(LĐ online) - Ngày 20/11, Tỉnh uỷ Lâm Đồng ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 62 ngày 02/10/2023 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 19 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Kế hoạch nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế và cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức.
Theo đó, Tỉnh uỷ Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị, rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, ngày 07/10/2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu được thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành).
Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và mục tiêu phát triển của địa phương. Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý; thu gọn các điểm trường trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân và phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương. Xây dựng kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các trường, lớp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể. Phấn đấu đến năm 2025, giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021.
Rà soát, xây dựng phương án sắp xếp các phòng, ban và tổ chức cấu thành khác thuộc đơn vị sự nghiệp công lập và số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và số lượng cấp phó thuộc đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, ngày 07/10/2020 của Chính phủ.
Tổ chức lại Trung tâm Nông nghiệp thuộc UBND cấp huyện thành đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên có tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và số lượng người hưởng lương từ nguồn thu bảo đảm tối thiểu 15 người.
Rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, nông nghiệp và sự nghiệp khác (như Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng, Trung tâm Nông nghiệp, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Trung tâm Y tế, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên...) trên địa bàn các huyện thuộc đối tượng sắp xếp theo Nghị quyết số 26-NQ/TU, ngày 10/7/2023 của Tỉnh ủy về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (hoàn thành sau khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện).
Phấn đấu đến năm 2025 giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2015 - 2021, đến năm 2030, giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa, trước hết là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở y tế, tổ chức khoa học và công nghệ ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao.
Chuyển đổi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp, kiên quyết chuyển sang cơ chế tự bảo đảm hoàn toàn về tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hóa cao trên cơ sở Nhà nước thực hiện lộ trình bảo đảm kinh phí hoạt động có thời hạn.
Khuyến khích thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, khoa học và công nghệ.
Triển khai thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc danh mục cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh uỷ Lâm Đồng yêu cầu việc rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện từ việc rà soát chức năng, nhiệm vụ của đơn vị gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, đến việc sắp xếp, kiện toàn các phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác gắn với việc sắp xếp, bố trí đội ngũ viên chức phù hợp và đảm bảo chất lượng, số lượng để nâng cao hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy phải được tiến hành khoa học, khách quan, quan tâm đến quyền và lợi ích của đội ngũ viên chức.
Sắp xếp, kiện toàn phải đảm bảo nguyên tắc một đơn vị thực hiện nhiều nhóm chức năng, nhiệm vụ và một nhóm chức năng, nhiệm vụ chỉ giao cho một đơn vị chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính; đồng thời, phù hợp với điều kiện của địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh phân tán, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Mô hình, quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Việc sắp xếp, kiện toàn đơn vị sự nghiệp không được làm tăng thêm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc thành lập mới đơn vị sự nghiệp phải thực hiện đúng nguyên tắc đơn vị sự nghiệp phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin