Bài học dĩ bất biến, ứng vạn biến từ Quốc khánh 2/9

KHÔI NGUYÊN THẢO 07:32, 03/09/2023

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, đất nước ta có trường phái ngoại giao riêng biệt, đặc sắc và độc đáo, đó là trường phái ngoại giao cây tre. Cây tre Việt Nam có gốc vững chắc, cành uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường, không có cơn gió nào quật ngã được. Đây là trường phái ngoại giao thấm từ tâm hồn, cốt cách, khí phách của Việt Nam: mềm mại, khôn khéo nhưng kiên cường; linh hoạt, sáng tạo nhưng kiên định, can trường.

Trường phái ngoại giao này cũng là biểu hiện của tư tưởng dĩ bất biến, ứng vạn biến. Tư tưởng ấy có từ đời cha ông ngày xưa, thể hiện rõ từ Quốc khánh đến nay. Trong tình hình thế giới phức tạp hiện nay, nghệ thuật dĩ bất biến, ứng vạn biến của ngày Quốc khánh càng cần được phát huy.

 

* GS - TS Võ Văn Sen - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Hồ Chí Minh:

Điều bất biến vẫn là lợi ích dân tộc

Dĩ bất biến, ứng vạn biến là vận dụng phép biện chứng vào xử lý các vấn đề. Dĩ bất biến là xác định và đứng trên nguyên tắc. Ứng vạn biến là trên cơ sở nguyên tắc phải có những ứng xử linh hoạt. Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, điều quan trọng nhất là giành chính quyền. Từ đó xác định đâu là kẻ địch chủ yếu trước mắt. Khi Nhật mới vào Đông Dương năm 1940, liên minh với Pháp thì kẻ địch của Việt Minh là cả phát xít Nhật và thực dân Pháp. Nhưng sau khi Nhật đảo chính Pháp vào 9/3/1945 thì cách mạng tập trung đấu tranh với phát xít Nhật, thậm chí giúp đỡ một số người Pháp bỏ trốn.

Sau Cách mạng Tháng Tám đến tháng 12/1946, tình hình vô cùng đặc biệt. Đất nước ta phải cùng một lúc chống nhiều kẻ địch: Anh, Pháp, Mỹ, Tưởng Giới Thạch. Tưởng vào phía Bắc, đi sau Tưởng là sự ủng hộ của Mỹ. Phía Nam là thực dân Pháp và thực dân Anh ủng hộ thực dân Pháp.

Dĩ bất biến là làm sao giữ được độc lập dân tộc. Điều này đòi hỏi phải hết sức quyền biến. Ngày 6/3/1946, chúng ta hòa với Tưởng ở phía Bắc, chống Pháp ở phía Nam. Trong bối cảnh lực lượng cách mạng còn yếu, nếu cùng lúc chống nhiều kẻ thù thì sẽ thất bại, đây là ứng xử hợp lý. Đáng nói, mặc dù quân Tưởng đang xâm phạm chủ quyền đất nước nhưng chúng ta chấp nhận cung cấp lương thực. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận đặc cách cho phía Tưởng một số ghế bộ trưởng và 70 ghế trong Quốc hội.

Trước khi sang Pháp để đàm phán năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng đảm đương công việc theo nguyên tắc dĩ bất biến, ứng vạn biến. Người cũng thực hiện nguyên tắc trên khi ở Pháp. Thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh dĩ bất biến với nguyên tắc độc lập dân tộc, kéo dài thời gian hòa bình để xoay chuyển với tình thế phức tạp. Trước sự căng thẳng trong đàm phán, Người ký Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt với nội dung Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do nằm trong khối liên hiệp Pháp. Đây là một ứng xử linh hoạt. Thoạt nhìn, nội dung này có vẻ nhượng bộ Pháp nhưng về bản chất, Việt Nam vẫn giữ được độc lập, cách nói không quá quan trọng. Tiếp đến là hội nghị đàm phán Pháp - Việt được tổ chức ở lâu đài Fontainebleau và tạm ước Việt - Pháp (14/9/1946). Đây là những bước đi của Bác nhằm kéo dài thời gian hòa bình để Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuẩn bị lực lượng, cơ sở kháng chiến.

Trong tình thế hiện nay, điều bất biến của chúng ta vẫn là lợi ích dân tộc, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên nguyên tắc “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Một biểu hiện cho thấy việc ứng dụng tư tưởng dĩ bất biến, ứng vạn biến trong tình hình hiện nay là chính sách “4 không” đối với quốc phòng: không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Với chính sách này, chúng ta tránh được nguy cơ xung đột với nước khác khi lợi ích quốc gia chưa bị xâm phạm. Nhờ vậy, chúng ta có thể tranh thủ được hòa bình để phát triển kinh tế.

Đối với đất nước ta, vấn đề lớn nhất cần giải quyết bây giờ là phải trở nên giàu mạnh. Sau nhiều nỗ lực, từ một nước nghèo, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và đang đứng trước cơ hội rất lớn trở thành giàu mạnh. Muốn thế, chúng ta phải ứng vạn biến trước tình hình thế giới nhiều biến động và dĩ bất biến là giữ cho được hòa bình.

