Việc xây dựng các mô hình học tập kết hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm thực hiện cải cách giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao do nền kinh tế tri thức đặt ra. Do vậy, cần tuyên truyền, vận động người lớn tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời dưới mọi hình thức để nâng cao kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Vận động người lớn tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời để nâng cao kiến thức |
Trong những năm gần đây, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và của toàn xã hội. Trong đó, công tác dân vận đã góp phần tích cực, hiệu quả trong tuyên truyền, vận động thực hiện xã hội hóa để mọi người tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Điển hình như việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự học, học thường xuyên, học suốt đời ở người lớn; phối hợp, triển khai xây dựng, phát hiện, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập như Mô hình “Gia đình hiếu học”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ khuyến học”, “Cộng đồng học tập”...
Việc xây dựng các Mô hình “Dân vận khéo” và các hình thức vận động giáo dục đến nay trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, đem lại hiệu quả thiết thực. Mỗi cán bộ, hội viên Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội khuyến học ở các cấp đã làm tốt công tác dân vận, vận động Nhân dân tham gia học tập nâng cao dân trí, nghề nghiệp chuyên môn; đưa khuyến học, khuyến tài gắn với việc phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, đơn vị, cơ sở.
Lâm Đồng là địa phương với nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào nông nghiệp, vì vậy công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được chú trọng nhằm nâng cao kiến thức và tay nghề cho người lao động. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều giải pháp tích cực, trong 5 năm qua (2018 - 2022), toàn tỉnh đã có gần 10.000 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 74%. Đa số học viên sau khi học nghề đã tìm kiếm được việc làm mới hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề. Cùng với việc lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, sau đào tạo đã có hàng ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định đời sống vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 1,94% năm 2022.
Không chỉ lực lượng lao động nông thôn được đào tạo, trang bị những kiến thức cơ bản, nâng cao tay nghề, các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh. Chỉ tính riêng trong năm 2022, đã có trên 29.000 lượt đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh được tham gia các lớp học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, đạt tỷ lệ 42%.
Thực hiện Quyết định số 387/QĐ-TTg, ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021- 2030”, qua 2 năm thực hiện Chương trình, đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có trên 277.000 gia đình học tập, chiếm tỷ lệ 85,38%; 268 dòng họ học tập, chiếm tỷ lệ 52,55%; gần 1.300 cộng đồng học tập, chiếm tỷ lệ 94,73%; 857 đơn vị học tập, tỷ lệ 89,83%.
“Nhu cầu học tập của người lớn ngày càng tăng và đa dạng do yêu cầu ngày càng phát triển của cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đòi hỏi một đội ngũ lao động có trình độ cao, tay nghề giỏi, tác phong công nghiệp và thích ứng với các kỹ năng làm việc theo nhóm. Người lao động ở nông thôn cũng ngày càng đòi hỏi các kỹ năng mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp công nghệ cao.Vì vậy, đội ngũ tri thức nông dân sẽ ra đời và ngày càng phát triển làm thay đổi diện mạo của nông thôn mới theo yêu cầu của cuộc Cách mạng 4.0”, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.
Tuy nhiên, từ trước đến nay ở nước ta sự học của người lớn chưa được quan tâm đúng mức, ngoài giờ lao động chính thức thì rất ít đến người lớn quan tâm đến sự học của mình dưới mọi hình thức để nâng cao kiến thức và cải tạo cuộc sống. Điều này trái ngược với mục tiêu “Nâng cao dân trí, phát triển nhân lực và bồi dưỡng nhân tài”. “Do đó cần phải “Tham mưu tốt, dân vận vận khéo”: Tham mưu cho các cấp ủy đảng và chính quyền ban hành các chủ trương, kế hoạch; dân vận khéo là tuyên truyền, vận động người lớn tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời dưới mọi hình thức như học ở nhà, học ở cơ quan, học ở trường, lớp, ở các Trung tâm học tập cộng đồng… Qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về tầm quan trọng của việc học tập và rèn luyện bản thân, sắp xếp thời gian để học tập, tự học đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số với công việc đang làm, phấn đấu đạt tiêu chí “Công dân học tập, gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập và đơn vị học tập”, thực hiện thành công chủ trương xây dựng xã hội học tập mà nghị quyết của Đảng đề ra”, đồng chí Lê Minh Quang - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin