại mang lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, qua một số vụ lấy mật ong với sản lượng suy giảm mạnh, bên cạnh đó số lượng đàn ong về làm tổ cũng vơi dần. Điều này khiến những người trẻ như anh Ha Ônh lo lắng. Chính vì vậy, sau một thời gian ấp ủ, Tổ hợp tác Ong PơKao đã được ra đời với mong muốn phát triển sinh kế bền vững cho người dân tộc Cill tại địa phương, thông qua việc tăng giá trị cho sản phẩm mật ong rừng Đưng K’nớ.
Tổ hợp tác Ong PơKao được thành lập năm 2021 dưới sự đồng hành, hỗ trợ của tổ chức Caritas Đà Lạt. Đến thời điểm hiện tại, tổ hợp tác có 21 thành viên. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên được tham quan, học hỏi tại Công ty Ong Miền Núi Hà Nội; đồng thời, được tập huấn, đào tạo về quy trình khai thác, chế biến và bảo quản mật ong rừng theo nhãn hiệu tập thể.
Theo anh Ha Ônh, đến mùa thu hoạch mật ong, các thành viên trong tổ hợp tác sẽ đi săn mật ong rừng theo hình thức bền vững. Mật ong được thu hoạch về sẽ nhập kho rồi tiến hành lọc thô để loại bỏ tạp chất. Sau đó, đến công đoạn hạ thủy phần mật ong rồi đưa vào các bình chứa, trước khi đóng các nhãn, mác để thành phẩm. Điểm đặc trưng của sản phẩm mật ong PơKao chính là đặc sản địa phương. Sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên được khai thác bền vững, chất lượng sản phẩm được giám sát chặt chẽ. Sản phẩm của tổ hợp tác được hình thành từ cộng đồng và để phục vụ cho lợi ích của cộng đồng tại địa phương.
Cũng theo anh Ha Ônh, tổ hợp tác luôn nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm an toàn có nguồn gốc xuất xứ từ thiên nhiên. Từ đó, tổ hợp tác đã triển khai xây dựng tem nhãn thương hiệu, thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng và gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm mật ong, kết nối thị trường cho sản phẩm mật ong của địa phương. Bên cạnh đó, các thành viên tổ hợp tác thực hiện ứng dụng công nghệ, chuyển giao kỹ thuật, tham gia các lớp tập huấn, truyền đạt kinh nghiệm cho các thành viên, giúp mật ong của tổ hợp tác xây dựng thương hiệu trên thị trường. Mới đây nhất, sản phẩm mật ong PơKao của tổ hợp tác cũng đã được lọt vào vòng chung kết tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần thứ 9 năm 2023.
Đây là động lực to lớn để Tổ hợp tác Ong PơKao tiếp tục mở rộng và phát triển dự án. Qua đó, góp phần đưa sản phẩm mật ong của xã Đưng K’nớ nói riêng và huyện Lạc Dương nói chung ngày càng phát triển theo hướng ổn định, bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong thời gian tới, tổ hợp tác sẽ không ngừng cải tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã; đồng thời, đa dạng thêm các sản phẩm. Mặt khác, hiện, đơn vị cũng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để được cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP, phát triển kinh tế xứng tầm với tiềm năng lợi thế của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin