Thảo luận trực tuyến về các Dự án luật Biên phòng Việt Nam, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

02:05, 21/05/2020

(LĐ online) - Ngày 21/5/2020, ngày làm việc thứ hai của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 cũng diễn ra dưới hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

(LĐ online) - Ngày 21/5/2020, ngày làm việc thứ hai của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 cũng diễn ra dưới hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
 
Các ĐBQH tham dự trực tuyến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tại đầu cầu Lâm Đồng
Đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng khóa XIV và đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham dự kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tại đầu cầu Lâm Đồng
 
Tham dự đầu cầu Lâm Đồng có Phó Bí thư Tỉnh ủy -Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Đoàn ĐBQH Đoàn Văn Việt, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Nguyễn Tạo, ĐBQH K’Nhiễu và các sở ngành liên quan. 
 
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). 
 
Thảo luận tại phiên họp toàn thể, các đại biểu tại hội trường từ Hà Nội và từ điểm cầu các tỉnh đều bày tỏ nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp.
 
Một số đại biểu cũng nêu hiện đang có tình trạng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh rất lớn, nhưng thực tế số doanh nghiệp đang hoạt động lại ít hơn nhiều. Do vậy, dự thảo Luật cũng cần có các quy định về quản lý, thanh tra cho phù hợp.
 
Đối với mẫu dấu và con dấu của doanh nghiệp được nhắc đến trong dự thảo luật, các đại biểu cơ bản thống nhất với phương án bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Các đại biểu đều cho rằng, việc bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
 
Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các đại biểu Quốc hội còn ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gửi văn bản cho góp ý cho Ban Thư ký. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp hôm nay, cũng như các ý kiến góp ý gửi về, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban thẩm tra tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
 
Buổi Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. 
 
Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. 
 
N.THU