Đọc lại thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam

08:04, 19/04/2016

Cách đây 70 năm, vào ngày 19/4/1946, tại Pleiku, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số miền Nam (DTTSMN) đã diễn ra trong không khí hết sức đầm ấm. Lần đầu tiên đại biểu các dân tộc đã về đây tụ hội, nhằm biểu dương tình đoàn kết gắn bó của những người cùng chung một nước. 

Cách đây 70 năm, vào ngày 19/4/1946, tại Pleiku, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số miền Nam (DTTSMN) đã diễn ra trong không khí hết sức đầm ấm. Lần đầu tiên đại biểu các dân tộc đã về đây tụ hội, nhằm biểu dương tình đoàn kết gắn bó của những người cùng chung một nước. Đại hội nhận được sự quan tâm và những tình cảm hết sức đặc biệt của Bác Hồ kính yêu thông qua bức thư đầy tình nghĩa gửi Đại hội.
 
Năm 1946, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Tình thế cách mạng Việt Nam lúc này như “Ngàn cân treo sợi tóc”. Trong bối cảnh ấy, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, trước khi diễn ra Đại hội các DTTSMN, tại Hà Nội cũng đã diễn ra Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc (3/12/1945). Đại hội các DTTSMN tại Pleiku diễn ra theo kế hoạch. Do phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đối phó tình thế cách mạnh “nước sôi lửa bỏng” nên Hồ Chủ tịch không thể vào dự, mà có thư gửi động viên, khích lệ đồng bào các DTTSMN. Dù biết bao cách trở, khó khăn nhưng bức thư của Bác đã đến kịp để đọc lên cho tất cả đại biểu cùng nghe. Bức thư đã trở thành lời hiệu triệu khích lệ hàng triệu con tim quyết tâm bảo vệ đất nước.
 
Chưa đầy 300 chữ nhưng với cách diễn đạt xúc tích, bức thư hàm chứa nội dung phong phú và sâu sắc. Trước hết, Bác bộc lộ tình cảm của mình với đồng bào: “Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào”. Bức thư khẳng định và nhấn mạnh đến cội nguồn dân tộc và tình cảm, tình đoàn kết gắn bó keo sơn như anh em một nhà: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt: Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. 
 
Trong thư, Bác vạch rõ âm mưu thâm độc của bè lũ thực dân, phong kiến: “Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu giây liên lạc, hai là vì có kẻ xui giục để chia rẽ chúng ta”. Đồng thời khẳng định: “Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ” để sǎn sóc cho tất cả các đồng bào”. Qua đó, Người kêu gọi đồng bào các dân tộc “phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”.
 
Kết thúc bức thư, Bác khẳng định một sự thật hiển nhiên và sự quyết tâm sắt đá: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.
 
Trong Thư gửi Đại hội Đại biểu DTTSMN, Bác Hồ đã khéo léo sử dụng cấu trúc câu nhiều vế, giữa các vế liên hoàn chặt chẽ, lô gic và dồn dập bổ sung ý nghĩa cho nhau, kết hợp với lối diễn đạt chân thành, mộc mạc nhưng rất hùng hồn; lý lẽ, cách lập luận sự việc đơn giản, chặt chẽ… nhằm mục đích là khẳng định một sự thật hiển nhiên, quy luật bất di bất dịch và quyết tâm chung: “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”. 
 
Nội dung Thư cho thấy đồng bào các DTTS luôn là đối tượng được Bác quan tâm, chăm sóc, động viên và ân cần chỉ bảo; tình cảm của Bác với đồng bào hết sức chân thành, sâu sắc và đầy thuyết phục. Trong thư, 5 lần Bác nhắc đến từ “đồng bào” và mỗi lần nhắc lại từ “đồng bào” là Bác một lần nhắc đến nguồn gốc các dân tộc Việt Nam, qua đó kêu gọi quyết tâm giữ vững tình đoàn kết.
 
Sinh thời, Bác Hồ đau đáu nhớ về miền Nam nói chung, đồng bào Tây Nguyên nói riêng; thường xuyên theo dõi tình hình, động viên, nhắc nhở những người con của núi rừng Tây Nguyên; vui mừng, phấn khởi vì đồng bào Tây Nguyên đã “già trẻ, gái trai, Kinh, Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua diệt giặc, lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được những thành tích to lớn, cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. 
 
Tấm lòng của Bác đã truyền thêm sức mạnh, ý chí và niềm tin cho đồng bào Tây Nguyên và đồng bào Tây Nguyên đã đáp lại ân tình của Bác bằng niềm tin yêu son sắt, lòng biết ơn và kính trọng sâu sắc; từ đó siết chặt tình đoàn kết đứng lên làm cách mạng, chiến đấu một mất một còn với kẻ thù để giữ lấy từng tấc đất của buôn làng thân yêu. 
 
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975 và nhất là trong 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn tin tưởng vào tình đoàn kết giữa các dân tộc; quan tâm đến những vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số; đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS. Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên luôn đoàn kết một lòng, lao động cần cù, sáng tạo và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, truyền thống anh hùng của Tây Nguyên; đời sống đồng bào các dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn... Đặc biệt với một địa bàn chiến lược quan trọng, lại có nhiều dân tộc, tôn giáo nên Tây Nguyên luôn là tâm điểm chống phá của các thế lực thù địch trong nước và ngoài nước. Mục đích của chúng là chia rẽ khối đoàn kết giữa các dân tộc, chia tách Tây Nguyên khỏi cộng đồng các dân tộc Việt Nam, muốn lập nên nhà nước Đề ga tự trị… Trước tình hình đó, đồng bào Tây Nguyên hơn bao giờ hết phải khắc sâu lời dạy của Bác, đoàn kết một lòng đi theo Đảng, cảnh giác trước âm mưu và thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, không nghe theo sự lôi kéo, xúi giục của kẻ xấu, kiên quyết đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Trước sau như một - Tây Nguyên mãi mãi là một phần không thể thiếu của đất nước Việt Nam như lòng dân Tây Nguyên một lòng son sắt đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn; quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước phát triển toàn diện, bền vững trong xu thế hội nhập và phát triển...
 
Bác Hồ đã đi xa, nhưng tấm lòng và sự quan tâm của Người đối với Tây Nguyên và ngược lại, tấm lòng kính yêu vô hạn của đồng bào Tây Nguyên đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn sâu đậm mãi. Luôn hướng về Người, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, cùng với thời gian, được sự quan tâm của Trung ương và của nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, kiên trung, bất khuất nguyện cùng với cộng đồng các dân tộc Việt Nam thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.
 
VĂN NHÂN