Những không gian diệu kỳ từ gỗ tái chế

06:02, 27/02/2020

Tận dụng nguồn nguyên liệu gỗ tái chế, nữ kiến trúc sư trẻ Nguyễn Thị Minh Trang đã tạo ra những mô-đun pallet gỗ làm nên không gian kiến trúc linh hoạt, đậm chất nghệ thuật, hạn chế khai thác gỗ mới, góp phần bảo vệ môi trường. 

Tận dụng nguồn nguyên liệu gỗ tái chế, nữ kiến trúc sư trẻ Nguyễn Thị Minh Trang đã tạo ra những mô-đun pallet gỗ làm nên không gian kiến trúc linh hoạt, đậm chất nghệ thuật, hạn chế khai thác gỗ mới, góp phần bảo vệ môi trường. 
 
Kiến trúc sư trẻ Nguyễn Thị Minh Trang luôn ấp ủ sáng tạo với gỗ.
Kiến trúc sư trẻ Nguyễn Thị Minh Trang luôn ấp ủ sáng tạo với gỗ.
Khởi nghiệp từ gỗ
 
Sinh ra trong gia đình nghèo ở Vĩnh Long, Phạm Thị Minh Trang sớm theo ba mẹ lên Bình Dương lập nghiệp. Cuộc sống của cả gia đình quanh quẩn trong căn xưởng xung quanh toàn gỗ pallet. Ngôi nhà toàn bộ làm từ gỗ pallet phế liệu, gỗ tạp. Từ vách nhà cho tới các vật dụng như giường ngủ, bàn ghế, kệ… đều được ba của Trang chế tác từ gỗ đã qua sử dụng. Công việc mưu sinh hàng ngày của gia đình từ gỗ pallet thấm dần vào Trang. Em quen dần việc cầm búa để gõ đinh, hay việc cầm xà beng để nạy từng thanh gỗ cũ tách rời nhau ra, cho đến cả việc chà nhám và xử lý thô gỗ cũng trở nên thành thục với Trang. Cô gái yếu đuối vì thế dần cứng chân, rắn tay và trở nên mạnh mẽ chẳng kém đàn ông. Trang tâm sự: Mùi gỗ là mùi hương quyến rũ luôn gợi cho em nhớ về tuổi thơ của mình. 
 
Khi trưởng thành, Trang sớm nhận ra những điều hết sức tuyệt vời mà pallet có thể đem đến. Những thanh gỗ pallet nhập từ những kiện gỗ, đã qua sử dụng, không đồng đều kích cỡ, chủng loại, nhưng khi qua quá trình xử lý tẩm sấy, chống mối mọt, sẽ phù hợp với nhiều điều kiện. Với niềm đam mê kiến trúc và tạo hình nghệ thuật, Trang đã suy nghĩ đến việc sẽ sử dụng chính gỗ pallet phế liệu để tạo ra những không gian đặc biệt phục vụ cho cộng đồng, xã hội, cả những người có thu nhập trung bình cũng có thể sử dụng những ngôi nhà gỗ, vật dụng bằng gỗ sang chảnh, mang giá trị thẩm mỹ cao. 
 
Những lần đến Đà Lạt du lịch, con người và cảnh vật nơi đây như níu chân, Trang quyết định chọn nơi đây là bến đỗ để lập thân lập nghiệp. Đam mê gỗ, cô gái trẻ chưa bao giờ ngừng suy nghĩ về nó và luôn mong muốn sẽ áp dụng được vật liệu này một cách rộng rãi ở chính mảnh đất mình yêu quý. Trang mạnh dạn thành lập nên Công ty Nhà Pallet. Để vững vàng trên con đường đã chọn, bạn đã đi học ngành kiến trúc tại Trường Đại học Yersin Đà Lạt trau dồi nền tảng kiến thức cơ bản, vận dụng gỗ pallet một cách chuyên nghiệp và tinh tế hơn. 
 
Nguyễn Thị Minh Trang (bìa trái) cùng những người bạn bên mô hình thư viện xanh từ gỗ pallet tái chế trong Ngày hội khởi nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Nguyễn Thị Minh Trang (bìa trái) cùng những người bạn bên mô hình thư viện xanh từ gỗ pallet tái chế trong Ngày hội khởi nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên
 
Tạo nên những không gian gỗ tái chế kỳ diệu 
 
Từ những thanh gỗ đủ loại, kích thước khác nhau đã qua sử dụng được xử lý tẩm sấy, chống mối mọt, có giá thành thấp hơn nhiều so với gỗ mới khai thác, Nguyễn Thị Minh Trang đã tạo nên nhưng mô-đun gỗ pallet. Trong đó, mỗi mô-đun là tổng hòa của sự công phu, óc sáng tạo, giá trị sử dụng, độ chắc, bền, thiết kế nội thất mỹ thuật, thân thiện với môi trường. 
 
