Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong thực thi nhiệm vụ trên lĩnh vực tư pháp

NGUYỆT THU 17:35, 12/06/2024

(LĐ online) - Ngày 12/6, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm; triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Quang cảnh hội nghị

Đồng chí  Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp chủ trì hội nghị. Tham dự có các đồng chí: K’Mák - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo.

6 tháng đầu năm, Ban Nội chính Tỉnh ủy (Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo) đã chủ động, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm, kịp thời tham mưu ban hành chương trình, kế hoạch, quyết định về công tác của Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp năm 2024; kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp tỉnh; chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác xét xử của Tòa án nhân dân hai cấp,… Các thành viên Ban Chỉ đạo đã theo dõi, đôn đốc các Thành ủy, Huyện ủy, các cơ quan tư pháp triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo đúng kế hoạch đề ra.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đạt hầu hết các chỉ tiêu của ngành dọc cấp trên; các hoạt động bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, thừa phát lại, tư vấn pháp luật từng bước đáp ứng yêu cầu các hoạt động tư pháp ở địa phương.

Đại diện Công an tỉnh nêu những tồn tại, bất cập trong lĩnh vực tư pháp
Đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy báo cáo về kết quả 6 tháng đầu năm

Chất lượng tham gia góp ý xây dựng và hoàn thiện pháp luật được nâng lên. Công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hình sự; giải quyết các tranh chấp và yêu cầu của công dân bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Chất lượng công tác giải quyết tin báo tố giác tội phạm có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động bổ trợ tư pháp từng bước đáp ứng yêu cầu các hoạt động tư pháp ở địa phương. Công tác cải cách hành chính tư pháp, công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp phát huy hiệu quả và có nhiều chuyển biến tích cực.

Bên cạnh kết quả đạt được, 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Ban Chỉ đạo cũng như công tác cải cách tư pháp. Tại hội nghị, các đại biểu đại diện các cơ quan tư pháp đã thẳng thắn trao đổi về những tồn tại, bất cập và đề xuất giải pháp trong cải cách tư pháp như: công tác nhân sự của Tòa án còn thiếu, nhất là Thư kỳ Tòa, trong khi án ngày càng tăng, việc thực hiện xét xử theo phiên tòa trực tuyến còn gặp khó khăn do đôi lúc đường truyền internet không ổn định, ảnh hưởng chất lượng phiên tòa; đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả hơn, đề nghị hỗ trợ  kinh phí cho cơ sở khi thực hiện phiên tòa trực tuyến; công tác giám định tư pháp còn gặp khó khăn; kiến nghị đầu tư trang thiết bị phục vụ ghi âm, ghi hình khi cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ điều tra, xét xử; kiến nghị cần có quy chế tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, nội chính để nâng cao hiệu quả xét xử; tăng cường đôn đốc chỉ đạo cấp huyện, thành phố về quá trình giải quyết các vụ án chưa đạt chất lượng, tỷ lệ án tăng, đơn thư tăng; thiết chế pháp lý hiện đang giảm sâu nhất từ trước đến nay; tình trạng văn bản pháp luật chồng chéo còn xảy ra, đây là một trong những nguyên nhân làm chỉ số CPI của tỉnh giảm; kiến nghị đôn đốc chỉ đạo nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, nhằm củng cố niềm tin của nhân dân, qua đó mới thực hiện được cải cách tư pháp.

Đại diện Tòa án nhân dân tỉnh phát biểu
Đại diện Đoàn Luật sư nêu lên những bất cập về hoạt động tư pháp

Theo phản ánh của Đoàn Luật sư tỉnh, hiện nay tỷ lệ án ngày càng gia tăng, trong đó án hình sự ngày càng nhiều với tình trạng vi phạm mức khung từ 20 năm tù trở lên chiếm tỷ lệ cao, nổi lên chủ yếu vẫn là vi phạm về ma túy, giết người…, vì vậy cần tăng cường tuyên truyền pháp luật nhiều hơn để người dân hiểu luật, nhất là luật mới ban hành; tuyên truyền ở địa bàn trọng điềm có án tăng;  cần tăng cường phối hợp tốt hơn nữa giữa Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Đoàn Luật sư trong thực thi nhiệm vụ. Cần xây dựng cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính; vấn đề thu thập chứng cứ, thu thập thông tin phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử cần siết chặt theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự; nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự và quy chế phối hợp trong thi hành án; tình trạng án tồn còn xảy ra; kiến nghị sớm thành lập tổ chức đảng trong hoạt động hành nghề của luật sư theo chủ trương của Trung ương, Quốc hội…

Đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp phát biểu kết luận  hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Đình Văn ghi nhận sự cố gắng của các thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan tư pháp, nội chính thời gian qua. Đồng chí phân tích, làm rõ thêm một số tồn tại, hạn chế đối với công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh thời gian qua một phần do cấp ủy một số địa phương chưa quan tâm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc trong việc triển khai thực hiện các chỉ đạo của cấp ủy cấp mình và cấp ủy cấp trên về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Trong công tác xét xử vẫn còn có án bị hủy, sửa. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, phiên tòa rút kinh nghiệm đối với các cơ quan tư pháp còn chậm. Công tác giám định, định giá, cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ cho hoạt động điều tra, giải quyết, xét xử và thi hành án một số nơi thực hiện chưa tốt, chất lượng chưa cao. Việc tổ chức thi hành án các vụ án tham nhũng về kinh tế, tín dụng ngân hàng, các vụ án có giá trị lớn cần cưỡng chế còn khó khăn, chưa quyết liệt. Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan tư pháp còn chậm…

 Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đình Văn đề nghị các cơ quan, đơn vị cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm, có kết quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên, xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động bổ trợ tư pháp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở. Tăng cường việc kiểm tra, kiểm sát, rà soát, bảo đảm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh; kéo giảm án tồn đọng, kéo dài. Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong thực thi nhiệm vụ. Tăng cường công tác quản lý giám định tư pháp và đội ngũ giám định viên tư pháp; chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Đồng chí đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực tư pháp. Thực hiện tốt công tác quản lý giám định tư pháp và đội ngũ giám định viên tư pháp; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ của các cơ quan tư pháp. Đồng chí giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẩn trương tham mưu thành lập tổ chức đảng của Đoàn Luật sư; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của tỉnh và các ngành, địa phương; qua đó góp phần tạo chuyển biến thực sự trong thực thi nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp và nhiệm vụ cải cách tư pháp của địa phương.