Tăng cường sức đề kháng trước thông tin xấu độc trên mạng xã hội

LINH KIỀU 13:08, 24/09/2023

(LĐ online)  - Không gian mạng đã và đang mang lại nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển của xã hội, tổ chức và cá nhân; làm cho con người tương tác đa chiều hơn, phản ánh sinh động hơn mọi mặt của đời sống và các mối quan hệ xã hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro vô cùng nguy hiểm.

Sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng internet và các mạng xã hội đã và đang tạo ra không gian chiến lược mới “không gian mạng” với nhiều thời cơ, vận hội nhưng cũng lắm thách thức đặt ra đối với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các thế lực thù địch và tội phạm hiện nay đang triệt để khai thác không gian mạng như một phương thức, “miền đất hứa” để thực hiện các hoạt động tuyên truyền các luận điệu sai trái, thù địch, tập hợp lực lượng, kích động thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Đáng chú ý, trước đây chúng chủ yếu tung lên mạng các bài viết có tính xuyên tạc, phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng. Hiện nay, chúng đã “thích ứng với thời cuộc”, tung lên mạng những vấn đề rất đời thường, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực để thu hút độc giả. Ví dụ, chúng cắt ghép, sử dụng công nghệ 4.0 để chế các hình ảnh, video, xuyên tạc, bôi nhọ, dựng chuyện tham nhũng không có thật, đời tư nhân sự cấp cao của Đảng liên quan đến một vài cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật. Các đối tượng thường sản xuất chương trình truyền hình, tung lên các mạng xã hội. Sử dụng tối đa các phần tử phản động trong các tổ chức chống đối Việt Nam ở nước ngoài tham gia làm diễn giả với cái gọi là bản tin thời sự “hướng về Việt Nam”. Thực chất là hùa theo, nói xấu Việt Nam, bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa với giọng điệu chống Cộng quyết liệt. Các thế lực thù địch chú trọng đánh vào tâm lý cộng đồng mạng trẻ tuổi ở Việt Nam là thanh, thiếu niên với ngôn ngữ, giọng điệu “rất đời thường”, thậm chí chửi bới thô tục để câu like, comment...

Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số người sử dụng internet cao trên thế giới, hiện có khoảng 70 triệu người sử dụng internet (chiếm khoảng 68% dân số), cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (51,4%) và các nước châu Á-Thái Bình Dương (44,5%). Hiện Việt Nam có khoảng 68 triệu tài khoản mạng xã hội Facebook và 154 triệu thiết bị kết nối internet. Theo tổ chức We are Social, mỗi người dân Việt Nam dành trung bình khoảng 6 giờ 24 phút mỗi ngày để truy cập internet, trong đó, dành khoảng 2,5 giờ để vào mạng xã hội. Tỷ lệ người dân lên mạng internet hàng ngày là 94%.

Có thể thấy, cuộc đấu tranh trên không gian mạng của trận địa tư tưởng tuy thầm lặng nhưng ngày càng khốc liệt hơn. Đối phó, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái trên mạng xã hội là lâu dài và nếu nói đúng ra là không bao giờ ngưng nghỉ. Chúng ta cũng cần khách quan, nhìn nhận nó theo hướng chỉ đối phó, đấu tranh, ngăn chặn để giảm thiểu tác hại của nó chứ không thể tiêu diệt nó một cách triệt để. Vì đây là mưu đồ phá hoại của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, chống phá ta đến cùng. Vì thế, nếu thực hiện giải pháp bóc, gỡ tin này, bài này thì chúng lại tung lên mạng các tin, bài khác. Nhận thức như vậy để thấy, chúng ta trong môi trường thông tin số, “sống chung với lũ”, thích ứng với nó và có giải pháp căn cơ, bền vững, lâu dài là tư duy đúng đắn nhất. Tư duy đó cần phải được cán bộ, đảng viên và Nhân dân với tư cách công dân mạng hiểu đúng, có như vậy, mới giúp chúng ta có chiến lược, có giải pháp khả thi, hữu hiệu để đẩy lùi quan điểm sai trái, thông tin xấu độc.

Chính vì vậy, “vắc xin” chính là cung cấp thông tin chính thống để nâng cao nhận thức, tri thức giúp cộng đồng mạng đủ sức nhận thức, phân biệt đúng-sai, tích cực-tiêu cực, xấu-tốt, từ đó đủ sức đề kháng, dần dần hình thành cơ chế “tự miễn dịch” trước thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch. Đây là chìa khóa căn cơ lâu dài để tăng “sức đề kháng”, “tự miễn dịch” cho công dân mạng, nhất là thanh thiếu niên, là giải pháp bền vững nhất để đẩy lùi, giảm thiểu các tác hại từ các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên mạng xã hội hiện nay.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và hệ thống chính trị tăng cường tuyên truyền, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Tuyên truyền sâu rộng làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.

Phát huy vai trò dẫn dắt, chi phối thông tin chính thống của hệ thống báo chí và mạng xã hội để cộng đồng mạng nâng cao nhận thức, đủ sức “đề kháng” trước các quan điểm sai trái, thù địch. Các cơ quan báo chí cần tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, đa dạng hóa hình thức nhằm cung cấp thường xuyên, một cách có hệ thống cho công chúng thông tin chính thống về chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Giúp cho mỗi công dân mạng nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh; việc xử lý tội phạm trong các vụ đại án tham nhũng thể hiện rõ chủ trương chống tham nhũng không có vùng cấm, bất kỳ người đó là ai.

 Hệ thống các trang mạng xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị cần có định hướng rõ ràng để tạo thế mạnh vào cuộc, tham gia một cách chủ động trong gợi mở, định hướng, dẫn dắt thông tin. Đây là cách tốt nhất để thực hiện phương châm “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây” là chính, nhằm nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy thông tin tích cực để đẩy lùi thông tin tiêu cực, xấu độc, sai trái, thù địch. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân chủ động tiến công, tự giác đấu tranh phản bác đối với các thông tin xấu độc, sai trái, thù địch phát tán trên không gian mạng, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa.