Những trí thức trẻ làm… nông dân

04:12, 03/12/2014

Những vườn rau, hoa tươi tốt, những rẫy cà phê bạt ngàn trĩu quả không còn là thành quả riêng của những "lão nông tri điền". Hiện, nhiều chủ nhân của những nhà vườn quy mô lớn là những trí thức trẻ.

Những vườn rau, hoa tươi tốt, những rẫy cà phê bạt ngàn trĩu quả không còn là thành quả riêng của những “lão nông tri điền”. Hiện, nhiều chủ nhân của những nhà vườn quy mô lớn là những trí thức trẻ.
 
 Thành quả lao động của anh Trần Điền Tú
Thành quả lao động của anh Trần Điền Tú
 
Tốt nghiệp Khoa Công nghệ Thông tin Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, nhưng “tình yêu” với rau, hoa nơi vùng đất cao nguyên quê nhà đã đưa Phạm Quang Hưng (27 tuổi, ngụ tại phường 11, thành phố Đà Lạt) trở về quê hương lập nghiệp. Từ những kinh nghiệm của gia đình, từ những “bài học vỡ lòng” khi từ nhỏ đã làm vườn cùng ba mẹ, đã giúp Hưng tự tin để trở thành một nông dân chính hiệu. Năm 2010, Hưng bắt tay trồng gần 2 sào hoa cúc. Sau vài vụ ban đầu, nhận thấy trồng cúc giá cả không ổn định nên vừa trồng cúc Hưng vừa nghiên cứu tìm loại hoa mới thay thế. Loài hoa được anh lựa chọn là cẩm chướng. Mặc dù đã dày công nghiên cứu kỹ thuật trồng nhưng những vụ cẩm chướng đầu đều chỉ huề vốn. Không nản chí, vừa làm Hưng vừa tích lũy thêm kinh nghiệm. Sau gần 4 năm, vườn cẩm chướng của anh đã được mở rộng lên đến 1ha. Toàn bộ được trồng trong nhà kính, cho thu nhập gần 800 triệu đồng mỗi năm. Anh Hưng chia sẻ: “Để hoa đạt năng suất và chất lượng cao, yếu tố kỹ thuật phải được quan tâm hàng đầu. Hiện tại, toàn bộ vườn cẩm chướng đã được trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt. Ngoài ra, tôi còn áp dụng phương pháp rải vỏ trấu trên nền đất trồng hoa để vừa giữ ẩm cho đất, vừa hạn chế cỏ dại phát triển, nhờ đó tiết kiệm được công lao động. Hiện tại, tôi còn ươm giống cẩm chướng để sử dụng và bán cho bà con”.
 
Cũng giống anh Hưng, anh Trần Điền Tú (28 tuổi, ngụ tại phường 11, TP Đà Lạt) cũng lựa chọn con đường lập nghiệp từ nghề nông. Tốt nghiệp Khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Kinh tế và đã tìm được việc làm ổn định tại TP Hồ Chí Minh nhưng sau đó Tú vẫn chuyển hướng quay về nhà để làm nông dân thực thụ. Gia đình không khá giả nên đầu năm 2011, Tú quyết định vay vốn ngân hàng để trồng hoa. Nhận thấy thổ nhưỡng của địa phương hợp với loài hoa cẩm chướng, Tú quyết định đầu tư vào loại hoa này. Rồi cả những ngày một mình đi từ vườn hoa này đến vườn hoa khác, Tú đã tự tích lũy cho mình vốn kiến thức đủ để bắt đầu thực hiện. Thời gian đầu, lợi nhuận thu được cũng chẳng là bao, phải mất hơn 2 năm thì 3 sào cẩm chướng trồng trong nhà kính với kỹ thuật cao của anh Tú mang về cho anh thu nhập khoảng 60 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài cẩm chướng, anh Tú còn học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật để đầu tư thêm 1ha cà phê trồng xen canh với 3 sào mác mác. Việc trồng xen mác mác cùng cà phê với khoảng cách hợp lý và cách chăm sóc đúng kỹ thuật nên cả hai loại cây đều phát triển tốt. Sau gần 3 năm chăm vườn cà phê và mác mác đã mang về cho Tú gần 400 triệu đồng/năm.
 
Nếu như thế mạnh của những lão nông là sự dày dặn kinh nghiệm thì thế mạnh của những nông dân trẻ như anh Hưng, anh Tú chính là sức trẻ, tri thức và mạnh dạn dám nghĩ dám làm. Nguồn nhân lực trẻ, có trình độ, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chủ động nghiên cứu những phương pháp canh tác mới đã mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh tế. Ông Đỗ Hữu Đạt, Phó Chủ tịch UBND phường 11 (Đà Lạt), cho biết: “Đối với những trí thức trẻ có mong muốn lập nghiệp từ nông nghiệp, địa phương luôn tạo mọi điều kiện để họ triển khai. Ngoài làm giàu cho bản thân, những nhà nông trẻ với tri thức cao có thể sẽ là những người hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho bà con. Đây cũng là cách để cùng với địa phương xây dựng nên vùng nông nghiệp phát triển bền vững”.
 
NGỌC NGÀ