Để phát huy vai trò đảng viên xuất ngũ

06:11, 26/11/2019

Tuyển chọn đảng viên nhập ngũ là chủ trương có ý nghĩa thực tiễn nhằm tăng cường chất lượng chính trị cho các đơn vị lực lượng vũ trang...

Tuyển chọn đảng viên nhập ngũ là chủ trương có ý nghĩa thực tiễn nhằm tăng cường chất lượng chính trị cho các đơn vị lực lượng vũ trang. Đồng thời, đó cũng là nguồn cung cấp cán bộ đã qua thử thách rèn luyện trong quân đội cho hệ thống chính trị ở địa phương khi đội ngũ chiến sỹ, hạ sỹ quan hoàn thành nhiệm vụ, xuất ngũ trở về địa phương.
 
Suốt 3 năm qua, Lâm Đồng luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu gọi đảng viên nhập ngũ. Ảnh: N.Ngà
Suốt 3 năm qua, Lâm Đồng luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu gọi đảng viên nhập ngũ. Ảnh: N.Ngà
 
Tăng lực lượng đảng viên nhập ngũ
 
Từ năm 2017-2019, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh đều có chỉ thị lãnh đạo thực hiện công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Đồng thời giao chỉ tiêu đảng viên nhập ngũ sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Các địa phương đã tiến hành chặt chẽ góp phần nâng cao chất lượng tuyển quân hằng năm. Chất lượng đảng viên nhập ngũ được bảo đảm, nhất là tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, trình độ học vấn. Trước khi nhập ngũ, các địa phương có kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục về chính trị, pháp luật và về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng. Đảng viên có trình độ văn hóa tốt nghiệp phổ thông trung học, trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học được nâng lên, thuận lợi cho việc phát triển phục vụ lâu dài trong Quân đội và sử dụng khi xuất ngũ về địa phương.
 
Do đó, suốt 3 năm qua Lâm Đồng luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu gọi đảng viên nhập ngũ. Trong tổng số 2.951 thanh niên lên đường nhập ngũ có 140 đảng viên, đạt tỷ lệ 4,74%. Có 128 đồng chí kết nạp trên 6 tháng, đạt tỷ lệ 4,34%. 100% đảng viên có đơn tình nguyện phục vụ lâu dài trong quân đội.
 
Số liệu thống kê từ Bộ CHQS tỉnh cho thấy, 3 năm qua toàn đảng bộ kết nạp được 54 đảng viên. Trong đó, đảng viên là hạ sỹ quan, binh sỹ 25 đồng chí. Theo đánh giá của đơn vị này, được rèn luyện trong môi trường có tính kỷ luật cao nên khi về với cuộc sống thường nhật, đảng viên là quân nhân xuất ngũ thường có trách nhiệm cao và tác phong làm việc nhanh nhẹn. Thêm nữa, được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương nên nhiều người tiếp tục khẳng định được bản lĩnh người đảng viên - chiến sĩ, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực đóng góp, tham gia công tác trong hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
 
Ghi nhận tại huyện Đam Rông từ năm 2017 - 2019 có 127 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 9 đảng viên. Bà Đa Cắt K’Hương - Phó Bí thư Huyện ủy nói: 3 năm qua, trên địa bàn huyện có 10 đảng viên xuất ngũ trở về địa phương được bố trí vào lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên. Đảng viên là hạ sỹ quan, chiến sỹ hoàn thành nghĩa vụ trở về được địa phương bố trí, sắp xếp vào các công việc hợp lý, phù hợp với trình độ, khả năng của các đảng viên. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn hiện đang thực hiện tinh giản biên chế nên việc bố trí, sắp xếp công việc cho lực lượng này khó khăn hơn rất nhiều. 
 
Còn ở huyện Lạc Dương, giai đoạn này có 9 đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Trong đó có 1 đảng viên được cử đi đào tạo sĩ quan dự bị, 1 đảng viên theo học ngành hàng hải, 1 đảng viên được bố trí làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã và 6 đảng viên tham gia lực lượng dự bị động viên. Tuy nhiên, đa phần các đảng viên này đều không có nghiệp vụ chuyên môn. Đồng thời đội ngũ biên chế ở các cơ sở đã được kiện toàn nên rất khó sắp xếp đội ngũ này vào hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, bản thân các đảng viên mong muốn làm việc trong hệ thống chính trị ở địa phương không nhiều. Họ quan tâm nhiều hơn tới phát triển kinh tế. Bởi vậy huyện Lạc Dương đã đưa ra phương án để tất cả các đảng viên đều được tư vấn, giới thiệu việc làm và tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, ông Đinh Quang Trung - Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Lạc Dương cho biết.
 
