(LĐ online) - Sáng 17/3, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức hội nghị khởi động Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, đồng thời phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 nhằm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp phát biểu hưởng ứng việc triển khai Đề án |
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì và chỉ đạo hội nghị. Điểm cầu tỉnh Lâm Đồng với sự chủ trì của đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phạm Thị Ánh Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh, Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01) được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 3/1/2023 trên cơ sở đề xuất của Hội LHPN Việt Nam. Hội nghị khởi động Đề án nhằm kịp thời triển khai Đề án, thống nhất nhận thức và trách nhiệm của các cấp Hội LHPN Việt Nam, các bộ, ngành, đoàn thể của trung ương, địa phương trong thực hiện đề án với mục tiêu phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; qua đó tạo nhiều việc làm cho lao động nữ và phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp là hoạt động thường niên trong khuôn khổ Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” nhằm động viên, khuyến khích phụ nữ ở mọi tầng lớp, lứa tuổi tích cực tham gia khởi nghiệp; khởi sự kinh doanh; các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ nhằm phát huy tài nguyên bản địa và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương trên cả nước. Trong đó, ưu tiên phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, các nữ vận động viên chuẩn bị giải nghệ. Thông qua cuộc thi sẽ lựa chọn, hỗ trợ các dự án tiềm năng, khả thi để hiện thực hóa góp phần thúc đẩy, thành lập mới, phát triển, duy trì hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự thi; đồng thời phát hiện những nhân tố tiêu biểu, tích cực để bồi dưỡng thành các gương điển hình về khởi nghiệp thành công để tôn vinh và lan tỏa trong cộng đồng; bổ sung số lượng vào đội ngũ doanh nhân nữ của địa phương, đất nước, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.
Được tổ chức từ năm 2018 đến nay, thông qua các Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, cả nước đã có trên 3.500 đề xuất dự án, ý tưởng khởi nghiệp đăng ký tham gia và đã có 41 doanh nghiệp, 42 hợp tác xã có ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc, 31 tổ hợp tác, mô hình giảm nghèo tiêu biểu được lựa chọn trao giải và hỗ trợ thực hiện với tổng kinh phí gần 32,5 tỷ đồng.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng |
Phát biểu hưởng ứng việc triển khai Đề án 01 “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp chia sẻ: Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để cụ thể hóa và thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, trong đó có các chính sách hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 92 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý, chiếm 18,3% trên tổng số hợp tác xã trong tỉnh, có 2 hợp tác xã có sản phẩm OCOP 3 sao. Các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ có vai trò quan trọng trong sản xuất, liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên, góp phần thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển kinh tế của địa phương; đồng thời cùng chính quyền xây dựng và phát triển các sản phẩm tiềm năng, chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương.
Thời gian qua, việc hỗ trợ phụ nữ trên địa bàn tỉnh tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đạt được nhiều kết quả tích cực. Để việc triển khai thực hiện Đề án thực sự trở thành phong trào rộng rãi trong các cấp Hội LHPN và các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn, tỉnh Lâm Đồng cũng đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý. Đồng thời kiến nghị với Trung ương ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ cho hợp tác xã do phụ nữ làm chủ tại các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS và tổ chức các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, mô hình mới của các địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, những năm qua, Đảng và Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách cụ thể để hỗ trợ phụ nữ phát triển góp phần đảm bảo công tác bình đẳng giới, thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Với quan điểm xem kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, xây dựng mô hình kinh tế tập thể phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, trong đó Hội LHPN phụ trách 2 đề án gồm Đề án 01 và Đề án 939. Chính phủ coi đây là nhiệm vụ chính trị, do đó đề nghị sự chung tay của các Bộ, ban, ngành, các địa phương để 2 đề án của phụ nữ được triển khai hiệu quả; Hội LHPN các cấp từ trung ương đến địa phương cần chủ động trong công tác triển khai các nội dung của đề án để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong phụ nữ…
Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra Lễ phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin