Thành phố hoa nỗ lực giảm rác thải nhựa

06:10, 17/10/2019

Nói không với rác thải nhựa, chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa... là những vấn đề mà cả hệ thống chính trị và người dân ở thành phố Đà Lạt quan tâm. Chính quyền địa phương nỗ lực, người dân hưởng ứng và bắt đầu có những động thái thực hiện.

Nói không với rác thải nhựa, chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa... là những vấn đề mà cả hệ thống chính trị và người dân ở thành phố Đà Lạt quan tâm. Chính quyền địa phương nỗ lực, người dân hưởng ứng và bắt đầu có những động thái thực hiện.
 
Chị em phụ nữ trên địa bàn thành phố tham gia hưởng ứng phong trào “Nói không với túi ni lông” bằng cách sử dụng làn nhựa hay may túi sử dụng nhiều lần để đi chợ. Ảnh: N.Ngà
Chị em phụ nữ trên địa bàn thành phố tham gia hưởng ứng phong trào “Nói không với túi ni lông” bằng cách sử dụng làn nhựa hay may túi sử dụng nhiều lần để đi chợ. Ảnh: N.Ngà
 
Vấn đề cũ mà mới
 
Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Lạt, căn cứ vào Quyết định số 528 ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020; nhiều năm qua, UBND thành phố Đà Lạt đều ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Nội dung chú trọng vào việc kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt. Nội dung này được lồng ghép trong vấn đề chung liên quan tới công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Song theo số liệu thống kê, mỗi ngày trên địa bàn thành phố Đà Lạt rác thải ra môi trường lên đến hàng chục tấn. Trong đó vẫn có không ít rác khó phân hủy chủ yếu các loại bao ni lông, hộp sữa, chai nhựa... thải ra môi trường.
 
Hiện nay, vấn đề này lại được xã hội quan tâm rất lớn song không dừng lại ở túi ni lông mà là vấn đề rác thải nhựa nói chung. Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra cuối tháng 6/2019 ở Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu khẳng định Việt Nam quyết tâm chống rác thải nhựa; đồng thời, kêu gọi “Hãy nói không với túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã ban hành công văn chỉ đạo hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết rác thải nhựa. Các địa phương trong đó có thành phố Đà Lạt cũng đã có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh nội dung này. Cụ thể, Bí thư Thành ủy Huỳnh Thị Thanh Xuân đã ký ban hành văn bản đề nghị UBND thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị, các TCCS đảng trực thuộc Thành ủy tăng cường công tác tuyên truyền và chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa bằng những việc làm thiết thực. 
 
Nhiều giải pháp hướng tới giảm rác thải nhựa
 
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Lạt cho biết thêm: UBND thành phố Đà Lạt cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố thực hiện nội dung giảm rác thải nhựa bắt đầu từ chính các cơ quan công quyền. Nội dung thực hiện này bắt đầu từ những việc làm cụ thể như không sử dụng chai nước nhựa, ly nhựa tại các phòng làm việc. Không sử dụng nước uống đóng chai nhựa tại các cuộc họp...
 
Để dần thay đổi nhận thức của người dân, các phường cũng như đoàn thể thuộc thành phố Đà Lạt đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, liên tục. Bà Hoàng Nhật Lệ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố khẳng định: “Chống rác thải nhựa là một trong hai nội dung thuộc chủ đề năm 2019. Bởi vậy ngay từ đầu năm Hội đã xây dựng kế hoạch để tuyên truyền, vận động thực hiện nội dung này, nhằm nâng cao nhận thức của hội viên và cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa tiến tới thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa. Đây là nội dung xuyên suốt được triển khai trong từng tháng và lồng ghép vào tất cả các hoạt động của Hội. Theo số liệu thống kê, đến nay, đã có nhiều hoạt động hưởng ứng nội dung chống rác thải nhựa. Đặc biệt, mô hình phụ nữ nói không với túi ni lông được hưởng ứng rất lớn. Hiện, chi hội phụ nữ các phường, xã và chợ Đà Lạt bằng nhiều biện pháp khác nhau đã tặng trên 11 ngàn túi thân thiện môi trường, gần 800 làn nhựa và 60 giỏ cói đến chị em để thay thế việc sử dụng túi ni lông khi đi chợ. Đồng thời, cũng từ đây, nhiều sáng kiến đã được thực hiện, đơn cử như việc phụ nữ Phường 3 đã sử dụng quần áo tái chế, băng rôn, áp phích không sử dụng nữa mang về để chị em khuyết tật trên địa bàn may túi. Số tiền bán túi sẽ dùng để mua bảo hiểm y tế cho các chị. Hay Chi hội phụ nữ Chợ Đà Lạt đã kêu gọi được sự ủng hộ của doanh nghiệp để cung cấp túi vải vào thứ bảy hàng tuần cho các tiểu thương...”.
 
Tuy nhiên, theo nhận định của chính cơ quan chức năng, việc giảm rác thải nhựa không có những ràng buộc về mặt khung pháp lý hoặc chính sách nên việc này chỉ dừng lại ở mức phong trào, nhằm vận động thay đổi nhận thức, từ người sản xuất, người sử dụng đến người cung cấp dịch vụ và cộng đồng dân cư về tác hại của rác thải nhựa. Bởi vậy, thực tế hiện nay, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và sự lan tỏa của phong trào, nhiều cơ sở thương mại, doanh nghiệp du lịch và người dân trên địa bàn thành phố đã chuyển sang sử dụng các dụng cụ thay thế thân thiện với môi trường. Song vẫn còn không ít cơ sở kinh doanh và người dân đứng ngoài cuộc phong trào “Nói không với rác thải nhựa”.
 
Vấn đề rác thải nhựa dù là xu hướng tất yếu nhưng cần phải có thời gian, không thể thay đổi ngay trong một sớm một chiều. Chưa kể, với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần đòi hỏi phải có vật dụng thay thế. Do vậy, bên cạnh ban hành chính sách thì sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan trong việc nâng cao ý thức của người sử dụng, doanh nghiệp rất quan trọng. Đồng thời, kết hợp với việc thay đổi sản phẩm phù hợp từ nhà cung cấp, nhà sản xuất... hướng đến mục tiêu chấm dứt vật dụng nhựa sử dụng một lần trong thời gian tới.
 
N.NGÀ