Tự hào 76 năm

05:12, 22/12/2020

Thấm thoắt đã 76 năm trôi qua, kể từ ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập...

Thấm thoắt đã 76 năm trôi qua, kể từ ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập. Chúng ta mãi tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về Quân đội Nhân dân Việt Nam - đội quân bách chiến, bách thắng.
 
Đại tá Nguyễn Bình Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (ngoài cùng bên trái) cùng đoàn công tác thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang Hoàng Đình Kiền (thứ hai từ trái sang) tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà
Đại tá Nguyễn Bình Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (ngoài cùng bên trái) cùng đoàn công tác thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang Hoàng Đình Kiền (thứ hai từ trái sang) tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà
 
Càng tiến gần tới mốc cuối năm 2020 với những thành tựu to lớn nhưng không ít khó khăn và thách thức, chúng ta lại càng thêm tưởng nhớ và tỏ lòng kính yêu, biết ơn vô hạn tới Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người cha kính yêu của các lực lượng vũ trang (LLVT) Nhân dân Việt Nam. Chúng ta tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chúng ta tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, các gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh và nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã cống hiến xương máu, sức lực, trí tuệ để tô thắm nên truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đó là cảm tưởng của bao thế hệ tướng lĩnh, anh hùng, cán bộ, chiến sĩ LLVT và của toàn dân ta. 
 
Lịch sử ghi dấu trong phong trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh, từ lực lượng khởi nghĩa của công nông, Đội tự vệ công nông (hay còn gọi là Tự vệ Đỏ) đã ra đời. Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, trong phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, các tổ chức vũ trang lần lượt được thành lập như: Đội du kích Bắc Sơn, du kích Nam Kỳ, Cứu quốc quân... Phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và sự trưởng thành, đòi hỏi cách mạng Việt Nam phải có một đội quân chủ lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc. Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đội gồm 34 cán bộ, chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên. Đội có chi bộ Đảng lãnh đạo. 
 
Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng (tháng 4/1945) đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang trên cả nước (Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang khác), thành lập Việt Nam Giải phóng quân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (năm 1946), đến năm 1950 được đổi tên là Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 22/12/1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
 
Đội Tuyên truyền xung kích lực lượng vũ trang tỉnh biểu diễn văn nghệ phục vụ các dịp sinh hoạt chính trị của lực lượng vũ trang và bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Chính Thành
Đội Tuyên truyền xung kích lực lượng vũ trang tỉnh biểu diễn văn nghệ phục vụ các dịp sinh hoạt chính trị của lực lượng vũ trang và bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Chính Thành
 
Ngay sau ngày thành lập, ngày 25 và 26/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đánh thắng hai trận đầu (Phai Khắt, Nà Ngần), mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt cùng toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cùng với những chiến thắng oanh liệt gắn liền các địa danh lịch sử nổi tiếng như: Điện Biên Phủ; Hà Nội 12 ngày đêm - Điện Biên Phủ trên không; Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với các địa danh: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, Phước Long, Sài Gòn - Gia Định... gắn với những chiến công vang dội “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp đó, cùng toàn dân giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia và trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, mãi mãi là niềm tự hào của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. 
 
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh cách mạng, Quân đội ta thực sự là đội quân cách mạng, mang bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc; tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Tổ quốc, với Nhân dân, luôn vì Nhân dân mà chiến đấu. Chính vì thế, 76 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Quân đội ta đã thực sự là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, lập nên nhiều chiến công hiển hách trong các cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. 
 
Đại tá Nguyễn Bình Sơn - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ghi nhận: Để góp phần làm nên những chiến công vang dội đó, đã có nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta ở khắp mọi miền Tổ quốc đã mưu trí, sáng tạo, quyết đoán trong chỉ huy; dũng cảm trong chiến đấu; nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh hoặc đã để lại một phần thân thể của mình trên chiến trường. Trong thời chiến, các đồng chí là những người lãnh đạo, chỉ huy mưu trí, tài ba, thao lược; trong thời bình, các đồng chí là những người tiên phong, gương mẫu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước; là chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền, Nhân dân và LLVT địa phương. Góp phần tô thắm thêm vẻ đẹp và truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng dân.
 
Hòa chung với thành tựu đó, trong năm 2020, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao.
 
Thực hiện tốt hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo” tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông. Tổ chức gặp mặt già làng, trưởng thôn, chức sắc các tôn giáo tiêu biểu nhân dịp Xuân Canh Tý; tổ chức “Tết quân dân - Xuân chiến sỹ” tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương; thực hiện có hiệu quả phong trào “LLVT tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”; làm dân vận tập trung tại xã Gia Bắc, huyện Di Linh; xây tặng sân bóng đá mini tại Giáo xứ Thượng Thanh (tại xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc); với tổng số tiền tổ chức các hoạt động trị giá hơn 4,5 tỉ đồng. Xây tặng 17 căn nhà “Tình nghĩa quân - dân”, 1 căn nhà tình nghĩa, 1 căn nhà đồng đội, với tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng cho các đối tượng là gia đình chính sách, cán bộ quân đội đang công tác và bà con nhân dân theo các tôn giáo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh làm tốt công tác dân vận giúp đỡ hân dân tại địa phương, với hàng nghìn ngày công.
 
Bên cạnh đó, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quan tâm chăm lo chính sách hậu phương Quân đội. Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chính sách tận tình, chu đáo; chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng với tổng số tiền 3.450.269.000 đồng. Tiếp tục phụng dưỡng 9 Mẹ Việt Nam anh hùng với số tiền 1.400.000 đồng/mẹ/tháng; thăm và tặng quà các đối tượng nhân dịp lễ, tết với số tiền hơn 1 tỉ đồng. Qua đó, góp phần làm sâu sắc hơn ý nghĩa của hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, mãi ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc hôm nay, động viên tinh thần, chia sẻ, giúp đỡ các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
 
HÀ NGUYỆT