(LĐ online) - Ngày 22/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tiếp tục ngày làm việc thứ 3 để tiến hành thảo luận các dự án luật dưới hình thức trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội đến 63 điểm cầu trên toàn quốc.
(LĐ online) - Ngày 22/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tiếp tục ngày làm việc thứ 3 để tiến hành thảo luận các dự án luật dưới hình thức trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội đến 63 điểm cầu trên toàn quốc.
|
Các ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng và các sở, ngành của tỉnh tham dự trực tuyến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV |
Phía đầu cầu Lâm Đồng, tham dự kỳ họp có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo, ĐBQH K’Nhiễu và đại diện các sở, ngành liên quan.
Buổi sáng, các đại biểu đã được nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Trong năm 2019, Quốc hội đã xem xét, thông qua 18 luật, 03 nghị quyết và cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 03 nghị quyết về điều chỉnh chương trình năm 2019.
Các đại biểu đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều ý kiến nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như đề nghị của Chính phủ. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị sửa đổi thêm một số nội dung về lập chương trình, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Các ĐBQH tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các ý kiến góp ý tại kỳ họp được cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề ĐBQH đã nêu, trên cơ sở để tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể hơn để trong thời gian tới bổ sung, nhằm hoàn thiện các quy định trước khi trình quốc hội xem xét, ban hành.
Trước đó, chiều 21/5, các đại biểu tiến hành thảo luận về Dự án Luật Giám định Tư pháp. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về phạm vi sửa đổi của dự thảo luật, theo đó, chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong giám định tư pháp theo vụ việc, nhằm phục vụ hiệu quả việc xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng. Có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi để phân định thẩm quyền giám định pháp y tử thi giữa ngành y tế và ngành công an; mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp ở một số lĩnh vực có nhu cầu lớn như: Giám định ADN, giám định tài liệu, giám định số khung, số máy xe cơ giới…; có ý kiến đề nghị mở rộng hơn quyền yêu cầu trực tiếp giám định tư pháp để tăng khả năng cho đương sự trong việc thu thập chứng cứ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp thu các ý kiến góp ý dự thảo luật và giải trình thêm một số vấn đề liên quan. Về việc thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Bộ trưởng cho biết nội dung này thiết kế theo đề xuất của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Viện đã có báo cáo đánh giá tác động gửi kèm hồ sơ Dự án Luật.
Theo Bộ trưởng, quy định này là cần thiết để đẩy nhanh quá trình giám định, và chỉ thành lập tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với phạm vi giám định về âm thanh, hình ảnh. Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, việc thành lập này không phình bộ máy, nếu có chỉ nhỉnh hơn một chút; đồng thời khả năng chi phí mua máy móc, thiết bị không cần dùng đến kinh phí ngân sách mà đã có một dự án đầu tư cho vấn đề này.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ đối với một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của các đại biểu đã đóng góp, các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp thu một cách tối đa, rà soát toàn bộ để hoàn thiện dự án luật, đảm bảo cho việc tiến hành biểu quyết thông qua
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã tiếp thu các ý kiến góp ý, tranh luận của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp tiếp thu các ý kiến tâm huyết tại kỳ họp và tiếp tục bổ sung, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét quyết định vào ngày 10/6 tới.
NGUYỆT THU