Ưu tiên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

06:11, 13/11/2019

Hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nằm trong Dự án Dân số và phát triển thuộc Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số được triển khai từ Trung ương đến địa phương...

Hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nằm trong Dự án Dân số và phát triển thuộc Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số được triển khai từ Trung ương đến địa phương. Theo Sở Y tế Lâm Đồng, trong 3 năm qua, hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được thực hiện đồng bộ các nội dung như: tư vấn, khám sàng lọc, chăm sóc và phát hiện bệnh sớm, cải thiện tình trạng sức khỏe, tiến tới lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho người cao tuổi. 
 
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tổ chức gặp mặt sinh hoạt văn nghệ và mừng thọ các cụ cao tuổi
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tổ chức gặp mặt sinh hoạt văn nghệ và mừng thọ các cụ cao tuổi
 
Tổng số người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên của toàn tỉnh là 141.258 người, chiếm tỷ lệ 10,75% dân số; tổng số hội viên người cao tuổi là 81.027 hội viên, chiếm tỉ lệ 83% người cao tuổi. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được thực hiện theo hướng của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020. Từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn, mô hình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, các đơn vị nuôi dưỡng, các cơ sở tập trung, trung tâm bảo trợ xã hội… cho người cao tuổi; tư vấn, khám sàng lọc, chăm sóc và phát hiện bệnh sớm cho người cao tuổi. Đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng; phát triển thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; cải thiện tình trạng sức khỏe cho người cao tuổi tại 12 huyện, thành phố với 147/147 xã, phường, thị trấn.
 
Bà Dương Thị An - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Lâm Đồng cho biết, hiện nay có gần 70 người cao tuổi neo đơn, khuyết tật được chăm sóc thể chất và sức khỏe tại đây. Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh quan tâm đến người cao tuổi qua các hoạt động rèn luyện thân thể bằng các bài tập thể dục buổi sáng và tập dưỡng sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đưa đối tượng đi khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tổ chức khám bệnh, kê đơn thuốc cho đối tượng tâm thần và người cao tuổi bệnh nặng. Đồng thời, hàng tháng phối hợp với Trạm Y tế Phường 8, Đà Lạt nhận thuốc cho đối tượng tâm thần, hiện tại có 34 đối tượng tâm thần được chăm sóc, phần lớn là người cao tuổi. Đảm bảo thực hiện tốt chế độ nuôi dưỡng và sinh hoạt cho tất cả các đối tượng, trong đó có người cao tuổi. Các dịp ngày lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần và ngày sinh nhật của các đối tượng, Trung tâm tổ chức sinh hoạt văn nghệ, tặng quà chúc mừng, chúc thọ, tạo không khí đầm ấm, vui vẻ cho các đối tượng người cao tuổi sinh sống tại Trung tâm như mái nhà chung. Hiện tại có 14 người cao tuổi bị bệnh nặng đang nằm một chỗ đều được quan tâm chăm sóc. Trung tâm ưu tiên tuyển dụng điều dưỡng, y sĩ đa khoa để có kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và trẻ em. Khi người cao tuổi bệnh nặng được Trung tâm đưa đi bệnh viện chữa trị và khi qua đời được Trung tâm lo hậu sự cho họ. 
 
Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
 
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020: Nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Các chỉ tiêu cụ thể: đảm bảo 100% lãnh đạo, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể được cung cấp thông tin về già hóa dân số, thực trạng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Có 90% người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi và các kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Nâng cao sức khỏe của người cao tuổi trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của người cao tuổi: 60% người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe; 60% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe. Đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà...): 80% người cao tuổi khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 90% bệnh viện tuyến tỉnh (trừ Bệnh viện Nhi Lâm Đồng) có tổ chức Khoa Lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi; trên 90% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và trong các cơ sở khám, chữa bệnh: 90% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng. Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, không còn khả năng tự chăm sóc, không có người trợ giúp tại nhà được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở y tế.
 
Theo kế hoạch triển khai đề án, từ nay đến năm 2020 tập trung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng: tăng cường các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi; tổ chức khám sức khỏe định kì, lập hồ sơ quản lý sức khỏe người cao tuổi tại trạm y tế xã; tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho người cao tuổi của các cơ sở y tế; thực hiện BHYT trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo hướng dẫn; xây dựng tổ chức, quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; nhân bản tài liệu và tổ chức đào tạo về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng phong trào xã, phường phù hợp với người cao tuổi.
 
AN NHIÊN