Tình hình trong, ngoài nước đã khác xa thời điểm mới giành độc lập nhưng vẫn tương đồng về bản chất trong nhiều vấn đề. Chúng ta hãy tiếp tục phát huy những gì đã đạt được, kiên định chiến lược ngoại giao, quốc phòng, kinh tế… hiện nay vì đó là nền tảng được dựng xây qua nhiều thế hệ và gặt hái kết quả khả quan.

Chúng ta hãy tiếp tục kiên định với con đường xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Định hướng xã hội chủ nghĩa là một khái niệm rất lớn đòi hỏi vừa có sự kế thừa, tổng hợp thực tiễn, vừa có sự sáng tạo liên tục. Phấn đấu trở thành nước phát triển là mục tiêu theo tiêu chí chung của thế giới. Còn với định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần chú trọng hơn các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, hạn chế những hệ lụy của khoảng cách giàu nghèo, bảo vệ môi trường…

Đây cũng là những cơ sở dĩ bất biến để ứng vạn biến trong mọi tình thế. Dù kinh tế phát triển đến đâu cũng vì mục tiêu hạnh phúc của Nhân dân, công bằng xã hội. Dù lợi ích kinh tế lớn thế nào cũng không đánh đổi môi trường, cân bằng sinh thái.

So với các quốc gia có cùng trình độ phát triển, nước ta có những dấu ấn về an sinh xã hội như xóa đói giảm nghèo, phòng, chống dịch bệnh... Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trước thế giới về bảo vệ môi trường. Những nỗ lực này cần được tiếp tục phát huy khi nước ta từng bước có trình độ phát triển cao hơn nữa.

 

* Phó Ðô đốc Mai Xuân Vĩnh - Nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân:

Thực hiện nhiều nhiệm vụ cho một mục tiêu

Tôi tham gia cách mạng từ khi còn là thiếu niên với tất cả nhiệt huyết. Động lực tạo lên nhiệt huyết là tâm nguyện nước Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ. Vì tâm nguyện ấy, chúng tôi cương quyết giành cho được độc lập dân tộc. Sau đó, chúng tôi tham gia nhiều chiến trường trong suốt mấy thập kỷ kháng chiến cũng vì tâm nguyện ấy.

Thời kháng chiến chống Pháp, trong một số thời điểm, đơn vị chúng tôi hoạt động với phương thức tự lực, tự túc, tự chủ. Cả đơn vị tự do di chuyển, chủ động tìm lương thực, nhu yếu phẩm với mục đích duy nhất là đánh địch. Vậy mà đơn vị vẫn lập được nhiều chiến công bởi tất cả cùng hướng tới mục đích ấy.

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi mới ra đời đã có những bước đi quy tụ các giai tầng trong xã hội để tập trung củng cố nội lực. Ngày nay, chúng ta có thể áp dụng bài học kinh nghiệm này trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc chung tay phát triển đất nước.

Trong chiến tranh, để phát động và giành chiến thắng một chiến dịch lớn, cần mở nhiều chiến dịch trên các địa bàn khác với mục đích phân tán lực lượng địch, nghi binh. Trong thời bình, để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, cần thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có nhiệm vụ phát triển nền quốc phòng. Nền quốc phòng mạnh mới gìn giữ được chủ quyền, đảm bảo ổn định chính trị, hòa bình. Đó là môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế.

 

* GS - TS Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Ðông:

Ứng dụng dĩ bất biến, ứng vạn biến trong mọi việc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói đất nước ta có trường phái ngoại giao riêng biệt, đặc sắc và độc đáo, đó là trường phái ngoại giao cây tre. Cây tre Việt Nam có gốc vững chắc, cành uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường, không có cơn gió nào quật ngã được. Đây là trường phái ngoại giao thấm từ tâm hồn, cốt cách, khí phách của Việt Nam: mềm mại, khôn khéo nhưng kiên cường; linh hoạt, sáng tạo nhưng kiên định, can trường.

Trường phái ngoại giao này cũng là biểu hiện của tư tưởng dĩ bất biến, ứng vạn biến như chúng ta được thấy qua việc chèo lái con thuyền cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đất nước phải đối mặt với cảnh thù trong, giặc ngoài, để giữ cho được độc lập, Người đã quy tụ mọi tầng lớp xuất thân, dung hòa các thế lực. Việc một số bộ trưởng vào thời điểm đó ở ngoài Đảng là một ví dụ.

Tư tưởng của Bác có thể được áp dụng trong mọi hoàn cảnh, mọi việc từ nhỏ đến lớn. Trước mỗi việc, luôn cần xác định mục tiêu và xoay xở nhanh nhạy để đạt được mục tiêu đó. Chẳng hạn, giữa cơn bão giá và khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, mỗi doanh nghiệp cần xác định mục tiêu là duy trì hoạt động, tận dụng cơ hội trong những nguy cơ. Nhờ vậy, doanh nghiệp không bị loay hoay, mất định hướng trước khó khăn, tập trung thực hiện hành động nhằm đạt được mục tiêu.

Hay trong hội nhập phải luôn xác định làm thế nào giữ được cốt cách con người Việt Nam, giữ được phẩm chất của người cán bộ. Khi đặt ra nhiệm vụ trọng tâm đó, mỗi người, mỗi tổ chức sẽ cương quyết loại bỏ việc làm tiêu cực, sai phạm, chỉ hướng đến những gì tốt cho bản thân và xã hội.