Chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất

LỆ THỦY 06:00, 11/07/2024

Vừa trải qua một mùa khô hạn gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống của người dân, Lâm Đồng lại đang bước vào mùa mưa bão với nhiều nỗi lo, đòi hỏi sự vào cuộc chủ động, tích cực, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội.

Với địa hình đồi dốc và nhiều sông, suối, mùa mưa bão hàng năm, Lâm Đồng phải đối mặt với nguy cơ về lũ quét, ngập lụt và sạt lở đất. Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 trận mưa lớn, 1 trận mưa đá, 6 trận lốc xoáy, 7 vụ sạt lở đất nghiêm trọng... Hậu quả, làm 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương; hư hỏng, thiệt hại 236 căn nhà, 7 cầu dân sinh, 2 điểm trường, 4 công trình thủy lợi, 336 ha cây trồng; gây ngập úng cục bộ tại một số nơi trên địa bàn TP Đà Lạt, Bảo Lộc; huyện Đạ Huoai, Lâm Hà... Tổng thiệt hại khoảng trên 70 tỷ đồng. Đặc biệt, trong tháng 6 và tháng 7/2023, do lượng mưa lớn, kéo dài làm nền đất yếu, gây một số vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Đáng chú ý là các vụ sạt lở đất tại Phường 10, TP Đà Lạt; đèo Bảo Lộc; sụt lún đất tại hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà.

Trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn cũng xảy ra 2 đợt mưa lớn kèm lốc xoáy gây thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, những tháng cuối năm, thiên tai sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường, có thể xảy ra bão, lũ dồn dập do tác động của hiện tượng La Nina. Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, cả nước nói chung, trong đó có Lâm Đồng, cần rà soát kế hoạch, phương án và chủ động bố trí nguồn lực để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Trong đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai của các cấp, các ngành, lực lượng phòng, chống thiên tai từ tỉnh đến cơ sở...

Nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (sẵn sàng chủ động phòng tránh, sẵn sàng đối phó kịp thời và sẵn sàng khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân.

Bên cạnh đó, tổ chức rà soát những khu vực có nguy cơ xảy ra các loại hình thiên tai, nhất là có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt… để có phương án ứng phó, cảnh báo nhằm tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.