(LĐ online) - Sáng 29/10, Quốc hội tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ 10, kỳ họp thứ hai để thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
(LĐ online) - Sáng 29/10, Quốc hội tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ 10, kỳ họp thứ hai để thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
|
Đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chủ trì phiên họp tại đầu cầu Lâm Đồng |
Tại điểm cầu Lâm Đồng, tham dự có đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, các ĐBQH K’Nhiễu, Trịnh Thị Tú Anh và đại diện Bảo hiểm Xã hội tỉnh, đại diệ Công ty Bảo hiểm Pjico, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Bảo Minh.
Dự thảo Luật được trình Quốc hội lấy ý kiến góp ý, sửa đổi nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế.
Đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu. Bố cục của dự thảo Luật gồm 8 chương, 156 điều (sửa đổi 81 điều, bổ sung 58 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 17 điều so với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành). Các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiếp pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần bố cục lại một số chương, mục của dự thảo Luật cho hợp lý hơn. Cần có quy định về bảo mật thông tin cá nhân, xã hội hóa kinh doanh bảo hiểm nên giao Bộ Tài chính, quy định cung cấp dịch vụ sản phẩm bảo hiểm trên không gian mạng…
|
Các đại biểu tham dự chương trình làm việc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV tại điểm cầu Lâm Đồng ngày 29/10 |
Tham gia phát biểu trực tiếp tại hội trường Ba Đình (Hà Nội) về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Lâm Văn Đoan – Đoàn ĐBQH Lâm Đồng kỳ vọng, việc sửa đổi luật lần này sẽ tạo cú hích cho thị trường thương mại bảo hiểm của nước ta trong thời gian tới. Đại biểu cũng cho ý kiến liên quan đến việc phát triển bảo hiểm vi mô.
Đại biểu Lâm Văn Đoan cho rằng, Luât kinh doanh bảo hiểm hiện hành không có quy định về bảo hiểm vi mô, chỉ có quy định áp dụng chung cho các sản phẩm bảo hiểm thông thường. Do đó, đại biểu nhất trí với sự cần thiết của những quy định trong dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) liên quan đến vấn đề bảo hiểm vi mô. Việc tham gia bảo hiểm vi mô hiện cũng đang khó khăn, so với lợi nhuận từ việc kinh doanh bảo hiểm thương mại thì tỷ lệ lợi nhuận bảo hiểm vi mô mang lại rất nhỏ, chiếm tỷ lệ thấp. Theo đại biểu, bảo hiểm vi mô chưa phát triển do mức chi phí cao, hiệu quả thấp và việc kinh doanh bảo hiểm của các tổ chức chính trị, xã hội tuy góp phần mang lại thu nhập cho các hội viên, nhưng vẫn mang tính chất tạm thời và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không có các quy định pháp lý tương ứng.
Bên cạnh đó, nhà nước chưa có chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển bảo hiểm vi mô trong khi mục đích an sinh xã hội là rất lớn, khách hàng chủ yếu là người có thu nhập thấp, người nghèo, người cận nghèo, người ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia. Đại biểu cho biết, năm 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội ở Việt Nam chiếm khoảng 32,8% lực lượng lao động, còn lại khoảng 67% lực lượng lao động trong độ tuổi chưa tham gia bảo hiểm, ước khoảng 35 triệu người. Đây là thị trường tiềm năng cho bảo hiểm vi mô phát triển.
Theo đại biểu, từ kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cũng cho thấy, việc phát triển bảo hiểm vi mô nói riêng và tài chính toàn diện nói chung là giải pháp cải thiện đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp... Do đó, hầu hết các nước đang phát triển ở các khu vực châu Á, Mỹ Latinh đều triển khai các loại hình bảo hiểm vi mô với tỷ lệ nhất định dân số tham gia, ví dụ như: Thái Lan 14%, Philipines 2%, một số nước khác từ 10% - 15%.
|
Đại biểu Lâm Văn Đoan – Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia góp ý trực tiếp tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) |
Đại biểu Lâm Văn Đoan kiến nghị, trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần quan tâm đến việc phát triển tổ chức, chương trình, dự án bảo hiểm vi mô hoạt động an toàn, bền vững, hiệu quả; hướng tới mục tiêu người nghèo, người cận nghèo, người có thu nhập thấp... phù hợp với mục tiêu, chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Đối với các quy định khả thi, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tham vấn, lấy ý kiến, đối thoại trực tiếp với các công ty bảo hiểm, các tổ chức bảo hiểm nước ngoài, các tổ chức bảo hiểm Việt Nam và tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội có nhu cầu tham gia kinh doanh bảo hiểm vi mô để tìm hiểu, phân tích nhu cầu, các khó khăn, rào cản trong việc thực hiện các sản phẩm bảo hiểm vi mô để từ đó xây dựng một khung pháp lý phù hợp, sát với thực tiễn. Nếu không xác định được tính đặc thù của sản phẩm này so với các sản phẩm thương mại thông thường thì các quy định rất khó khả thi.
Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho người nghèo, người có thu nhập thấp; trong đó, có chính sách khuyến khích hợp tác các doanh nghiệp, các tổ chức bảo hiểm vi mô và các tổ chức công nghệ tài chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục, dịch vụ, tạo thuận lợi với chi phí thấp cho người nghèo, người dân ở khu vực nông thôn, nông dân.
Tạo điều kiện khuyến khích cho các tổ chức chính trị, xã hội; chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội; mạng lưới bưu chính công cộng; bưu điện… tích cực tham gia hỗ trợ hoạt động tài chính vi mô phát triển, trong đó có bảo hiểm vi mô.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu các ý kiến góp ý của ĐBQH; giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Đã có 30 ý kiến sát thực tiễn, Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ, tổng hợp, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện để trình kỳ họp thứ ba Quốc hội trong thời gian tới.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục nghe tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025; tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Các đoàn tiến hành thảo luận ở tổ về các nội dung trên.
NGUYỆT THU