Không phải ngày 2 buổi đến trường, hoặc được cha mẹ đón đưa như thường lệ...
Không phải ngày 2 buổi đến trường, hoặc được cha mẹ đón đưa như thường lệ. Ở mái nhà chung ấy, các em học sinh người dân tộc thiểu số đang còn ở cái tuổi “ăn chưa tròn bữa, ngủ chưa tròn giấc” đã bắt đầu chập chững một cuộc sống tự lập dưới sự dìu dắt, bảo ban của các thầy cô mà chúng xem như người thân, ruột thịt trong gia đình.
|
Sân bóng đá mini được đầu tư bài bản giúp các em có điều kiện phát triển về mặt thể chất. Ảnh: T.Linh |
Nằm khuất lấp giữa những mảng xanh, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) THCS Đam Rông như một buôn làng thu nhỏ. Bên cạnh những dãy phòng ở, phòng chức năng không bề thế nhưng sạch sẽ và quy chuẩn là những vườn rau, ao cá, sân vui chơi rộng rãi, có tầm nhìn thoáng và gần gũi với thiên nhiên. Không gian ấy là nơi ăn ở, học tập, sinh hoạt của 360 em học sinh ưu tú người đồng bào DTTS của huyện nghèo Đam Rông.
Cũng giống như rất nhiều ngôi trường DTNT khác, Trường PTDTNT THCS Đam Rông có sự nề nếp, khuôn thước nhất định mà mỗi trường nội trú đều phải áp dụng. Phía sau những tiếng chuông, tiếng trống hiệu lệnh tưởng chừng như có vẻ khắt khe nặng nề với những đứa trẻ ấy lại là không gian sinh hoạt của một gia đình, đầm ấm và ngập tràn yêu thương. Đó là sự động viên, cùng nhau cố gắng của những đứa trẻ xa nhà, xa hơi ấm bảo bọc của gia đình, là sự lắng lo bảo ban, nhắc nhở cho từng miếng ăn, giấc ngủ của lũ trẻ vùng sâu, còn nhiều thiếu thốn của các thầy cô.
“Sinh sau, đẻ muộn” so với những ngôi trường DTNT khác trong tỉnh, có lẽ vì thế sự cố gắng, nỗ lực của thầy trò nơi mái trường này là điều đáng ghi nhận và đáng được trân trọng nhất.
Thành lập năm 2008, giữa những bộn bề về hành chính, về cơ sở hạ tầng, về quản lý sắp xếp và cả những khó khăn cố hữu của một người mới ra “ở riêng”, chỉ 5 năm sau, Trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia và cũng chỉ mất thêm khoảng chừng ấy thời gian, năm 2018, trường đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc trong năm học 2017 - 2018. Thành quả ấy không phải là điều gì quá đặc biệt, nhưng với một ngôi trường vùng sâu, dù đã được Nhà nước đầu tư nhiều, địa phương thường xuyên quan tâm, điều này lại là minh chứng cụ thể nhất cho sự nỗ lực và thật nhiều cố gắng của thầy trò nơi đây.
Như lời chia sẻ của đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy trong chuyến thăm trường vào dịp 20/11 vừa qua: “360 em học sinh của trường, trong đó không có học sinh bị xếp loại hạnh kiểm trung bình và yếu thực sự là một thành tích đáng trân trọng. Kiến thức là cần thiết với các em, nhưng đó là một chặng đường dài, cần rất nhiều công sức dạy dỗ của thầy cô, của gia đình, của xã hội và chính từ sự cố gắng tự thân của các em. Điều đầu tiên các em cần được dạy dỗ chính là bài học làm người tốt và có ích cho xã hội”.
Thay đổi tâm lý và thích nghi với thói quen đến trường luôn là một bài toán khó trong việc đi tìm lời giải của giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Nhưng ở Trường PTDTNT THCS Đam Rông lại là một điểm sáng. Dù có điểm xuất phát thấp và nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu chính là tạo ra niềm say mê con chữ, kiến thức cho các em, nhưng không vì thế mà trường không coi trọng nhiệm vụ đào tạo. Dù tỷ lệ học sinh giỏi còn ít, chỉ khoảng 11% tổng số học sinh, học sinh khá chiếm đa số với 65%, nhưng bù lại số học sinh yếu của trường chỉ còn 1% và hàng năm đều có từ 12 - 16 em đoạt học sinh giỏi cấp huyện; 7 - 9 em đoạt học sinh giỏi cấp tỉnh ở các bộ môn văn hóa; 50% tổng số giải của Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện. Một con số thật sự mang lại nhiều hy vọng với một ngôi trường ở huyện nghèo khi chỉ sau 10 năm thành lập.
