Vill: Lối nhỏ giữa rừng công nghệ

DIỆP QUỲNH 06:36, 30/10/2023

Thời đại bùng nổ công nghệ, với những app giao hàng, vận chuyển hàng hóa, phục vụ đồ ăn tới nhà như grap, gojek, be… chiếm lĩnh thị trường. Một bạn trẻ Lâm Đồng đã dốc sức xây dựng một app tương tự nhưng hướng tới việc địa phương hóa, hướng tới tiêu thụ sản vật địa phương, tìm lối nhỏ giữa rừng công nghệ: app Vill.

Tài xế Vill hoạt động tại Đức Trọng
Tài xế Vill hoạt động tại Đức Trọng

Đoàn Văn Lợi còn rất trẻ, chưa tới tuổi 30. Là sinh viên một trường đại học công nghệ, Lợi gắn bó với những giải pháp phần mềm, những quản trị mạng. Năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng nổ, Lợi về nghỉ ở quê nhà Bảo Lộc và trong những ngày rảnh rang, bạn nghĩ đến chuyện xây dựng một app giao nhận đồ ăn, gọi xe, mua giúp hàng hoá… tương tự như grap. Đầu tiên là Lợi muốn phục vụ cho bản thân và gia đình, bạn bè, những quán hàng thân thuộc ở phố núi B’lao. Vậy là từ một ý tưởng mang tính cá nhân, Vill ra đời với các tính năng tương tự các app gọi đồ ăn khác.

“Ban đầu khá khó khăn, các quán ăn, nhà hàng tại Bảo Lộc chưa quen với việc đưa hàng hóa lên app. Nếu có quán nào đưa lên app thì thường chọn grap vì sự phổ biến, em cũng rất vất vả thời gian đầu khi thuyết phục các quán, nhà hàng, các tài xế xe công nghệ tham gia vào Vill. Ban đầu là miễn phí, rồi dần dần mọi người thấy hiệu quả nên tham gia nhiều hơn, lượng người truy cập ngày càng tăng. Thật sự rất mừng vì trong cuộc đua với các app lớn, những app ra đời sau, non trẻ gặp nhiều áp lực”.

Để tìm lối đi riêng, Đoàn Văn Lợi định hướng đăng ký app Vill hoạt động tại những địa bàn grap không chú ý tới. Ban đầu là Bảo Lộc, sau đó là Đức Trọng, Vill “lách” qua những địa phương các app lớn không chú trọng do lượng người sử dụng không đông. Tìm lối đi nhỏ, lượng người tham gia cung cấp dịch vụ trên app không cao, người sử dụng cũng còn bỡ ngỡ nhưng từ từ, Vill lớn dần.  Hiện, Vill còn triển khai tại các thành phố  phía Nam như Cao Lãnh, Bạc Liêu, Đồng Xoài, Tân An, Vũng Tàu…, 16 thành phố đang có sự hiện diện của Vill. Đoàn Văn Lợi cho biết: “Ở TP Bảo Lộc, Vill có sự tham gia của 100 tài xế xe công nghệ, ở Đức Trọng số lượng ít hơn, khoảng 50 người. Với lượng người sử dụng app, số nhà hàng tham gia, tài xế chạy đủ thời gian sẽ có thu nhập khoảng 400 ngàn đồng/ngày”. 

Để có thể giữ chân người sử dụng, thu hút thêm nhiều gương mặt mới tham gia phục vụ và sử dụng dịch vụ trên app, Vill chú trọng tới chất lượng phục vụ. Các kỹ thuật viên của Vill làm việc mỗi phút để đảm bảo app chạy mượt mà, không tắc nghẽn, không chậm trễ nhu cầu của người tiêu dùng. Tài xế, quán ăn đối tác cũng cam kết chất lượng phục vụ tốt nhất, phục vụ khách hàng chu đáo, nhiệt tình. Đặc biệt, Đoàn Văn Lợi chia sẻ: “Để tối ưu hóa trải nghiệm của người sử dụng, Vill định hướng các dịch vụ mang tính địa phương hóa rõ rệt, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người sử dụng. Với đặc thù app của người Việt, người sử dụng hay tài xế là người địa phương, Vill phục vụ khách hàng với tính thân thiện, hiểu rõ nhu cầu của từng thành phố. Như vùng Bảo Lộc, người tiêu dùng hay tài xế có nhu cầu khác với Cao Lãnh, Vũng Tàu. Những tính chất địa phương này được Vill cập nhật vào app và đưa tới trải nghiệm thoải mái cho người dùng”. 

Bắt đầu từ app giao nhận đồ ăn và vận chuyển hàng hoá, giờ Vill đã phát triển thêm các dịch vụ như giao hàng tốc hành, dọn nhà, đi chợ. Và sắp tới, Lợi đang xây dựng thêm việc đưa hàng nông sản lên Vill, để người tiêu dùng có thể thoải mái chọn lựa các mặt hàng nông sản đặc thù của từng địa phương. Lợi chia sẻ, các địa phương Vill có mặt đều có nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương nổi tiếng. Khách mua hàng chỉ cần dạo trên app là có thể lựa chọn được những trái cây, rau, sản vật mình yêu thích. Đây cũng là tâm nguyện của chàng trai phố núi B’Lao, người tha thiết muốn đưa trà, cà phê của quê hương lên app Vill.

Chị Nguyễn Thị Lê Hường-Phó Phòng Thương mại, Sở Công thương Lâm Đồng đánh giá, Vill là một áp thuần Việt, do người Việt viết và điều hành. Vill đã đăng ký hoạt động với Bộ Công thương, được Bộ Công thương xác nhận hoạt động trên các địa bàn theo đăng kí. Việc những app giao hàng mang tính địa phương giúp người tiêu dùng có lợi, đồng thời, tăng tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.