Nhận thức rằng, nghề gốm sứ thủ công truyền thống ở Việt Nam đang dần bị lãng quên, một nhóm người trẻ ở Đà Lạt đã tìm đến nhau, chung tay mở Làng An (17 B Trần Hưng Đạo) để tiếp lửa tình yêu nghề cho nghệ nhân, đồng thời giúp những người cùng trang lứa hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa cổ truyền.
Làng An sử dụng những mảnh gạch màu để trang trí |
Dự án Làng An ra đời từ ý tưởng đề cao nét đẹp thủ công của người Việt. “Năm 2023, chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch tìm hiểu về nghề gốm sứ thủ công. Chúng tôi đã đi khảo sát tại các làng nghề làm gốm ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), TP Đà Nẵng và TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế)... Qua gặp gỡ, trao đổi, rồi trải nghiệm làm gốm cùng nghệ nhân, chúng tôi vỡ ra rất nhiều điều về gốm sứ”, chị Lê Thị Hoài Trang, một thành viên của Làng An, chia sẻ. Theo chị Trang, cái làm nên sự độc đáo của nghề làm gốm thủ công chính là giá trị độc bản. Mỗi sản phẩm gốm sứ mang một vẻ đẹp riêng. Đôi tay và cảm xúc của nghệ nhân đã tạo nên sự khác biệt. Do vậy, mỗi tác phẩm gốm sứ chế tác bằng tay là một tác phẩm nghệ thuật.
Tán đồng ý kiến với chị Lê Thị Hoài Trang, anh Trần Thiên, một thành viên khác của Làng An, muốn đưa những nét đẹp của gốm sứ Việt Nam đến gần giới trẻ, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng. “Chúng tôi hi vọng, mỗi người sau khi đến Làng An trải nghiệm làm gốm thủ công sẽ hiểu đằng sau một sản phẩm thủ công là những giọt mồ hôi, bao nhiêu tâm huyết và cảm xúc của nghệ nhân đã gửi vào sản phẩm. Từ chỗ hiểu rõ những câu chuyện ẩn đằng sau các sản phẩm thủ công sẽ cùng với Làng An lan tỏa lửa nghề dành cho nghệ nhân, thêm trân trọng những sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc”, anh Thiên tâm sự.
Nặn gốm, tô màu, khảm gạch... tại Làng An là một trải nghiệm mang tính sáng tạo rất cao. Từ những mẫu đất sét, người trải nghiệm tự tay nhào nặn ra những mẫu gốm sứ tùy theo ý riêng, không bị gò ép phải như thế này hay như thế kia, tự do thể hiện dấu ấn cá nhân trên từng sản phẩm. Tương tự, màu sắc tô trên gốm cũng hết sức thoải mái. Ai muốn màu gì thì tô màu đó, hoàn toàn theo sử thích của mình. Công việc khảm gạch cũng vậy, ý tưởng và cảm xúc của mình là yếu tố quyết định. “Mỗi viên gạch tại Làng An không đơn thuần chỉ là một viên gạch, còn là một tác phẩm nghệ thuật. Bởi nó được làm ra từ niềm đam mê, lòng nhiệt huyết của chúng tôi. Trước khi đến tay khách hàng, mỗi viên gạch ở đây đã được những bàn tay cần mẫn, khéo léo của các thành viên của Làng An nâng niu, coi như một tác phẩm nghệ thuật. Sự nâng niu đó đã tạo nên dấu ấn nhân văn sâu sắc. Về điểm này, tôi nghĩ chỉ có ở những mặt hàng thủ công”, anh Thiên chân thành, và nói thêm: “Chúng tôi còn sử dụng gốm sứ để tổ chức các buổi workshop nói về nghề thủ công truyền thống, sự gắn bó của gốm sứ với nền văn hóa, nghệ thuật đậm chất Việt Nam”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin