(LĐ online) - Hễ có sự kiện chính trị liên quan đến sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là lại xuất hiện sự tuỳ tiện luận giải để xuyên tạc, chống phá và phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây vốn là thủ đoạn nhiều năm qua của các thế lực thù địch và cá nhân thiếu thiện chí. Đáng tiếc, có người vẫn mù quáng cổ vũ và đi theo xu hướng này nhằm thực hiện mục đích không trong sáng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước. Ảnh: TTXVN |
Gần đây, sự kiện đồng chí Võ Văn Thưởng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước được đại đa số Nhân dân hoan nghênh, đồng tình bởi sự gặp nhau giữa “Ý Đảng và lòng dân”. Đây là sự lựa chọn đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đâu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây cũng là sự đồng tình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội trong việc giới thiệu và thay mặt Nhân dân bỏ phiếu bầu người đứng đầu Nhà nước thay mặt nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Trên cơ sở những thông tin công khai, đầy đủ và tin cậy, người dân được biết đến đồng chí Võ Văn Thưởng là cán bộ cấp cao của Đảng được đào tạo bài bản, có năng lực, uy tín và kinh nghiệm công tác, đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng của Trung ương và địa phương.
Với kết quả bầu Chủ tịch nước đối với đồng chí Võ Văn Thưởng là 487/488 đại biểu Quốc hội (98,38%) tán thành, Nhân dân cả nước kỳ vọng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí, đất nước sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trên các mặt kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện tốt hơn.
Kết quả đó đáng được trân trọng, trước hết là sự lãnh đạo của Đảng, sự phát huy dân chủ trong Đảng và Quốc hội, vậy mà trên một số trang mạng xã hội xuất hiện một số bài viết xuyên tạc bản chất của sự việc, hòng gây nhiễu loạn thông tin, tạo dư luận trái chiều nhằm mục đích hạ uy tín của các cơ quan chức năng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Họ ra sức xuyên tạc về quy trình bầu Chủ tịch nước, về thân thế, sự nghiệp, đời tư của đồng chí Võ Văn Thưởng. Họ rêu rao rằng bầu cử “thiếu dân chủ”. Họ đòi “phải để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch nước”.
Họ đã quên rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành “Đảng cẩm quyền” từ năm 1945 cho đến nay. Khái niệm “Đảng cầm quyền” chỉ rõ một đảng chính trị đúng đắn giữ quyền lực Nhà nước một cách công khai, chính thức và lãnh đạo chính quyền nhằm thực hiện mục tiêu của mình.
Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, khái niệm “Đảng cầm quyền” là để chỉ Đảng khi đã giành được chính quyền, cũng có nghĩa là Đảng lãnh đạo khi đã có chính quyền; Đảng lãnh đạo xã hội bằng chính quyền và thông qua chính quyền để Nhân dân làm chủ Nhà nước, làm chủ xã hội. Đảng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật như Điều 4 Hiến pháp Việt Nam.
Kế thừa quy định tại Điều 4 Hiếp pháp 1992, Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng Việt Nam. Khoản 2 Điều 4 Hiến pháp (năm 2013) khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân về những quyết định của mình” và được thực hiện tốt vai trò là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng luôn chú trọng mở rộng và nâng cao dân chủ trong toàn bộ hoạt động của Đảng trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội.
Trong phương thức lãnh đạo của Đảng có việc đề cử cán bộ, đảng viên ưu tú vào bộ máy Nhà nước, vào tổ chức chính trị xã hội, thông qua đội ngũ cán bộ để thực hiện mục tiêu của mình. Với tinh thần đó, Ban Chấp hành Trung ương đã họp và nhất trí giới thiệu đồng chí Võ Văn Thưởng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Tại điều 87 của Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội”. Tại phiên họp toàn thể vừa qua, Quốc hội thực hiện đầy đủ các bước, đúng quy trình. Như vậy, Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không làm thay công việc của Nhà nước. Đảng cũng không làm thay công việc của Quốc hội. Trình tự bầu Chủ tịch nước theo đúng quy trình của Hiến pháp, không hề vi hiến như những lời bịa đặt ác ý, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân phải hết sức tỉnh táo và cảnh giác trước những luận điệu của các phần tử phản động, tránh nhẹ dạ cả tin làm ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của lịch sử cách mạng Việt Nam.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin