Kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng và khoáng sản tại Bảo Lộc, Di Linh

07:11, 03/11/2022
(LĐ online) - Ngày 3/11, Đoàn công tác do đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì đã kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng và khoáng sản trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Di Linh. 
 
Đồng chí Phạm S cùng đoàn công tác làm việc với UBND TP Bảo Lộc về công tác quản lý, bảo vệ rừng và khoáng sản
Đồng chí Phạm S cùng đoàn công tác làm việc với UBND TP Bảo Lộc về công tác quản lý, bảo vệ rừng và khoáng sản
 
Dự buổi kiểm tra có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Công an tỉnh Lâm Đồng, Chi cục Kiểm lâm; lãnh đạo UBND TP Bảo Lộc; huyện Di Linh cùng các phòng ban liên quan.
 
• KIỂM TRA HIỆN TRƯỜNG KHAI THÁC CÁT TRÁI PHÉP
 
Theo báo cáo của UBND TP Bảo Lộc, hiện nay, địa phương có 2.288 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp (1.068 ha đất rừng phòng hộ xung yếu và 1.220 ha đất rừng sản xuất) nằm trên 11 tiểu khu thuộc địa giới hành chính 3 xã: Đại Lào, Lộc Châu và Đam B’ri. Diện tích đất có rừng là gần 1.558 ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên hơn 989 ha, diện tích rừng trồng gần 569 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 6,7 %. 
 
Về tình hình quản lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, đến nay, trên địa bàn TP Bảo Lộc có 10 giấy phép khai thác khoáng sản với tổng diện tích hơn 220 ha, tập trung tại các xã Đại Lào, Lộc Châu, Đam B’ri. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 3 giấy phép khai thác cao lanh với diện tích hơn 155 ha, UBND tỉnh cấp 4 giấy phép khai thác đá với diện tích hơn 61 ha, 1 giấy phép khai thác cát và đá chẻ đi kèm với diện tích hơn 3,5 ha của Công ty TNHH Trung Sơn Bảo Lộc khai thác trong dự án đầu tư nuôi bò sữa và dê bách thảo đã hết hạn và UBND tỉnh không thống nhất gia hạn. Ngoài ra, còn có 2 giấy phép thăm dò cao lanh do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp. 
 
Ông Nguyễn Việt Nam - Chủ tịch UBND xã Đại Lào (TP Bảo Lộc) phát biểu tại cuộc họp
Ông Nguyễn Việt Nam - Chủ tịch UBND xã Đại Lào (TP Bảo Lộc) phát biểu tại cuộc họp
 
Theo UBND TP Bảo Lộc thì hiện nay diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn phân bố không liền kề, xen kẽ đất nông nghiệp, khu dân cư, lòng đất có khoáng sản (cát, cao lanh, đá…) nên công tác quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp và khai thác khoáng sản trái phép trên đất lâm nghiệp diễn ra phức tạp.
 
Từ đầu năm đến nay, TP Bảo Lộc xảy ra 6 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; trong đó, có 3 vụ đã có quyết định khởi tố vụ án. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về khoáng sản theo thẩm quyền đối với 3 doanh nghiệp với tổng số tiền xử phạt hơn 438 triệu đồng. Vi phạm về khai thác vận chuyển khoáng sản trái phép với số tiền xử phạt vi phạm hơn 273 triệu đồng, 1 trường hợp chế biến khoáng sản với số tiền xử phạt 195 triệu đồng.   
 
UBND TP Bảo Lộc đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng một số nội dung: Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND TP Bảo Lộc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường. Chỉ đạo rà soát, yêu cầu các đơn vị đã được cấp phép nhưng chậm thực hiện các thủ tục thuê đất, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, phí tài nguyên. Đối với các đơn vị cố tình không chấp hành lập hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định. Đối với các khu mỏ hết hạn giấy phép, đóng cửa mỏ, đề nghị phải thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường, đồng thời phải thực hiện các thủ tục quản lý đất đai sau khi kết thúc khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản.
 
Chỉ đạo UBND huyện Bảo Lâm tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp khai thác khoáng sản tại khu vực xã Lộc Tân, giáp ranh với xã Lộc Châu, Đại Lào, TP Bảo Lộc xả thải chất thải ô nhiễm chảy qua địa bàn. Đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành văn bản quy định cụ thể về việc san gạt, cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn về thu hồi, sử dụng, vận chuyển khối lượng đất, đá dôi dư trong quá trình san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp… 
 
Đồng chí Phạm S trực tiếp kiểm tra tại điểm khai thác cát trái phép ở xã Đại Lào
Đồng chí Phạm S trực tiếp kiểm tra tại điểm khai thác cát trái phép ở xã Đại Lào
 
Các kiến nghị, đề xuất của UBND TP Bảo Lộc được các sở, ban, ngành giải thích, làm rõ. Đồng chí Phạm S yêu cầu UBND TP Bảo Lộc cần chú trọng đến vấn đề môi trường khi thực hiện các dự án, các vấn đề về tái định cư của người dân tại một số điểm sạt lở; chính quyền địa phương, các ban, ngành liên quan cần phải tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, khai thác khoáng sản trên địa bàn.       
  
Liên quan đến việc khai thác cát trong diện tích rừng trồng tại Tiểu khu 474 xã Đại Lào mà Báo Lâm Đồng đã phản ánh gần đây, khi tiếp nhận thông tin, UBND TP Bảo Lộc, UBND xã Đại Lào phối hợp cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, tạm giữ phương tiện để lập hồ sơ xử lý theo quy định. UBND TP Bảo Lộc đã có báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng về vụ việc trên.
 
Tại hiện trường khai thác cát trái phép tại Tiểu khu 474 xã Đại Lào, ông Phạm Ngọc Chiến (ngụ Thôn 5, xã Đại Lào, quản lý khu đất để trồng rừng) thừa nhận việc khai thác cát, chẻ đá là trái với quy định của pháp luật. 
 
Kiểm tra tình hình thực tế tại điểm khai thác cát trái phép thuộc Tiểu khu 474, xã Đại Lào, đồng chí Phạm S yêu cầu UBND TP Bảo Lộc, UBND xã Đại Lào, các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ sai phạm; đặc biệt là có yếu tố thương mại, mua bán cát hay không. Sau đó, phải báo cáo cụ thể kết quả bằng văn bản lên UBND tỉnh Lâm Đồng trước ngày 10/11/2022. 
 
•  DI LINH: XẢY RA 11 VỤ VI PHẠM LUẬT LÂM NGHIỆP, 9 VỤ LÀM BIẾN DẠNG ĐỊA HÌNH CỦA ĐẤT 
 
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Di Linh xảy ra 11 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (8 vụ có chủ, 3 vụ vắng chủ) diện tích rừng bị tác động 3.270 m 2, tổng khối lượng lâm sản thiệt hại là 32,464 m 3. Cơ quan chức năng đã xử lý 8 vụ việc (7 xử lý hành chính, 1 xử lý hình sự), tịch thu 5,082 m 3 lâm sản, thu nộp ngân sách hơn 67 triệu đồng. 
 
Đồng chí Phạm S cùng đoàn công tác làm việc với huyện Di Linh về công tác quản lý, bảo vệ rừng và khoáng sản
Đồng chí Phạm S cùng đoàn công tác làm việc với huyện Di Linh về công tác quản lý, bảo vệ rừng và khoáng sản
 
Các đơn vị chủ rừng phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh, chính quyền địa phương giải tỏa được gần 19,5 ha (trồng lại rừng hơn 7,3 ha, chưa trồng rừng hơn 12 ha) trên diện tích cây trồng lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép từ năm 2021 trở về trước. Đến nay, huyện Di Linh đã trồng hơn 1 triệu cây xanh, đạt 103,7 % chỉ tiêu kế hoạch. 
 
UBND huyện Di Linh đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất và cơ cấu 3 loại rừng trên địa bàn huyện và tiến hành họp định kỳ nhằm đánh giá tiến độ, khó khăn, vướng mắc. Qua đó, ban hành các văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, điều chỉnh, quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng trên địa bàn huyện. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Di Linh đã kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm phá rừng trái pháp luật tại lô b1, khoảnh 2, Tiểu khu 714, xã Sơn Điền. 
 
Hiện nay, trên địa bàn huyện Di Linh có 7 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản. 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh Lâm Đồng xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, thiết bị và kế hoạch nạo vét, kết hợp thu hồi cát, sạn, sỏi xây dựng tại lòng hồ thủy điện. Kết quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản cho thấy có 4 doanh nghiệp đang ngưng hoạt động, 6 doanh nghiệp đang hoạt động. UBND huyện Di Linh đã phối hợp tổ chức kiểm tra 2 doanh nghiệp. Phát hiện và xử lý 9 vụ làm biến dạng địa hình của đất (san gạt cải tạo mặt bằng) với tổng số tiền phạt 174 triệu đồng. 
 
UBND huyện Di Linh đề xuất, kiến nghị: Doanh nghiệp tư nhân được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư trồng rừng kinh tế tại một phần Tiểu khu 611, 612 trên địa bàn xã Đinh Trang Thượng gửi văn bản đến UBND huyện Di Linh xin sửa chữa và nâng cấp các tuyến đường lâm nghiệp thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng Tân Thượng vào dự án rừng của đơn vị. Tuy nhiên, đây là các tuyến đường lâm nghiệp và hiện nay chưa có quy định đối với việc sửa chữa, nâng cấp; UBND huyện đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các sở, ban, ngành kiểm tra, hướng dẫn địa phương trong việc giải quyết đề nghị của doanh nghiệp.
 
Đoàn công tác kiểm tra rừng dỗi trồng thí điểm tại Tiểu khu 612
Đoàn công tác kiểm tra rừng dỗi trồng thí điểm tại Tiểu khu 612
 
Huyện Di Linh có 3 đơn vị chủ rừng (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh, Tam Hiệp và Ban Quản lý rừng Tân Thượng) thực hiện việc giao khoán đất rừng, đất lâm nghiệp với tổng diện tích khoán theo hồ sơ là hơn 1.127 ha/217 hộ, cá nhân với mục đích khoán là trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp và quản lý và bảo vệ rừng. 
 
Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát hầu hết các diện tích này đang được các hộ sử dụng sai mục đích. UBND huyện Di Linh đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét đưa diện tích đất giao khoán nêu trên ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng và giao cho địa phương quản lý theo hình thức đất công.
 
Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc rà soát các vị trí đất phục vụ cho việc bố trí tái định canh, tái định cư tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, UBND huyện Di Linh đã rà soát và dự kiến bố trí quỹ đất với diện tích 396 ha thuộc đối tượng rừng sản xuất của các đơn vị. Để thuận lợi khi thực hiện các thủ tục liên quan thu hồi đất, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét đưa diện tích nêu trên vào chỉ tiêu khai thác trắng đối với các đơn vị chủ rừng vào năm 2023. 
 
Bổ sung quy định về việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát đối với các tổ chức, cá nhân thu hồi khối lượng cát từ dự án nạo vét, khơi thông luồng lệch. Xem xét việc bổ sung cục bộ một số điểm mỏ vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện. Chỉ đạo lực lượng công an tăng cường kiểm tra, xử lý theo đúng quy định chuyên ngành đối với các tổ chức, cá nhân có sử dụng phương tiện tàu thuyền để khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên sông, suối được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép không đảm bảo các quy định về giao thông đường thủy nội địa.
 
Các kiến nghị, đề xuất của UBND huyện Di Linh đã được các sở, ban, ngành liên quan giải thích làm rõ. Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện Di Linh giảm so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên địa phương cần lưu ý còn 12 ha rừng chưa trồng sau khi tiến hành giải tỏa và đặc biệt là vụ khai thác lâm sản trái phép, khối lượng lâm sản thiệt hại 24,93 m3; địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và khoáng sản; chú trọng thu ngân sách Nhà nước; rà soát, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. 
 
Cùng với đó, đoàn công tác đã kiểm tra khu vực 5 ha thí điểm trồng rừng dỗi tại Tiểu khu 612, xã Đinh Trang Thượng.
 
ĐỨC TÚ