Hơn 1 tiếng rưỡi trước giờ cơm tối khi kết thúc buổi học chiều có lẽ là quãng thời gian nhộn nhịp nhất của trường. Các anh chị lớp trên thì cuốc xới, các em nhỏ thì nhặt, dọn, các bạn trai thì lo việc nặng, các em nhỏ thì phụ giúp động viên. Tưởng như ít ỏi, nhưng cùng với các thầy cô, “kế hoạch nhỏ” tăng gia sản xuất của các em là 50 - 60 con heo thịt và 4 - 5 tấn rau sạch mỗi năm nhập vào bếp ăn tập thể.
Thành quả ấy, không đơn thuần là cải thiện bữa ăn, cải thiện đời sống, hơn hết là giúp các em không còn ỷ lại vào rừng, vào những thứ có sẵn, không phải là những đọt nhíp, củ măng mà là những thứ rau củ tươi ngon, thực phẩm sạch được làm ra từ chính mồ hôi công sức của mình.
“Kiến trúc sư” làm thay đổi không gian sống cũng như “quy hoạch” lại nề nếp, thói quen cho các em học sinh không ai khác chính là những thầy, cô giáo trong trường. Mỗi người một quê, từng thời điểm khác nhau về với Đam Rông kể từ khi huyện được thành lập. Với nhiều lý do khác nhau, nhưng chắc hẳn phần nhiều trong số ấy là những người yêu nghề, muốn được gắn bó với công việc mà mình đã được học từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường.
Không thể kể hết những người đã đến và rời đi, nhưng với những người ở lại, ngoài khát khao dấn thân của tuổi trẻ, ngoài ràng buộc hôn nhân gia đình, còn là sự nặng nợ và tình yêu, sự thương mến dành cho những đứa trẻ ở nơi này.
“Tổng quản” - thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Anh là một ví thử. Có công việc ổn định ở Hà Nội, nơi anh sinh ra, nhưng theo tiếng gọi của tình yêu, người vợ của mình, anh đã từ bỏ tất cả để đến với Đam Rông khi huyện mới thành lập. Khỏi phải miêu tả, chắc rất nhiều người đã mường tượng ra những khó khăn và cách trở, nghèo đói và xa xôi của Đam Rông ngày ấy. Nếu không có sự kiên định, hơn hết là tình yêu, là cái duyên nợ chắc hẳn anh đã rời đi khi vừa “chạm ngõ” xứ sở này.
Vẫn còn đó thoảng nét phong lưu, thanh lịch của người Hà thành trong cách ứng xử, sinh hoạt nhưng Hiệu trưởng Nguyễn Đức Anh giờ trông đã “buôn làng” hơn. “Là cái duyên rồi”, anh cười nhẹ nhàng trả lời khi được hỏi sao lại gắn bó với mảnh đất này?
Không chỉ với mỗi thầy Hiệu trưởng, ở tập thể sư phạm PTDTNT THCS Đam Rông còn có cô Nguyễn Thị Kim Ngân, cô Trần Thị Vân, cô Bùi Thị Thu Huyền, cô Krajan PhiLang hay thầy Trần Văn Linh... không một ai sinh ra ở Đam Rông nhưng lại gắn bó với vùng đất này và thật sự tâm huyết với nghề. Các thầy cô không chỉ được ghi nhận bằng sự cố gắng thông qua những giấy khen, bằng khen được địa phương, ngành, tỉnh... công nhận mà còn được các em học sinh xem như người thân, ruột thịt trong gia đình.
Ở dưới mái nhà chung ấy, chắc chắn những bài học về tri thức, đặc biệt là những bài học về làm người sẽ giúp các em học sinh có được hành trang tốt nhất để đi xa, trở về và thay đổi mảnh đất nghèo khó nơi mình sinh ra.
TUẤN LINH