MTTQ các cấp ở Lâm Đồng tiếp tục phát huy vai trò của những người đứng đầu, trong đó phải chú trọng đến đội ngũ cán bộ là người DTTS, người có uy tín; tiếp tục tăng cường, củng cố hoạt động của bộ máy mặt trận cấp cơ sở, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS…
Sáng 26/8, tại TP Đà Lạt, Đoàn công tác Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do đồng chí Vũ Trọng Kim - UVTƯ Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBMTTQ Việt Nam tỉnh về công tác tổ chức bộ máy cán bộ mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Vũ Trọng Kim - UVTƯ Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
Tham dự có đồng chí Phạm Kim Khang - UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành và lãnh đạo mặt trận các địa phương.
Theo báo cáo, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh hiện có 6 thành viên và 24 biên chế; cấp huyện có 12 UBMTTQ huyện, thành phố, trong đó Ban Thường trực có từ 3 - 5 người, biên chế từ 7 - 9 người; cấp xã có 148 UBMTTQ xã, phường, thị trấn và toàn tỉnh có trên 1.560 Ban Công tác mặt trận.
Trong những năm qua, Ban Thường trực UBMTTQ các cấp thường xuyên được củng cố, tăng cường, đảm bảo về số lượng các chức danh; Mặt trận các cấp đều có kinh nghiệm trong công tác Đảng, chính quyền và công tác vận động quần chúng; có uy tín, được sự ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Cán bộ mặt trận làm nhiệm vụ chuyên trách các cấp từng bước được trẻ hóa, chuẩn hóa về trình độ, được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và tâm huyết với công việc.
Có thể nói, MTTQ các cấp thường xuyên tăng cường đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thể hiện rõ vai trò mặt trận trong hệ thống chính trị, trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, trong công tác đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; góp phần ổn định chính trị, phát triển KT-XH, đoàn kết dân tộc tại địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn một số tồn tại cần sớm tháo gỡ như đội ngũ cán bộ MTTQ ở cấp huyện, cấp xã còn thiếu ổn định, thường thay đổi do yêu cầu công tác cán bộ của địa phương; trình độ năng lực cán bộ mặt trận vùng DTTS còn hạn chế, chưa đồng đều; chi phí hỗ trợ chưa phù hợp…
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Đoàn công tác, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại diện các sở, ban, ngành cũng như sự nỗ lực của MTTQ tỉnh. Mặc dù hoạt động ở địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các hoạt động của đội ngũ MTTQ các cấp ở Lâm Đồng đã linh động, sáng tạo cùng với các ban, ngành và các địa phương chung tay thực hiện tốt nhiều phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; tạo sự đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, cơ cấu, bộ máy hoạt động của hệ thống MTTQ được củng cố, kiện toàn; đội ngũ làm cán bộ công tác mặt trận được trẻ hóa, có tâm huyết với công việc.
Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, khảo sát lần này là nhằm đánh giá tình hình hoạt động của “bộ máy” và tổ chức cán bộ của Mặt trận các cấp từ Trung ương đến cơ sở, qua đó để hoạch định xây dựng Đề án phát triển đến năm 2020, nhằm đáp ứng yêu cầu phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới, nhất là công tác giám sát và phản biện một cách khoa học, hợp lý. Chính vì vậy, đồng chí cũng lưu ý, trong thời gian tới, MTTQ các cấp ở Lâm Đồng tiếp tục phát huy vai trò của những người đứng đầu, trong đó phải chú trọng đến đội ngũ cán bộ là người DTTS, người có uy tín; tiếp tục tăng cường, củng cố hoạt động của bộ máy mặt trận cấp cơ sở, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS; phải làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền; đồng thời chú trọng công tác giám sát và phản biện xã hội.
THỤY TRANG