Từ các mô-đun pallet có thể làm thành không gian góc nội thất; ứng dụng sắp đặt cho tường, trần nhà; phục vụ cho nhu cầu sáng tạo tùy ý, tùy sở thích của từng cá nhân. Sản phẩm không cố định ở một mô hình nào, khách hàng có thể tự sáng tạo, tự sắp xếp không gian dựa trên những gợi mở của nhà thiết kế, đã tạo hình linh hoạt, có thể sử dụng các quy cách có sẵn để tạo ra những sản phẩm đa dạng phong phú. Mỗi mô-đun cho phép người sử dụng có thể linh hoạt, tự do sáng tạo sắp đặt trong không gian sống của mình, vừa tiện dụng, vừa ấm áp, thân thiện. Khách hàng có thể dễ dàng sử dụng các phương pháp liên kết đơn giản bằng máy bắn đinh, bắn vít để tạo các sản phẩm mang dấu ấn cá nhân của riêng mình. 
 
Dự án khởi nghiệp “Không gian gỗ pallet tái chế” tạo nên những vật dụng thẩm mỹ của Trang góp phần hạn chế sử dụng các vật liệu khó phân hủy như nhựa hoặc tương đương nhựa trong xây dựng, vừa bảo vệ môi trường, vừa sử dụng các sản phẩm tái chế tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, hạn chế khai thác gỗ mới. Các không gian được thiết kế bằng gỗ pallet tái chế có thể là nhà ở, nhà hàng, quán cà phê, thư viện, văn phòng, lều trại, bungalow, các mô hình phục vụ sự kiện, trưng bày sản phẩm… Sản phẩm hướng đến khách hàng muốn có giải pháp cơ động trong không gian kiến trúc giá rẻ tiện lợi và có tính mỹ thuật cao, yêu thích sử dụng gỗ cho không gian kiến trúc và nội thất; không gian nhà ở linh hoạt cho bằng gỗ cho người thu nhập thấp; không gian sử dụng linh hoạt dành cho xã hội, cho cộng đồng. 
 
Với nguồn nguyên liệu dồi dào, dễ kiếm, giá thành của sản phẩm rẻ hơn nhiều so với gỗ mới, sản phẩm đẹp, nghệ thuật, bền, linh hoạt công năng sử dụng, thân thiện với môi trường. Sản phẩm không gian gỗ pallet tái chế của bạn Nguyễn Thị Minh Trang khác biệt so với các sản phẩm cùng chủng loại đang có trên thị trường chính là sự kết hợp với kiến trúc - mỹ thuật đi kèm với nghiên cứu tính ứng dụng của gỗ pallet tái chế. Từ sản phẩm đầu tiên là mô hình thư viện xanh tại Trường Đại học Yersin Đà Lạt, nhiều sản phẩm đã đưa đến khách hàng được người sử dụng đánh giá cao. Đó là Hotel và Bungalow nghỉ dưỡng An Mộc Gia Trang (Khu quy hoạch Mạc Đĩnh Chi - Phường 4) được khách du lịch trẻ tuổi chọn lưu trú bởi vẻ đẹp, tính mỹ thuật. Sắp tới là 1 căn hộ lớn 11 phòng nghỉ phục vụ du lịch đã được đặt hàng, chuẩn bị thi công. 
 
“Muốn đi xa phải đi cùng nhau” - may mắn trên con đường khởi nghiệp đầy khó khăn vất vả, cô gái cứng cỏi, giàu nhiệt huyết Nguyễn Thị Minh Trang đã gặp được những người bạn đồng hành chí tình chí nghĩa. Đó là anh Cường, người hỗ trợ đắc lực đưa các ý tưởng sáng tạo của Trang thành hiện thực; đó là chị Vũ Thị Nam Phương luôn sẻ chia những sáng tạo mới mẻ - Trang tâm sự. Tình yêu và niềm đam mê với gỗ đã được đền đáp xứng đáng, khi sản phẩm được rất nhiều khách hàng đón nhận, dự án khởi nghiệp “Không gian gỗ pallet tái chế” của Minh Trang vượt qua hàng trăm dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ trở thành một trong 13 dự án được vào Chung kết cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ” cuối năm 2019 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, được đánh giá cao vì giá trị ứng dụng vào thực tiễn và ý nghĩa của nó với môi trường.
 
QUỲNH UYỂN