Nhiều vấn đề đặt ra trong phát huy vai trò đảng viên xuất ngũ
 
Từ năm 2017-2019, các địa phương trong tỉnh đã tiếp nhận 263 đảng viên xuất ngũ về địa phương; sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên 129 đồng chí, đạt 49,05%; sắp xếp vào đơn vị dân quân 27 đồng chí, đạt 10,27%; giới thiệu tham gia vào hệ thống chính trị tại địa phương 67 đồng chí, đạt 25,48%; làm việc tại các công ty, xí nghiệp 14 đồng chí, đạt 5,3%.
 
Tuy vậy vẫn còn một số đảng viên xuất ngũ về địa phương không thường xuyên tham gia sinh hoạt Đảng. Trong đó có 8 trường hợp đảng viên xuất ngũ về địa phương không còn sinh hoạt Đảng, chiếm 3,04% (bỏ sinh hoạt Đảng 5, vi phạm pháp luật 1, xin ra khỏi Đảng 2).
 
Đơn cử như tại huyện Đức Trọng, từ năm 2017 đến nay có 36 đảng viên là hạ sỹ quan, chiến sỹ xuất ngũ trở về. Địa phương này đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương giúp đỡ, động viên các địa phương tiếp tục rèn luyện, học tập giữ vững tư cách đảng viên. Đồng thời có kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng này, sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên, định hướng nghề nghiệp thông qua đào tạo nghề, đào tạo, bố trí sử dụng vào ban chỉ huy quân sự, tạo nguồn cho địa phương. Tuy vậy một số đảng viên bỏ sinh hoạt, vi phạm điều lệ Đảng nên bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên. Một số khác đi làm ăn xa nên công tác quản lý cũng gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đặt ra cho Huyện ủy Đức Trọng nhiều nhiệm vụ nhằm sử dụng có hiệu quả lực lượng đảng viên này. 
 
Có nhiều nguyên nhân liên quan đến vấn đề nêu trên. Song quan trọng nhất vẫn liên quan tới kinh tế, việc làm và đời sống của các cá nhân. Bởi việc sắp xếp tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho đảng viên xuất ngũ của một số địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức nên chưa thực sự tạo động cơ phấn đấu cho đảng viên trước khi nhập ngũ và sau khi xuất ngũ.
 
Những vấn đề đặt ra trong việc phát huy vai trò đội ngũ đảng viên sau khi xuất ngũ trở về địa phương đã ảnh hưởng nhất định đến sự lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội ở các đảng bộ, chi bộ địa phương, ảnh hưởng gián tiếp đến công tác tạo nguồn phát triển đảng viên và chất lượng kết nạp đảng viên nhập ngũ tại các đơn vị, tổ chức đảng. Để khắc phục tình trạng đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ trở về địa phương vi phạm điều lệ Đảng phải bị xử lý kỷ luật theo hình thức xóa tên hoặc tự làm đơn xin ra khỏi Đảng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó trọng tâm là những nhiệm vụ như sàng lọc ngay đầu vào để chọn đảng viên có bản lĩnh chính trị và trình độ học vấn tốt nghiệp THPT trở lên nhập ngũ. Cần chú trọng việc đón nhận, quản lý và giao nhiệm vụ cho đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ trở về địa phương; gặp gỡ, động viên các đảng viên đang học nghề tại các trường trong và ngoài quân đội; quan tâm tạo việc làm; hỗ trợ vay vốn để đảng viên phát triển kinh tế gia đình.Có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đảng viên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, từ đó bố trí, sử dụng lâu dài trong cơ quan Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, nhằm góp phần tạo nguồn cán bộ trẻ và xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương. Thắt chặt quản lý, hướng dẫn kỹ cho các đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú, làm việc lưu động… để thực sự giữ chân và phát huy hết năng lực, trách nhiệm của đội ngũ này. Đồng thời xây dựng chất lượng đội ngũ đảng viên trẻ kế tiếp cho sự phát triển của địa phương.
 
NGỌC NGÀ