Mô hình "Xây dựng sân xi măng cho đồng bào dân tộc thiểu số" do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh phát động đã mang lại ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân.
Mô hình “Xây dựng sân xi măng cho đồng bào dân tộc thiểu số” do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh phát động đã mang lại ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân.
|
Hội CTĐ TP Hồ Chí Minh và Lâm Đồng bàn giao công trình giếng khoan cho xã Gia Bắc (Di Linh). Ảnh: A.Nhiên |
Mô hình “Xây dựng sân xi măng cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)” xuất phát từ đời sống thực tế của đồng bào DTTS, đa số nhà người DTTS không có sân làm bằng xi măng, mà san đất trước nhà cho bằng phẳng làm sân phơi nông sản và cho con trẻ vui chơi. Do vậy, Hội CTĐ tỉnh đã tham mưu, đề xuất Ban Dân vận Tỉnh ủy, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tham gia phong trào “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” bằng mô hình “Xây dựng sân xi măng cho đồng bào DTTS” triển khai thực hiện giai đoạn 2016 - 2020.
Mục tiêu chính của mô hình nhằm cải thiện môi trường sống xung quanh gia đình, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS. Mô hình “Xây dựng sân xi măng cho đồng bào DTTS” làm một việc nhưng đã đạt được 3 mục đích lớn, đó là: Khi bà con đồng bào DTTS có sân xi măng thì đó cũng chính là nơi để bà con phơi nông sản khi mùa thu hoạch, chất lượng nông sản đảm bảo hơn; sân xi măng còn là sân chơi cho trẻ em, nơi sinh hoạt hội tụ gia đình, xóm làng sau những giờ làm việc vất vả, là nơi thắt chặt tình làng nghĩa xóm; nhà các hộ dân có sân xi măng còn tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp, vệ sinh môi trường được nâng lên.
Nhận thức rõ lợi ích từ mô hình “Xây dựng sân xi măng cho đồng bào DTTS”, anh Kon Sơ Ha Tang (Thôn 4, xã Đạ Long, huyện Đam Rông) là hộ nghèo của xã, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cho biết: “Từ khi được chính quyền địa phương cùng Hội CTĐ hỗ trợ sân xi măng, gia đình tôi rất phấn khởi vì có sân phơi nông sản và đem lại nhiều lợi ích thiết thực nữa như sạch sẽ, con trẻ có nơi vui chơi”. Cùng với hộ anh Kon Sơ Ha Tang, nhiều gia đình trong Thôn 4, xã Đạ Long (huyện Đam Rông) như: Kon Sơ Ha Lóc, Kơ Să Ha Chin, Liêng Hót Ha Húy, Kơ Să Ha Glai, Liêng Hót Ha Sép… cũng đã có cuộc sống tốt hơn nhờ có sự hỗ trợ xây dựng sân xi măng. Khi có sân xi măng nhiều hộ gia đình trong vùng đồng bào DTTS đã kéo điện ra ngõ, ra sân làm cho cuộc sống và không khí vùng núi rừng trở nên văn minh và vui hơn.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo xây dựng nông thôn mới” do Ban Dân vận Tỉnh ủy phát động, từ năm 2016 đến nay, Hội CTĐ tỉnh đã vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, cán bộ, hội viên CTĐ đóng góp để hỗ trợ cho các hộ đồng bào DTTS nghèo, khó khăn của tỉnh xây dựng 149 sân xi măng, với tổng trị giá 394,4 triệu đồng.
Hiện nay, Hội CTĐ các cấp trong tỉnh tiếp tục vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và đồng bào DTTS đồng hành cùng Hội để thực hiện mô hình trong thời gian tới.
Qua 3 năm thực hiện, mô hình được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ủng hộ, nhiều tổ chức chính trị - xã hội cũng đã và đang triển khai thực hiện mô hình này, nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS thấy rõ tiện ích và hiệu quả đã tự đầu tư kinh phí để làm sân xi măng. Mô hình “Xây dựng sân xi măng cho đồng bào DTTS” góp phần xây dựng nông thôn mới, đến nay đã được lan tỏa trong các huyện: Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng và xã Tà Nung - TP Đà Lạt.
Mô hình “Xây dựng sân xi măng cho đồng bào DTTS” đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp và thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa và gìn giữ môi trường sống xanh, sạch, đẹp ở gia đình và khu dân cư vùng đồng bào DTTS. Đây cũng chính là một trong những giải pháp thiết thực về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội CTĐ các cấp, phát triển các mô hình nhân đạo, tạo sức lan tỏa trong Nhân dân.
AN NHIÊN